(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Thanh Hóa từ tháng 2/2019, gây thiệt hại lớn tại 27/27 huyện, thị, thành phố. DTLCP “quét” đến đâu thì những trang trại, chuồng nuôi hoang tàn đến đấy. Những hố tiêu hủy lợn có ở khắp nơi và kéo theo đó là những mồ hôi, nước mắt của người nông dân chảy dài đến đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nước mắt người nông dân trong “đại dịch” tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Thanh Hóa từ tháng 2/2019, gây thiệt hại lớn tại 27/27 huyện, thị, thành phố. DTLCP “quét” đến đâu thì những trang trại, chuồng nuôi hoang tàn đến đấy. Những hố tiêu hủy lợn có ở khắp nơi và kéo theo đó là những mồ hôi, nước mắt của người nông dân chảy dài đến đó.

Trắng chuồng, trắng tay!

Về những địa phương có DTLCP những ngày cuối năm này là cảnh buồn tẻ, những giọt nước mắt ngậm ngùi của những người chăn nuôi. Từ sự mong mỏi cho thu nhập bởi những đàn lợn thương phẩm bỗng chốc biến thành "chuồng không, tay trắng”.

Đàn lợn của gia đình chị Hoàng Thị Xuân (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) bị nhiễm bệnh DTLCP khiến gần 100 con lợn buộc phải tiêu hủy. Vốn vay ngân hàng còn chưa kịp trả, thu nhập từ lứa lợn mới không còn khiến kinh tế gia đình chị gặp vô vàn khó khăn.Khuôn mặt buồn rượi, chị Xuân cho biết:“Từ năm 2016, gia đình chị nhận 1 ha đất cấy lúa kém hiệu quả của xã để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi tổng hợp. Bằng nguồn vốn tự có của gia đình và nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình chị đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt... Chăn nuôi đang đà thuận lợi thì dịch bệnh bùng phát. Chưa kịp đưa ra phương án phòng chống thì dịch bệnh đã đổ bộ. Thu nhập không có, tiền vay ngân hàng thì đã đến kỳ đáo nợ, không biết rồi phải làm sao”.

Công tác phun thuốc chống dịch của lực lượng chức năng.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thêm, phường Ngọc Trạo, TX Bỉm Sơn những ngày này vẫn còn chưa bỏ được thói quen ra chuồng dọn dẹp, cho lợn ănmỗi ngày. Sau khi bị DTLCP càn qua, giờ đây mỗi khi ra chuồng trại lòng bà lại quặn trong nước mắt. 57 con lợn với trọng lượng gần 4 tấn đã phải đổ vào hố tiêu hủy. Bà Thêm mong mỏi: "Để có tiền gây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia đình tôi đã phải vay mượn khắp nơi. Giờ lợn bị tiêu hủy, gia đình chỉ mong chờ sớm có sự hỗ trợ từ Nhà nước để có cơ hội tái đàn khi hết dịch hoặc chuyển sang nuôi các con vật khác".

Được biết, tính đến trung tuần tháng 10/2019, đã có 4.854 hộ dân, tại 1.172 thôn, 355 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố ở Thanh Hóa được hỗ trợ tiêu hủy lợn do mắc bệnh DTLCP, với tổng kinh phí quyết toán gần 108,6 tỷ đồng. Hiện các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để xử lý hồ sơ hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP.

“Cuộc chiến” vẫn tiếp diễn

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Xuân Vũ - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: “Chưa khi nào anh em chi cục cũng như người nông dân quê mình phải gánh chịu những thiệt hại, vất vả như thời gian qua. Dịch bùngphát bắt đầu từ ngày 23/2/2019 đến nay. Có lúc những tưởng đã dập được dịch thì cơn bão số 4, lượng mưa nhiều, khiến cho dịch bệnh phát tán ra diện rộng, kéo dài về thời gian. Trong khi ngành chăn nuôi của ta còn mang tính nhỏ lẻ nên càng khó khăn cho công tác dập dịch. Hiện tại cuộc chiến với DTLCP vẫn tiếp diễn”.

Cũng theo ông Vũ, để đối phó với DTLCP, tỉnh Thanh Hóa đã lập 5 trạm và chốt kiểm dịch cấp tỉnh. Hai huyện và TP Thanh Hóa thành lập 52 chốt kiểm soát ra, vào vùng dịch, vùng đệm; 5 tổ, đội kiểm tra lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời huy động gần 73.000 lít hóa chất, hơn 372 tấn vôi bột cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán sản phẩm của lợn, giết mổ lợn...

Theo báo cáo về tình hình DTLCP và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 16/10/2019, DTLCP đã khiến cho 22.164 hộ của 2.027 thôn, 486/653 xã của 27 huyện thị, thành phố bị ảnh hưởng. Lực lượng chức năng đã phải tiêu hủy 175.741 con lợn với 12.164.915,3kg lợn. Hiện có 6 huyện, 168 xã tái phát dịch. 2 huyện (Mường Lát và Hà Trung) và 103 xã công bố hết dịch (sau 30 ngày chưa phát sinh lại). Như vậy, tính đến 16h ngày 16/10 có 1.783 thôn, 382 xã của 25 huyện đang còn dịch.

Trong khi đó, ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Hiện Trung ương đã hỗ trợ Thanh Hóa hơn 18.000 lít hóa chất và tỉnh Thanh Hóa bỏ tiền ra mua 17.500 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng có dịch. Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa cũng đã đề nghị với cấp trên tăng mức hỗ trợ cho bà con nông dân bằng mức hỗ trợ sát với giá thị trường để giúp người dân bớt thiệt hại, có điều kiện khôi phục sản xuất. Đặc biệt, bà con sẽ yên tâm hơn trong việc phòng, chống dịch, không bán tháo lợn trong vùng dịch và không giấu dịch, ngăn chặn dịch lây lan sang nơi khác”.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]