(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi những người đàn ông trong bản Pù Toong, xã Pù Nhi, Mường Lát đang còn say giấc, thì các chị, các mế đã vào rừng chặt luồng cuối vụ để chuẩn bị đón tết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người Mông làm giấy bản

Khi những người đàn ông trong bản Pù Toong, xã Pù Nhi, Mường Lát đang còn say giấc, thì các chị, các mế đã vào rừng chặt luồng cuối vụ để chuẩn bị đón tết.

Người Mông cẩn thận lắm, họ muốn từ bàn tay của mình làm tất cả mọi việc để thờ cúng ông bà. Vì thế từ đầu tháng Chạp không khí chuẩn bị tết của người Mông đã bắt đầu tất bật, đàn ông ra bãi gia súc lùa trâu, bò, dê về chuồng cạnh nhà, cùng với đó là chuẩn bị thức ăn cho chúng thường là cỏ, rơm rạ, thân cây ngô, cám ngô, cám gạo. Đàn bà có thể vào rừng gần để chặt măng, chẻ nhỏ, rồi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, đồ ngô, đồ gạo nấu rượu, làm bánh... Không khí cứ rộn ràng và náo nhiệt.

Chị Chá Thị Mỵ vào rừng tìm nguyên liệu.

Theo chân chị Chá Thị Mỵ, một người phụ nữ khỏe mạnh, có vóc dáng to cao, bước chân nhanh nhẹn, chị đeo chiếc gùi lên vai và đem theo con dao quắm - công cụ không thể thiếu vào rừng lấy nguyên liệu làm giấy bản. Bao đời nay giấy bản trở thành vật thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông. Đặc biệt, đây cũng là một nghi lễ không thể thiếu trong dịp năm mới với ước mong thần linh phù hộ độ trì cho cháu con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mỵ nói: Người Mông cầu kì lắm, chúng tôi chuẩn bị tết từ ba, bốn tháng trước cơ. Thu hoạch ngô, lúa đến làm nương phát rẫy vụ mới, dự trữ thực phẩm và đặc biệt không thể không kể đến việc làm giấy thủ công truyền thống hay còn gọi là giấy bản, giấy cúng ma.

Làm giấy bản cũng không có một công thức chung nào, chị Mỵ kể lại: Từ thời tổ tiên của người Mông, họ phải chờ đến mùa măng, khoảng tháng 8 trở đi, khi những cây măng tre, măng luồng, măng nứa và măng vầu... mọc cao thật cao để vào rừng. Riêng ở Pù Toong đến nay 100% các gia đình vẫn dùng giấy bản. Họ còn phải lựa thời tiết để chuẩn bị vào rừng, rồi lựa những cây măng mọc cao bằng nóc nhà, chặt về và chỉ lấy phần giữa để nấu chứ phần ngọn non quá cũng không thể dùng được. Công việc làm giấy đòi hỏi cả sức khỏe nhưng cũng rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ.

Cần sức khỏe vì hành trình để làm giấy bản chẳng hề đơn giản, chị Mỵ phải dậy từ sáng sớm, đùm theo nắm cơm nếp, vào rừng chọn những cây măng, cao 3-4 mét, là những cây đang thì bánh tẻ, lóng đẹp, không bị sâu và chặt bỏ mắt. Cũng cần sự mạnh khỏe để mang vác những bó măng về, để mọi người trong nhà xúm vào bóc tách vỏ ra, sau đó chẻ mỏng và bỏ vào chảo hoặc nồi luộc, ninh khoảng 1 ngày 1 đêm. Kinh nghiệm của người Mông là khi luộc muốn nhanh nhừ và để giấy có màu trắng ngà thì người ta lấy vôi hoặc tro bếp bỏ vào ninh cùng.

Chờ đến khi nguyên liệu mềm rồi thì mang ra đập cho nát lọc kỹ, sau đó trải lên những tấm khuông phơi nắng nếu nắng to thì chỉ mất nửa ngày, gặp đúng đợt mưa dầm mưa dề thì có khi cả tuần chẳng ăn thua.

Ở Pù Nhi, nếu bạn đến chơi, sẽ thấy gần như nhà nào cũng có ít thì hai, ba khuông, nhiều thì bốn, năm khuông đặt trên mái nhà. Nhìn từ trên cao xuống, những ngôi nhà nhỏ bé núp dưới những ngọn núi, được phủ một màu trắng thật mát mắt tựa như những đám mây sà xuống.

Công đoạn cần sự khéo léo nhất đó là việc bóc tách những tờ giấy ra khỏi khuông làm sao để không bị rách, nhất là những khuông có kích thước lớn. Thường mỗi tấm giấy của người Mông ở Thanh Hóa có kích thước 1,2 m x 1,5 m, mỗi gia đình dịp tết làm 3 - 5 tấm giấy. Giấy được sử dụng vào những việc quan trọng nhất là thay xử ca (bàn thờ) vào ngày 30 tết. Xử ca của người Mông đơn giản gồm một tấm giấy dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 20 cm, được treo trên tường nhà đối diện hướng từ cửa chính đi vào. Trên xử ca còn đính 3 nhúm lông gà.

Chị Chá Thị Mỵ khéo léo rọc những tờ giấy bản ra khỏi khuông.

Tôi tò mò hỏi ông Lâu Gia Pó - một người rất am hiểu các phong tục tập quán và những mỹ tục của người Mông, ông cũng nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi: Đêm 30 tết khi nào làm xong con gà cúng, thường người ta sẽ lấy banhúm lông, rồi nhúng vào tiết gà, sau đó dán vào giấy bản. Tờ giấy này bao giờ cũng được treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, thường là ở gian giữa, thẳng cửa chính. Trước đây, người Mông lấy tóc của ông tổ để coi như thứ bùa, sau này, người ta lấy lông gà. Hình ảnh ba nhúm lông gà tượng trưng cho 2 mắt và mũi, thể hiện cho hình dáng con người.

Giấy bản không chỉ là vật trang trí, mà còn được dùng nhiều trong các nghi lễ, cúng tế, đám ma... như một vật gắn kết giữa người còn sống và người đã chết. Không khác vàng mã của người Kinh, người Mông dùng chính giấy bản để cắt thành hình vuông có kích thước 5x5cm làm tiền, 2x5cm làm thỏi vàng và sau khi cúng xong họ không đốt cho người âm như người Kinh mà sẽ đốt vào đêm cuối năm lúc giao thừa.

Đặc biệt, khi cúng giải hạn thì người Mông lại đem những tờ giấy bản này nhuộm thành màu xanh, màu đỏ để tế ma, tế ốm đau, tai nạn rơi cây, rơi thác... Đỏ tượng trưng cho màu máu, nhằm giúp người ta sẽ không bao giờ bị chảy máu vì những tai nạn; màu xanh là màu của núi rừng cầu mong con người sẽ thoát khỏi họa rơi cây rơi thác.

Giấy bản được sử dụng làm xử ca (bàn thờ) của người Mông.

Ông Lầu Văn Ly, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát, cũng là người Mông sống ở xã Pù Nhi, nên ông rất am hiểu về phong tục làm giấy bản của dân tộc mình. Ông Ly cho biết, năm mới đến, dù là gia đình giàu có hay nghèo khó đều phải có giấy bản mới để thay xử ca. Vì vậy, cứvào ngày 30 tháng Chạp, người Mông lại mang những tờ giấy bản treo trên tường, trên bàn thờ ra đốt, để thay bằng những tờ giấy mới, với hy vọng về một năm mới thật nhiều điều may mắn.

Là một người làm văn hóa, anh Lầu Văn Ly càng hiểu được rằng: Để 100% người Mông hiện nay còn dùng giấy bản nghĩa là giấy bản giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Đó là vật thiêng trong nhà, và khi trong những chái nhà của người Mông còn treo những tờ giấy bản, có nghĩa là họ còn tin vào vía, vào thần linh vào những điều cha ông chúng tôi đã gây dựng.

Chẳng riêng gì chị Chá Thị Mỵ mải miết vào rừng, mà hầu hết phụ nữ Mông ở Pù Nhi đều rất tự hào giấy bản do chính tay họ làm ra từ các loại cây rừng thật linh thiêng và được sử dụng vào những việc quan trọng trong gia đình. Tôi chợt hiểu, quả thật với thần linh có lẽ chẳng gì hơn cái tâm của con người, tâm sáng thì mọi việc sẽ suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn nhiều. Chả thế mà trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại giấy dễ tìm, giá lại rẻ nhưng người Mông cứ đến mùa măng lại vào rừng tìm nguyên vật liệu, rồi về chăm chỉ làm những tờ giấy để cúng vía ông bà tổ tiên.

Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, nhưng những mỹ tục luôn khiến người ta rưng rưng. Tờ giấy bản thô nháp, một màu trắng đục, nhưng là công sức, là trái tim của những người con, người cháu, gửi tới ông bà như một tờ giấy thông hành kết nối 2 thế giới với mong muốn về những điều tốt đẹp.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]