(vhds.baothanhhoa.vn) - Sư thầy Thích Đàm Ngoan và nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp sau khi tiếp xúc. Họ là những người không nghĩ nhiều về lợi ích của bản thân mình, mà cả cuộc đời đều dành tâm nguyện cho hoạt động từ thiện và lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

“Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội

Sư thầy Thích Đàm Ngoan và nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp sau khi tiếp xúc. Họ là những người không nghĩ nhiều về lợi ích của bản thân mình, mà cả cuộc đời đều dành tâm nguyện cho hoạt động từ thiện và lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Sư thầy cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Tiếng bi bô “Bế... bế con lên” cùng bước chân lẫm chẫm của những đứa trẻ tại Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long khi nhìn thấy sư thầy Thích Đàm Ngoan khiến những người có mặt vô cùng cảm động. Đứa sà vào lòng, đứa ôm chân, đứa bá cổ để mong được thầy âu yếm. Ánh mắt lộ rõ niềm hạnh phúc, sư thầy Thích Đàm Ngoan ôm từng đứa trẻ như ôm những đứa con của mình vào lòng và cưng nựng chúng bằng tình yêu thương vô bờ bến.

12 năm, kể từ khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo, sư thầy Thích Đàm Ngoan được phân công trụ trì chùa Hồi Long. Đó cũng là quãng thời gian thầy gắn bó và có công rất lớn trong việc phục dựng lại ngôi chùa cổ có từ thời Lý đã bị xuống cấp. Đến nay, chùa Hồi Long đã được biết đến là một trong những ngôi chùa gỗ to, đẹp nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Với tâm niệm chùa không chỉ là nơi du khách đến dâng hương mà còn là mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh, thầy đã có ý tưởng thành lập trung tâm từ thiện xã hội tại đây. Tháng 8-2019, khi trung tâm được thành lập, sư thầy Thích Đàm Ngoan đã đón những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn về đây ở. Các em đều là những đứa trẻ mồ côi, thiệt thòi khi không có tình yêu thương của cha mẹ, nhưng đến đây lại được sư thầy bù đắp, chăm sóc như những người con ruột thịt với mong muốn các em có một cuộc sống tốt đẹp nhất.

“Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội

Sư thầy Thích Đàm Ngoan luôn có tâm nguyện là làm thế nào để các cháu có một mái ấm gia đình.

Sư thầy Thích Đàm Ngoan chia sẻ: “Hiện nay Trung tâm đang cưu mang 16 cháu, trong đó có cháu bị bệnh đao, có cháu thì mới được 3 tháng tuổi. Với nhiệm vụ được giao là Trụ trì Chùa Hồi Long, Giám đốc Trung tâm từ thiện xã hội Chùa Hồi Long, thầy luôn cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho các cháu nơi đây. Những tên rất đẹp như Bình An, Bình Minh, Bảo An… được thầy đặt đều có ý nghĩa, với hy vọng tương lai đứa trẻ sẽ may mắn, bình an và hạnh phúc”.

Những ngày đầu thành lập trung tâm với nhiều khó khăn do nhà chùa không có bất cứ nguồn thu nào ngoài sự hỗ trợ của phật tử, người dân, mạnh thường quân, sư thầy Thích Đàm Ngoan luôn trăn trở suy nghĩ phải làm cách nào để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống cho các cháu.

“Các cháu ở đây đều thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Bản thân thầy chỉ có tâm nguyện là làm thế nào để các cháu có chung một mái ấm gia đình. Ở đó các cháu nhận được sự quan tâm, chia sẻ và dạy dỗ, bảo ban để các cháu trở thành những người có ích cho xã hội”, sư thầy Thích Đàm Ngoan nói.

2 năm qua để có thêm thu nhập, sư thầy Thích Đàm Ngoan đã nghĩ ra cách làm hương, tinh dầu sả, nấm, mộc nhĩ. Ban đầu thầy thuê kỹ thuật về hướng dẫn rồi tự mình mày mò tìm ra cách làm mới để nâng cao hiệu quả.

Nhiều năm qua, sư thầy Thích Đàm Ngoan cũng là người luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo; vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Dấu chân của thầy đi đến rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn để tặng quà cho người nghèo, trẻ mồ côi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; quà cho học sinh nghèo vươn lên học giỏi.

“Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội

Sư thầy Thích Đàm Ngoan là người luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Bên cạnh đó sư thầy còn làm nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời. Tích cực vận động, đóng góp xây dựng điểm Trường Tiểu học thuộc Bản Sủa, xã Sơn Điện; Trường Tiểu học Bản Din, xã Trung Hạ, xây dựng bếp ăn Trường Mầm non Bản Lầu, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn… với kinh phí hàng tỷ đồng. Gần đây nhất sư thầy cùng tăng ni, phật tử của chùa đã chuyển hơn 5 tấn rau, củ quả, đồ ăn khô… gửi tặng người dân T.P Hồ Chí Minh.

Với những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện, sư thầy Thích Đàm Ngoan đã được Bộ LĐ, TB&XH tặng Bằng khen “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội. Thầy cũng là điển hình được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.

Người lưu giữ hồn lễ hội Pôồn Pôông

Đó là nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc - người đã dành cả cuộc đời mình để truyền dạy các điệu múa, lời hát Pồôn Pôông - một lễ hội tiêu biểu của dân tộc Mường cho nhiều thế hệ người Mường.

“Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng đã dành cả cuộc đời mình để truyền dạy các điệu múa, lời hát Pồôn Pôông (Ảnh tư liệu)

Pồôn Pôông là lễ hội có từ xa xưa. Trong tiếng Mường “Pồôn” có nghĩa là chơi, nhảy múa, còn “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa. “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây cây bông (hay còn gọi là cây hoa).

Lễ hội Pồôn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam - nữ.

Đối với đồng bào Mường, Pôồn Pôông được xem là loại hình văn hóa đặc sắc rất riêng, ẩn chứa nhiều điều thú vị và gắn liền với cuộc sống bao đời của đồng bào nơi đây.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo Mường, từ nhỏ Phạm Thị Tắng đã được sống trong không gian thấm đẫm hồn cốt xứ Mường với những điệu múa, lời hát Xường của người Mường.

Bà cũng được ông bà, cha mẹ dạy cho cách gọt cây Chạng Pạng làm thành những bông hoa để dựng thành cây bông cao 9 tầng với hàng nghìn bông hoa bằng gỗ. Hiện cây bông có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được gia đình bà Tắng lưu giữ. Cây bông có mặt trong những ngày lễ quan trọng của người dân tộc Mường, trong đó có Lễ hội Pồôn Pôông. Bà Tắng cũng được truyền dạy các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng cũng như các nghi lễ trong lễ hội Pồôn Pôông.

Với niềm đam mê, ham tìm tòi, sáng tạo học hỏi của bản thân về văn hóa dân tộc Mường, bà Phạm Thị Tắng đân dần trở thành người lưu giữ hồn cốt của văn hóa dân tộc Mường ở Cao Ngọc nói riêng và huyện Ngọc Lặc nói chung. Bà Tắng trở thành Ậu Máy (còn gọi là bà Máy) - chủ của Lễ hội Pồôn Pôông. Bà cũng là người có uy tín trong làng, biết cũng lễ, bốc thuốc chữa bệnh, múa đẹp, hát hay, dân làng cũng thường gọi bà là bà Máy hay Máy Tắng.

“Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn còn nhớ đầy đủ, chi tiết các loại hình nghệ thuật Pồôn Pông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc. (Ảnh tư liệu)

Dưới gỗ cây bông, bên ngôi nhà sàn cổ, khi tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên cũng là lúc Máy Tắng cùng đoàn người trong trang phục truyền thống của người Mường vừa đi vừa nhảy múa vừa hát quanh cây bông. Xen lẫn những điệu múa, lời ca là tiếng cười sảng khoái của Máy Tắng như giục giã, mời gọi mọi người trong bản nhanh chóng tụ hội về quanh cây bông.

Đã bước sang tuổi 76 nhưng nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn còn minh mẫn, nhớ đầy đủ, chi tiết các loại hình nghệ thuật Pồôn Pông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc, trong đó bà Máy là nhân vật chính, cùng các vai diễn khác như: Ông Pố, nàng Quắc, nàng Choóng long, vua Út, vua Ả… và hệ thống âm nhạc đặc sắc của người Mường đã giúp tái tạo, mô phỏng và kể lại toàn bộ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường. Các trò diễn này được kết nối thành một hệ thống, câu chuyện dài, được kể thâu đêm suốt sáng bên cây bông.

Tuổi cao, sức yếu không được nhanh nhẹn như trước đây nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong việc lưu giữ và truyền dạy nghề trong bà không hề phai nhạt. Không quản khó khăn, nhiều năm qua nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn tích cực miệt mài truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pồôn Pôông cho nhiều thế hệ người Mường; trong đó có cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn và người dân yêu thích Pồôn Pôông tại các địa phương.

Tính đến nay số lượng học trò được nghệ nhân Phạm Thị Tắng truyền dạy đã lên đến hàng trăm người. Điều đáng trân trọng là có nhiều em bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học ở xã Cao Ngọc đã bắt đầu biết hát, biết múa Pồôn Pôông. Đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền truyền thống, dân gian của xã Cao Ngọc, của huyện Ngọc Lặc trong tương lai không xa.

Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ và trao truyền những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, cuối năm 2020 nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng vinh dự là 1 trong 3 nghệ nhân của tỉnh Thanh Hóa được đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân Nhân dân”. Bà cũng là điển hình tiên tiến được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gia đoạn 2016-2020.

“Bản thân tôi tham gia vào tổ truyền dạy trò diễn Pồôn Pôông, tôi sẽ luôn cố gắng để lưu giữ và trao truyền những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường cho những người đam mê yêu thích. Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pồôn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Còn sống ngày nào tôi còn tâm huyết với việc làm đó” nghệ nhân Phạm Thị Tắng chia sẻ.

Nhóm PV Điện tử

Tin liên quan:
  • “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội
    “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 3): Gương sáng trong Ngành Giáo dục

    Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cán bộ, giáo viên Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã tích cực học và làm theo Bác. Dưới đây là hai tấm gương trong rất nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh đã miệt mài, hăng say làm theo lời Bác trong suốt 5 năm qua.

  • “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội
    “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 2): Những “chiến sĩ” blouse trắng thầm lặng

    Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, bằng sự tận tâm, hết lòng hết sức vì người bệnh, y, bác sĩ đã trở thành những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận cứu người đầy cam go, nhưng cũng hết sức thầm lặng.

  • “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 4): Hiến mình cho phong trào và công tác xã hội
    “Những bông hoa trong vườn Bác” (Bài 1): Người lính trên mặt trận mới

    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời Bác dạy, s au 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Họ như những bông hoa trong vườn Bác, tỏa ngát hương, dành tặng cho đời những việc làm ý nghĩa.


Nhóm PV Điện tử

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]