(vhds.baothanhhoa.vn) - Diễn biến và chuyển hóa là những cụm từ thuộc phạm trù triết học trong hệ thống luận thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, được vận dụng vào đường lối chính trị, tư tưởng của Đảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vài suy nghĩ về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Diễn biến và chuyển hóa là những cụm từ thuộc phạm trù triết học trong hệ thống luận thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, được vận dụng vào đường lối chính trị, tư tưởng của Đảng.

Trước hết, phải phân biệt rõ, thế nào là chuyển hóa. Nội hàm của lý luận là lượng thay đổi đến một mức độ cần thiết sẽ chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác, hay nói cách khác lượng đổi, chất phải đổi, từ chất này thành chất khác. Ví như một người đã trải qua quá trình lao động sản xuất hay công tác đang là một người tốt nhưng do một lý do nào đó mà không làm chủ được bản thân do tác động xấu bên ngoài và bản thân người đó hấp thụ có điều kiện, đã chuyển thành một người trái ngược lại bản chất của chính mình, từ một con người tốt thành người xấu. Từ một con sông xanh trong lành, do lợi nhuận, tham lam của một nhóm người trong đó có người đứng đầu nhà máy cho xây dựng và vận hành một tổ hợp xử lý rác thải không đúng quy chuẩn, vô thức để hệ thống nước thải chưa làm sạch xả vào dòng sông đang được nhân dân hưởng lợi, yêu mến, thành dòng sông ô nhiễm, hủy hoại môi sinh của cộng đồng gây tổn hại kinh tế, an sinh xã hội. Từ sự chuyển hóa về chất ấy của dòng sông mà dẫn đến sự bất bình của dân và tất nhiên xảy ra một cuộc đấu tranh cục bộ trong xã hội lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết hậu quả. Từ cách chuyển hóa vô thức ấy của con người đã làm cho tình hình xã hội, diễn biến không tích cực. Và qua đó, đã cộng hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, làm cho tình hình xã hội phức tạp hơn, tạo kẽ hở cho lực lượng thù địch có điều kiện chống phá lại tính ưu việt của chế độ mà Đảng và nhân dân đã phải chiến đấu hy sinh từ bao đời nay mới có được.

Một là nguyên nhân của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tự diễn biến nghe ra có vẻ đơn giản, và vì thế có người lập luận theo kiểu văn nói “tự mình chứ tự ai”. Nói vậy thì không phải bàn, sự thật ở đó có một mối liên hệ rất chặt chẽ tưởng như là ngẫu nhiên song đó là sự logic một bộ phận cán bộ không nhỏ mà trong nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ là sự thật. Nhóm người đó có lợi ích với nhau nên cách diễn biến trong lợi ích dẫn đến phân chia quyền lợi theo quyền lực trong một dự án, trong việc cất nhắc cán bộ. Sự thật ấy ở nhiều địa phương có người mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo, có chức rồi nói rất hùng hồn, nào là tôi phải chống tiêu cực đến cùng, làm lãnh đạo là không có tham nhũng, tiền bạc, đất đai, nhà cửa, bổ nhiệm cán bộ phải dựa vào năng lực, đạo đức và phải công tâm, không đưa người thân vào vị trí lãnh đạo, không bố trí người thân vào nơi dễ kiếm nhiều lợi lộc, không chỉ đạo họ vào gói thầu chỉ định,... Song thực tế ngược lại và họ đã mất uy tín nghiêm trọng vì tội nói không đi đôi với làm và họ đã trở thành người xấu, vụ việc Đà Nẵng là một ví dụ. Sự “tự diễn biến” ấy trong quá trình công tác của cán bộ đã chuyển hóa thành người đi ngược lại lòng tin của dân và sẽ mất tất cả vì tự mình diễn biến, không phải vì dân mà vì quyền lợi của chính mình tự hành động một cách cực đoan vì lợi ích cá nhân và người thân gia đình. Có câu thành ngữ “nói ít để được nói nhiều”, câu nói ấy có nghĩa bóng nghĩa đen rất sâu sắc, nói ít mà nói đúng hành động đúng thì dân tín nhiệm, tiếp tục ủng hộ tiếp tục làm cán bộ phục vụ dân, ngược lại những ai nói nhiều mà không hành động đúng, những cán bộ tự biến chất nhân dân lên án và bị loại trừ. Nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay là một sự thật và khá phổ biến ở nhiều cơ sở, địa phương. Nếu nhìn ở góc độ xã hội thì đây là một dư luận nổi cộm, trong công chúng và có nhiều câu hỏi đang đặt ra chưa cắt nghĩa đầy đủ, nhưng cụ thể ở con người nào, địa phương, ngành nào, thì rất khó chỉ cụ thể đấy là ai, ở đâu, một vấn đề còn trừu tượng khó tìm địa chỉ. Vì vậy công tác tổ chức là phải làm rõ thực chất nguồn cán bộ, cần phải được nhìn từ hai phía, người được bổ nhiệm chức vụ, người tìm cán bộ phải đúng quy trình, nguyên tắc, chân dung, cấu trúc phẩm chất, họ như thế nào để khắc họa một cách chính xác một cán bộ có tố chất hồng và chuyên có khả năng đảm nhiệm công việc trọng trách mà tổ chức Đảng giao phó. Có những nơi do sức ép của ông sếp nên đã xây ra quy trình hình thức đưa người thân không bình thường được gọi là “ê kíp” vào nguồn bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ chủ chốt là người thân, con em họ hàng mang ân huệ trả ơn, trả nghĩa gọi là có trước có sau mặc dù năng lực, phẩm chất người đó yếu kém, dẫn đến hậu hại cho cách mạng như thế nào thực tế đã chứng minh như ở Yên Bái, Đà Nẵng là một ví dụ. Đây không những là cục bộ, cực đoan mà còn lan tràn như báo, đài đã nêu và pháp luật đã xử lý sai phạm trong thời gian gần đây. Nhiều dự án treo, thất thoát, xả nước thải của nhà máy vô thức hại môi sinh, tốn kém ngân sách của dân, Nhà nước, đã gây bức xúc làm giảm lòng tin của quần chúng mà chưa được giải quyết nghiêm minh. Nhiều nơi, nhiều người, trên nói dưới không nghe, hoặc cố ý làm trái như vụ phá rừng quy mô lớn ở Tây Nguyên, Quảng Nam, vùng núi Bắc bộ, Nam bộ là một minh chứng cho sự thoái hóa như trong cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng đã nêu.

Giải pháp hàng đầu để ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xã hội chủ nghĩa trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Đảng ta, nhân dân ta đã đấu tranh quyết liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quá trình ấy là quá trình hy sinh gian khó nhưng đã mang lại thành quả vẻ vang cần được giữ gìn bảo vệ. Mỗi chặng đường của cuộc cách mạng đó, đều gắn liền với các chủ trương nghị quyết của Đảng về tiến công cách mạng, trong đó công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là một yếu tố quan trọng để củng cố sức mạnh của Đảng thông qua con đường tổ chức, đào tạo và đào tạo lại cán bộ giỏi, có đạo đức, lối sống đẹp cũng như năng lực lãnh đạo, điều hành đất nước là việc làm liên tục, nhằm vượt qua những thử thách, khó khăn để phát triển. Để giành thắng lợi chống ngoại xâm kiến quốc đất nước, Đảng và Bác Hồ đã đưa phương thức phê và tự phê làm nội dung tiên quyết cho việc củng cố tổ chức Đảng mà bắt nguồn trước hết là ở các chi bộ Đảng. Những phương pháp cách mạng như chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ bản vị, hẹp hòi, tham nhũng, lối sống ngại hy sinh gian khổ, cơ hội, lợi dụng chức quyền để tha hóa bản thân làm tổn hại đến uy tín của Đảng đều là nội dung cho những cuộc đấu tranh nội bộ. Thực chất của các vấn đề nói trên là chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” có lợi cho kẻ thù. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, thời kỳ nào, Đảng ta cũng nhấn mạnh đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc đi đôi với việc xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh để củng cố niềm tin cho nhân dân, vượt khó khăn, thử thách, đoàn kết một lòng theo Đảng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà dân tộc giao phó đó là vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Những bài học thắng lợi và có lúc thất bại trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã chứng minh cho đường lối, chính sách đào tạo cán bộ “Đức Tài” là vô cùng quan trọng. Thực tiễn đã cho thấy, ngay thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ không phải không có một số cán bộ của tổ chức Đảng, của nhân dân bị thoái hóa biến chất phản cách mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình giành thắng lợi của dân tộc. Ngày nay các cụm từ “thoái hóa, biến chất”, “suy thoái về đạo đức, lối sống”, “cán bộ mất chất”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” không phải là từ ngữ từ trên trời rơi xuống mà nó có trong thực tiễn cách mạng Việt Nam ngay thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và cả ngày nay vẫn là những vấn đề được đặt ra như một thách thức hằng ngày, hằng giờ mà bản thân nó đang len lỏi trong tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ đảng viên cần được cảnh giác. Vì vậy, người cán bộ có chức vụ trọng trách ở các tổ chức cơ sở Đảng, Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra lại mình để điều chỉnh hành vi nói và làm, phải đúng với đường lối của Đảng. Ta thường nói nhân tố chủ quan là quyết định, sự tác động bên ngoài là quan trọng, song có những lúc, nhân tố bên ngoài tác động vào nhân tố chủ quan sẽ dẫn đến sự chuyển hóa không lường trước được. Vì thế cần có sự tỉnh táo chủ động để giữ vững quan điểm lập trường cách mạng, đấu tranh quyết liệt ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Có thể nói “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả của quá trình vận động giữa tư tưởng đấu tranh cách mạng với những tư tưởng tiêu cực như suy thoái, cá nhân chủ nghĩa, thái độ vô cảm, thờ ơ đối với khó khăn của đất nước, cầu an hưởng lợi, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên đang là nỗi đau của Đảng của dân, cần được chung sức lên án, đấu tranh loại bỏ tận gốc.

Hai là tăng cường sức chiến đấu của đảng viên để ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta đang đứng trước một thời cơ lớn về hội nhập quốc tế sâu rộng, muốn thực hiện được chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần nâng cao tinh thần đấu tranh ngay cả trong tư tưởng lệch lạc của đảng viên và thế lực thù địch bên ngoài đã và đang âm mưu chống phá lại sự bình an của nhân dân. Đi đôi với việc tuyên truyền sâu rộng truyền thống giữ nước, yêu chế độ XHCN, cần phải bảo vệ, giữ gìn độc lập dân tộc, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh bền vững. Muốn vậy yếu tố tổ chức cán bộ mang tính tiên quyết trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng phải trở thành hiện thực, tạo sức mạnh cho quần chúng hành động, hiệu quả để thực hiện pháp luật XHCN ở nước ta trong tình hình mới. Vai trò cán bộ là then chốt, vai trò ấy phải là chất lượng năng lực, tư duy sáng tạo của cán bộ trong đó có người đứng đầu.

Trong bài nói chuyện với cán bộ kháng chiến ở Thanh Hóa ngày 20/2/1947, Người chỉ rõ: “Tỉnh Thanh Hóa, theo tôi muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội năm 1984). Lời dạy đó của Bác cách đây hơn 70 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Bác nói với cán bộ Thanh Hóa song ý nghĩa ấy ứng dụng cho nơi nào trong toàn quốc cũng rất hiện thực là ở chỗ Bác nhấn mạnh về mặt tổ chức, phân công, phân nhiệm cho cán bộ phải phù hợp với năng lực, trình độ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức phong cách sống. Đặc biệt Bác nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu điều khiển tổ chức hoạt động một cách khoa học, nhạy bén, hiệu quả, đúng với đường lối quan điểm kháng chiến kiến quốc của Đảng. Muốn đấu tranh chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chỉ nói không tham nhũng, không tư lợi thì chưa đủ mà phải có trình độ chuyên môn sâu, quản lý giỏi, biết học hỏi, gần dân, nhạy cảm với thực tế để giải quyết mọi tình huống có hiệu quả được tổ chức phân công.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không có gì xa lạ, chính là tự mình cố ý đi sai đường, trái quy luật vận động của Đảng, vi phạm pháp luật, đưa lợi ích cá nhân lên trên hết, cấu kết với nhiều người rút tiền, vật chất của Nhà nước, của dân vào túi mình và chính mình không ai khác tìm cách sống xa hoa, lũng đoạn tổ chức, ham tiền mà không ham học hỏi, không tu dưỡng đạo đức dẫn đến thoái hóa biến chất làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng có nghĩa là người cán bộ phải luôn luôn thường xuyên phê và tự phê bình một cách công minh và khách quan, kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện như cơ hội, sống gấp, “tư duy nhiệm kỳ” cũng là đối tượng tiềm tàng tiêu cực. Tham nhũng là một trong những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tính tham lam, mưu mẹo, sách nhiễu thu gom tiền bạc của nhân dân, Nhà nước vào túi mình ở một bộ phận cán bộ qua đó đã làm mất lòng tin của dân đến cao độ ắt dẫn đến diễn biến xấu trong xã hội. Từ những tư tưởng ấy không phải đến bây giờ Đảng ta mới biết mà nó đã có từ lâu nhưng mỗi giai đoạn lịch sử, cách biểu hiện có khác nhau cả về quy mô và tính chất. Đến thời kỳ mở cửa, chủ nghĩa cá nhân, tham lam, nhũng nhiễu đã trở nên nguy cơ thành quốc nạn, từ ban đầu là vô thức sau dần dần trở nên có ý thức, từ ít người nay trở thành một bộ phận lớn do đó việc đấu tranh ngăn ngừa càng phải quyết liệt hơn. Vì vậy cần phải chống, ngăn ngừa đối với những người nói mà không làm hoặc làm thì nửa vời, làm cho dân thì ít, làm cho mình thì nhiều. Vừa qua thực tế đã chứng minh một số địa phương có những cán bộ cấp cao, nói rất hay, nào là tôi phải là người gương mẫu chống tiêu cực, vô tư, trong sáng không bao giờ vụ lợi, cán bộ là phải làm gương cho thiên hạ,... song thực tế ông ta lại khác, nhiều nhà, nhiều tiền, thích ai là đưa họ lên, không ưa, vì có ý kiến trái chiều là chuyển họ đi nơi khác, tìm mọi lý do để hạ bệ. Vì thế để ngăn ngừa sự nảy sinh về tư tưởng, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng cần có một đội ngũ cán bộ thật sự vì dân, vì sự nghiệp, bằng những cách nghĩ cách làm thật sự mẫu mực vì cách mạng XHCN. Do đó việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại cán bộ để thích ứng với công cuộc đổi mới về nghiệp vụ công tác Đảng, quản lý hành chính nhà nước, đồng thời với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng và bức thiết hiện nay. Chú trọng hơn nữa tầm quan trọng của giá trị truyền thống cách mạng đi đôi với phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong việc giám sát, phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong Đảng để đề phòng ngăn ngừa có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị phải gắn với các cơ quan báo chí, qua đó mà có những thông tin về việc phát hiện những tiêu cực xã hội để Đảng, Nhà nước có căn cứ kiểm tra xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật. Chủ trương của Đảng về việc khai báo tài sản đối với đảng viên, cán bộ nhất là cán bộ có cương vị trọng trách, một cách minh bạch, đầy đủ, công khai là một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tiêu cực tham nhũng. Kiên quyết lên án những tư tưởng dùng biện pháp tổ chức để thủ tiêu những người đấu tranh chống lại các hành vi tiêu cực của người có quyền lực trong cơ quan tổ chức Đảng và Nhà nước ở các địa phương, ban, ngành. Đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, ngành, việc tổ chức các trường lớp, học tập lý luận chính trị, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước một cách có hệ thống và thường xuyên, không những nâng cao trình độ mà còn tăng cường năng lực, sức chiến đấu của Đảng trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Chống sự suy thoái, biến chất, xa rời quần chúng, “tư duy nhiệm kỳ” sai trái, vụ lợi, che giấu khuyết điểm, không chịu khai báo trung thực về tài sản cá nhân, mất dân chủ sẽ dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, đó là điều cần phải đề phòng, ngăn ngừa. Những vụ việc ở Đà Nẵng, Yên Bái, dầu khí, ngân hàng, Đồng Tâm (Hà Nội,)... là một trong nhiều vụ đáng phải suy ngẫm, trăn trở để mỗi người cán bộ đảng viên nói và hành động đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả của quá trình vận động giữa tư tưởng đấu tranh cách mạng với những tư tưởng tiêu cực như suy thoái, cá nhân chủ nghĩa, thái độ vô cảm, thờ ơ đối với khó khăn của đất nước, cầu an hưởng lợi, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên đang là nỗi đau của Đảng của dân, cần được chung sức lên án, đấu tranh loại bỏ tận gốc.

Hoàng Hoa Mai

(Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]