Không để dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất” không phải là câu nói suông mà là niềm trăn trở, sự hối thúc đối với Chính phủ. Chính sách hỗ trợ mà Chính phủ vừa ban hành dành cho người dân miền Trung có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do bão lũ được xem là chưa có tiền lệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xoa dịu nỗi đau sau bão lũ

Không để dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất” không phải là câu nói suông mà là niềm trăn trở, sự hối thúc đối với Chính phủ. Chính sách hỗ trợ mà Chính phủ vừa ban hành dành cho người dân miền Trung có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do bão lũ được xem là chưa có tiền lệ.

Thủ tướng thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi - Ảnh: VGP

Đợt thiên tai lịch sử, “lũ chồng lũ, bão chồng bão” đã đi qua các tỉnh miền Trung cách đây không lâu. Và những ngày này, nhiều người dân các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… chạy đôn chạy đáo lo vực dậy, ổn định đời sống, loay hoay chạy chỗ ở nhờ, chạy kiếm tiền để mua vật liệu dựng lại ngôi nhà. Nỗi đau không thể nói bằng lời, làm sao sẻ chia hết nỗi lòng với bà con vùng lũ, điều đó cần sự quyết liệt hành động và cũng rất cần có lòng trắc ẩn thương dân.

Nhớ lại chiều 31/10, trước khi bay vào miền Trung để thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác khắc phục, Thủ tướng đã dự Đại hội Thi đua yêu nước của Bộ Tài chính. Tại sao trong bối cảnh chống bão lũ, người đứng đầu Chính phủ lại dự sự kiện của ngành này? Thời gian qua, ngành tài chính cùng các bộ, ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sớm phục hồi đời sống của người dân vùng bị thiên tai. “Ngay khi lũ lụt xảy ra trong đầu tháng 10, chúng tôi đã mời các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính lên làm việc với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết hàng ngàn tấn gạo, rồi hàng loạt vật tư thiết yếu để hỗ trợ khắc phục lũ lụt”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, đó mới là chủ trương, chính sách. Thủ tướng thấy chưa thể yên lòng. “Trăm nghe không bằng một thấy”, ông muốn xuống tận nhà dân để xem “hàng hóa, gạo đã đến tay người dân thực sự không”, để xem việc triển khai quyết sách giúp người dân không còn cảnh “màn trời chiếu đất” thế nào. Thủ tướng không quên nhắc, Chính phủ cũng như ngành tài chính lo phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với dân, chứ không phải chỉ lo “thu tiền, giữ bạc”.

Sáng hôm sau (1/11), Thủ tướng đã đến thăm nhà ông Trần Văn Đô, tổ dân phố 2, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Gọi là nhà nhưng còn đâu nữa, chỉ còn gạch vương vãi tứ bề. Căn nhà trống hoác, không còn mái che. Còn nhiều hộ như ông Trần Văn Đô, nhà bị sập hoàn toàn. "Lúc này, cần phát huy tinh thần của người miền Trung kiên cường trước thiên tai, vượt qua khó khăn. Chính quyền luôn bên cạnh hỗ trợ người dân", Thủ tướng chia sẻ, động viên ông Đô và tặng gia đình một suất quà trị giá 10 triệu đồng.

Tại cuộc họp chiều hôm đó với các tỉnh miền Trung và nhiều bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải làm sao không để người dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất”, phải có chính sách hỗ trợ thiết thực. Đại diện Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ 2 mức hỗ trợ cho người dân bị sập nhà và hư hỏng nặng. Nhiều đại biểu tán thành đề xuất này.

Thủ tướng động viên bà con ở huyện Núi Thành, Quảng Nam - Ảnh: VGP

Và ngày 5/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn 11 địa phương miền Trung và Tây Nguyên. Đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ. Đối với nhà bị hư hỏng nặng: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.

Việc hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đến người dân kịp thời, liên tục. Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, thuận lợi, có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó, Thủ tướng nhắc các tỉnh có mặt tại cuộc họp ở Quảng Ngãi chiều 1/11.

Đây chỉ là một trong hàng loạt chính sách hỗ trợ mà Chính phủ liên tiếp ban hành giúp nhân dân miền Trung vực dậy sau bão lũ. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 11.500 tấn gạo (dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm khoảng 9.000 tấn gạo) và trên 1.000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác phục vụ kịp thời người dân bị ảnh hưởng. Thủ tướng đã yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ giống cây, giống con. Ngành ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ theo quy định.

Cũng trong đợt bão lũ ở miền Trung, Thủ tướng đã đã đến thăm, nói chuyện, tặng quà cho giáo viên Trường mầm non Hiền Ninh và nhân dân thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khi mà những tuyến đường vào xã còn đầy bùn đất đặc quánh. Lũ cuốn trôi, làm hư hỏng gần như toàn bộ đồ dùng, thiết bị tại Trường, chỉ còn lại vài chiếc chiếu... Lật mở, kiểm tra từng cuốn sách bị ướt còn sót lại sau trận lũ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phải phát động trong toàn ngành ủng hộ sách vở cho học sinh vùng bão lũ để các cháu sớm trở lại trường. Tại đây, Thủ tướng đã trao tặng Trường một khoản tiền để khôi phục, sửa chữa.

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão với mức độ nghiêm trọng như vậy. 235 người chết và mất tích, trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng.

Thủ tướng thăm các nạn nhân của vụ sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: VGP

Trước “nỗi đau” thiên tai, không chỉ có sự hỗ trợ từ Nhà nước, người dân khắp nơi chung tay chung sức xoa dịu nỗi đau này. Từ miền Bắc xa xôi tới nơi địa đầu của Tổ quốc, những chiếc bánh chưng đã được gửi đến tay bà con miền Trung. Những thùng mỳ tôm được cứu trợ bằng những đoàn xe dài nối tiếp nối từ hai miền đổ về miền Trung ruột thịt. Có cụ bà tặng hết số tiền dưỡng già của mình, có người bán vé số, sửa quần áo, có em bé đếm từng đồng tiền tiết kiệm, tất cả cho đồng bào miền Trung yêu thương chìm trong lũ lớn. Hay chủ tịch một xã ở Quảng Bình nhiều ngày bơi trong nước lũ để cứu hơn 100 người. Nhiều địa phương trên cả nước với tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau đã hỗ trợ các địa phương bị bão lũ miền Trung số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (trong đó, Hải Phòng hỗ trợ 120 tỷ và Đà Nẵng hỗ trợ 33 tỷ đồng...). Kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới dù đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đã tích cực quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Nhiều tổ chức quốc tế (ADB, JICA, AHA, UNDP..) và một số nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...) đã cứu trợ tiền và một số hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 9,29 triệu USD (tương đương trên 216 tỷ đồng) cho đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ ở miền Trung.

Có thể thấy rằng, từ những cá nhân người Việt bé nhỏ đến cấp Nhà nước luôn hướng về khắc phục nỗi đau, thiệt hại miền Trung.

Trong nhiều cuộc họp về bão lũ ở miền Trung, Thủ tướng đều nhắc đến, chia sẻ, bày tỏ xúc động trước tinh thần “tương thân tương ái”, những nghĩa cử cao đẹp của lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đoàn kết, gắn bó của nhân dân, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Một dân tộc như vậy thì không có gì không thể vượt qua, dù khó khăn đến mấy, kể cả bão lũ hay đại dịch, hay những chông gai trên bước đường trở thành quốc gia hưng thịnh.

Theo Báo điện tử Chính phủ


Theo Báo điện tử Chính phủ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]