(vhds.baothanhhoa.vn) - Việt Nam nằm trong khí hậu nhiệt đới, phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Từ xa xưa, cư dân Việt cổ lấy việc làm ruộng trồng lúa là gốc để sinh sống mà trống đồng Đông Sơn với những hình ảnh sinh động như là ký tự cổ ghi lại và in dấu sâu đậm nền văn minh lúa nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày xuân cày ruộng tịch điền - gương sáng trọng nông của ông cha ta

Việt Nam nằm trong khí hậu nhiệt đới, phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Từ xa xưa, cư dân Việt cổ lấy việc làm ruộng trồng lúa là gốc để sinh sống mà trống đồng Đông Sơn với những hình ảnh sinh động như là ký tự cổ ghi lại và in dấu sâu đậm nền văn minh lúa nước.

Trong mọi nghề, nghề làm ruộng là gian nan vất vả hơn cả và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, vừa phải "trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm" bởi bão lụt tràn qua, nắng hè ập đến, khi thì mênh mông đồng trắng nước, lúc hạn hán nứt nẻ ao sâu. Để làm nên hạt lúa, củ khoai họ phải "cày hôm, cuốc sớm, vất vả quanh năm, nào khi làm cỏ, nào khi tát nước, trời nắng chang chang, xém cả da, cháy cả thịt cũng phải lọm cọm ở giữa cánh đồng, qua sang đông thì trời rét như cắt ruột, xẻo ra mà cũng phải dầm chân xuống nước" (Phan Kế Bính - Việt Nam phong tục, trang 291).

Mỗi năm sản xuất chia làm hai vụ chính, đó là vụ mùa và vụ chiêm. Vụ mùa bắt đầu từ tháng năm đến tháng mười, và vụ chiêm từ tháng chạp đến tháng tư. Làm nông nghiệp, trồng cây lúa nước vất vả là vậy nhưng nếu như ngại khó, ngại khổ không ngày đêm gắng sức thì không có thu hoạch. Dân gian đã đúc kết thành bài học ghi lòng: "Phi nông bách nghệ bại". Đối với một đất nước sống bằng nông nghiệp là chủ yếu nếu nông nghiệp thất bát thì trăm nghề sẽ chao đảo, thất bại. Không chỉ thiếu nguyên liệu cho các ngành nghề sản xuất mà mất mùa, lập tức cái nghèo, cái đói ập đến, lúc nào cũng lo cái ăn, lòng không an thì làm sao mà đất nước mạnh giàu được.

Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã sớm nhận thức được vai trò, vị trí của nông nghiệp và việc cày cấy nên đã chăm lo và có những chính sách trọng nông phù hợp nhằm khuyến khích, phát triển nghề nông.

Ngược dòng lịch sử, tìm về cội nguồn của những giá trị lịch sử văn hoá truyền thống dân tộc, chúng ta bắt gặp nhiều bài học và kinh nghiệm quý rất đỗi tự hào của ông cha đã để lại hình ảnh đẹp mãi còn lưu danh sử sách và trao truyền cho muôn đời sau.

Sản xuất nông nghiệp chi phối và tác động vào mọi lĩnh vực đời sống của xã hội Việt Nam. Bởi vậy từ vua quan cho đến thần dân, muôn người như một bao giờ cũng quan tâm tới mùa màng, thóc gạo. Thời Hùng Vương, nhà vua đã cắt cử người phụ trách và tổ chức việc chọn lựa các loại lúa hoang, đem về thuần chủng để có được giống lúa tốt, lại còn chế tạo ra lưỡi cày đồng hình cánh bướm giúp cho việc cày cấy, làm ruộng đạt năng suất cao, khiến cho dân không chỉ đủ ăn mà còn tích lũy được lương thực phòng khi giặc giã, bão lụt, thiên tai. Đến các thời đại phong kiến sau nàyĐinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn.... Nông nghiệp, trồng trọt được đích thân nhà vua, các quan và dân chúng coi trọng.

Ngời sáng những trang sử vàng trong "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về người anh hùng Lê Hoàn - ông vua cày ruộng thời tiền Lê được ghi chép như sau: "Đinh Hợi, năm thứ 8 (987)... Mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi (Thanh Liêm - Hà Nam bây giờ) được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh bạc nhỏ, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân".

Cày ruộng trong ngày đầu năm mới được vua Lê Đại Hành khởi xướng, chính nhà vua đã hai lần cày ruộng tịch điền, điều đó nói lên rằng: Nhà vua dù ở ngai vàng nhưng ông vẫn không quên mình là một người nông dân thực thụ, muốn tự mình làm ra thóc gạo thờ cúng tổ tiên, chính ông làm gương để cổ vũ và động viên nhân dân hăng hái sản xuất làm ra nhiều thóc gạo cho cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Theo gương Lê Đại Hành, việc cày ruộng tịch điền đến thời Lý tiếp tục được duy trì và người thực hiện nghi lễ này không ai khác cũng chính là nhà vua. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng tư, ngày mồng một (1032), vua ngự đến Tín - hương ở Đỗ - động giang cày ruộng tịch điền; Nông dân dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi ruộng ấy làm ruộng ứng - thiên".

Người dân nô nức lễ hội tịch điền. (Ảnh: TL)

Đến thời nhà Trần, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông vào thăm Chăm Pa năm Tân Sửu (1301), trước lúc lên đường người vẫn còn đau đáu một niềm chưa yên trong dạ, rồi Thượng hoàng cho vời vua Trần Anh Tông tới căn dặn rằng: "Tới lễ tịch điền này ta chưa về, quan gia phải tiến hành như thường lệ... Quan gia cày một hai đường cày, có phải là quan gia cày ruộng đâu, chính là quan gia cày vào lòng thiên hạ. Còn thiên hạ sẽ vì quan gia mà cày ruộng. Đấy mới chính là cái gốc của lễ tịch điền".

Noi theo tiền nhân, đến thời Hậu Lê nhà vua vẫn không quên mùa xuân cày ruộng tịch điền. Theo De Rhodes, một người nước ngoài đến Thăng Long từ 1627 đến 1630 ghi lại: "Vua đi qua thành phố (Thăng Long) ra ngoài đồng ruộng mênh mông. Vua xuống ngai, đầu tiên tế trời nghiêm trang, rồi đến cầm cày trang trí nghệ thuật và sang trọng bắt đầu cày vài luống đất" (Những người bạn Cố đô Huế, tập 1, trang 93, 94).

Thời Nguyễn, vào sáng sớm ngày mồng một tết. Sau khi vua tế lễ trời đất tổ tiên xong thì tiến hành làm lễ tịch điền. Lễ diễn ra tại sở tịch điền trong kinh thành (phía bắc ngoài Hoàng thành). Nhà vua, các hoàng thân, các vị đại thần cày mấy đường cày đầu năm để làm gương khuyến khích nhà nông theo đó mà siêng năng công việc cày cấy. Khi đi cày ruộng tịch điền, nhà vua mặc áo chẽn, bịt khăn đường cân, mang hia, tay cầm chiếc cày sơn vàng, do hai con bò cũng phủ lụa vàng kéo. Đi theo hầu vua có quan Phủ doãn Thừa Thiên và một viên ấn quan của bộ Hộ, người mang thóc giống, kẻ vãi giống. Vua cày xong lên ngồi trên đài Quan Canh để xem hoàng thân và các quan cày tiếp. Sau lễ cày ruộng tịch điền số ruộng ấy được giao lại cho một số chức sắc chuyên về nông nghiệp phụ trách. Lúa gạo thu hoạch từ ruộng này sẽ được dùng để tế Nam Giao, tế các thần và để tế ở các lăng miếu.

Đường cày đầu tiên sau khi được Thầy Tào làm lễ Tịch Điền. (Ảnh: TL)

Nối nghiệp ông cha, hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về, lễ cày ruộng tịch điền lại mở. Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân", hội xuống đồng, hội trồng cây mùa xuân, ra quân làm thủy lợi... thúc giục mọi người vui xuân nhưng không quên lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải, thóc gạo để mùa xuân - ấm no hạnh phúc đến với muôn nhà. Cày ruộng tịch điền trong thời kỳ đổi mới đất nước, quê hương đã trở thành nét đẹp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, địa phương... là những người mở đường cày đầu tiên thức gọi đất đai, động viên, khuyến khích nhà nông đua tài, làm cho mùa màng bội thu, không chỉ đáp ứng đủ đầy lương thực, rau quả trong nước mà còn trở thành quốc gia đứng tốp đầu về xuất khẩu lương thực; các sản phẩm hồ tiêu, điều, cà phê, hoa quả... của Việt Nam trở thành thương hiệu có uy tín và được xuất khẩu ra khắp năm châu, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ngày xuân cày ruộng tịch điền gắn với nghi lễ tế trời, khai đất vừa mang ý nghĩa thiêng liêng, vừa trần thế nhằm coi trọng nông nghiệp, khuyến khích thần dân trăm họ chăm lo sản xuất chính là lời khuyên, bài học lớn mà cha ông ta luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau. Theo sự chỉ bảo đó của tiền nhân, với các Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đặt ra những nhiệm vụ mới cho sản xuất nông nghiệp vừa góp phần giữ vững an ninh lương thực, vì một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch nhằm nâng cao mức sống và thu nhập của những người sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị cao, vừa tạo đà vững chắc để phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa và bền vững.

Hoàng Minh Tường


Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]