(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có rừng có biển, có đồng bằng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, lại là tỉnh lớn, địa bàn rất rộng, dồi dào tiềm năng; con người Thanh Hóa chịu thương, chịu khó, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng oanh liệt, vẻ vang...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - sức bật diệu kỳ

Thanh Hóa có rừng có biển, có đồng bằng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, lại là tỉnh lớn, địa bàn rất rộng, dồi dào tiềm năng; con người Thanh Hóa chịu thương, chịu khó, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng oanh liệt, vẻ vang...

Tùy bút của Lê Ngọc Minh

“Quê hương biết mấy thân yêu”

(Nguyễn Đình Thi)

1. Những năm học cuối phổ thông, tôi may mắn được thụ giáo hai thầy dạy sử nổi tiếng là thầy Lê Văn Hỷ ở trường cấp 3 Quảng Xương 1 và thầy Phạm Cúc ở trường cấp 3 Lam Sơn. Trong cách truyền thụ kiến thức lịch sử đến học trò, bao giờ các thầy cũng có những giờ giảng về lịch sử quê hương Thanh Hóa màthầy Lê Văn Hỷ thường dặn: “Các anh chị sinh ra ở mảnh đất này phải biết nguồn gốc của nó, càng hiểu sâu sắc về quê hương bản quán sẽ càng thêm yêu quý Tổ quốc Việt Nam viết hoa của chúng ta”. Còn thầy Phạm Cúc đã có lần cho cả lớp xem bức ảnh đen trắng phóng to thành Thanh Hóa (còn gọi là Hạc Thành) và chỉ vào vị trí Cửa Tả, thầy giảng bằng giọng truyền cảm: “Tại chỗ này, ngày 19 và ngày 20 tháng Tám năm 1945 hàng vạn cư dân và tự vệ thị xã Thanh Hóa cùng các huyện trong tỉnh đã đổ về, cờ đỏ sao vàng rợp trời, trống mõ nổ ran như gió lay chớp giật để giành chính quyền cho cách mạng, thành lập Ủy ban khởi nghĩa lâm thời. Chỉ trong hai ngày, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong toàn tỉnh. Đây là thành quả của lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm đánh đuổi bọn thực dân Pháp đô hộ của nhân dân Thanh Hóa với những cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Trần Xuân Soạn, của Tống Duy Tân, của Đinh Công Tráng,...; đặc biệt là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, xứ Thanh chúng ta đã sớm có Tỉnh ủy đầu tiên được thành lập từ ngày 29/7/1930 tại làng Xuân Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thanh Hóa, phong trào đấu tranh cách mạng bùng lên ở khắp mọi nơi từ miền ngược xuống miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị xứ Thanh, trong đó có cả hoạt động khi bí mật, khi công khai trong ngôi trường College Đào Duy Từ, nay là trường cấp 3 Lam Sơn của chúng ta; rồi đến chiến khu Ngọc Trạo được thành lập vào năm 1941, đây là một trong những chiến khu đánh Pháp, đuổi Nhật có sớm nhất của cả nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa chúng ta là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho các mặt trận. Chỉ riêng mặt trận Điện Biên Phủ hàng vạn thanh niên Thanh Hóa đã đầu quân ra trận. Thanh Hóa còn cung cấp cho chiến dịch mười một ngàn chiếc xe đạp thồ, có tay xe như cụ Đào Đức Tỵ đã chở 350 kg gạo lên Điện Biên. Bởi thế, ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Bác Hồ đã ân tình đánh giá về thành tích của nhân dân Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đó.”...

2. Thế hệ chúng tôi ra trận thời chiến tranh chống Mỹ, trong hành trang tinh thần của người lính trẻ có một phần trĩu nặng tình cảm quê hương mà những bài học lịch sử thuở thiếu thời đã hun đúc. Nhờ thế mà có người đã được đặt tên cho ngọn đồi chiến trận không tên ở tận miền núi Quảng Trị như Dũng sỹ Bùi Ngọc Đủ; có người ra trận với tinh thần quyết chiến đầy niềm tin lãng mạn như Anh hùng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; có người chiến đấu bảo vệ cây cầu Hàm Rồng quê hương suốt tám năm trời với lời thề đanh thép: “Thà gục bên pháo chứ quyết không để cầu gục” như khẩu đội của Lê Văn Tĩnh (sau này là nhà văn Từ Nguyên Tĩnh) trên đồi Quyết Thắng của Trung đoàn 228, pháo cao xạ Hàm Rồng...

Để rồi khi nước nhà vừa độc lập thống nhất, phần đông những người lính chúng tôi khi vừa rời công sự, mâm pháo liền đi xây dựng lại những cây cầu bị đạn bom địch tàn phá, tu tạo khôi phục đường sắt Thống Nhất Bắc Nam...

Ngay ở Thanh Hóa, hàng vạn bộ đội dân công ngày đêm xây dựng hai công trình trị thủy, tầm vóc đại thủy nông mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đã vào tận nơi duyệt đề án. Đó là công trình Sông Thống Nhất - Cống Quảng Châu và công trìnhSông Lý. Hai công trình thủy nông này khi hoàn thành đã chấm dứt cảnh lụt lội bao đời của sáu huyện thị: Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn; tạo thêm hàng ngàn ha đất trồng trọt được thau chua rửa mặn cho kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.

TP Thanh Hóa lung linh về đêm.

3. Còn nhớ vào các năm 1987, 1988, sau những cơn bão số 5, số 6, số 7, đặc biệt là cơn bão số 6 kinh người làm tan hoang cả một miệt phía Đông và Đông Nam Thanh Hóa, chúng tôi có chuyến đi thực tế vào Thanh. Khi xuống ga để đến nhà khách 25B, chỉ thấy có một ngọn đèn đường công cộng ở ngã tư Trần Phú - Nguyễn Trãi. Thế mà chỉ một năm sau thành phố Thanh Hóa (lúc ấy còn ở cấp thị xã) đã mạnh dạn tổ chức hội nghị thị trưởng các đô thị trung tâm của tất cả tỉnh thành toàn quốc để quảng bá tiềm năng của thành phố Thanh Hóa nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Cũng mùa hè năm đó, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo về Danh nhân văn hóa Lê Văn Hưu với tinh thần đổi mới, dân chủ hóa, công nghiệp hóa để Thanh Hóa vượt qua khó khăn, hướng tới sự phát triển bền vững. Ngay sau đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo đô thị nghỉ mát Sầm Sơn thực hiện phương châm: SẦM SƠN - KINH TẾ - SỨC KHỎE - BẠN BÈ để ngành công nghiệp không khói này đạt được thành tích ấn tượng vào mùa du lịch năm 1990, năm, lần đầu tiên Sầm Sơn đón được 16 vạn 800 ngàn lượt khách, vượt cả con số thời trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sầm Sơn đã trở thành một trong Tứ Sơn của Thanh Hóa từ ngày ấy. Và giờ đây, Sầm Sơn đã đủ năng lực để có thể đón nhận khoảng 5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, là nơi đóng góp chính cho nguồn thu từ kinh tế du lịch 59.946 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020) của Thanh Hóa.

Khái niệm bốn vùng kinh tế, gọi tắt là Tứ Sơn của Thanh Hóa đã có từ đầu những năm 1990 trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (tháng 7 năm 1991). Ngày ấy tôi tham gia làm bộ phim Ở nơi đẻ đất đẻ nước để chào mừng đại hội. Chúng tôi đã có những cảnh quay sống động ở vùng mía đường Lam Sơn, nơi một triệu nông dân của sáu huyện miền núi xứ Thanh đã đổi đời nhờ cây mía, nơi những con đường nhựa bê tông đầu tiên len lỏi vào những bản làng xa xôi để đưa vị thế người nông dân thành công nhân nông nghiệp...

Chúng tôi đã đến thị xã Bỉm Sơn quay cảnh nhà máy xi măng công suất một triệu tấn năm, đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất cả nước trong thời điểm đó.Những cảnh phim cuối cùng chúng tôi đã quay ở cửa Lạch Bạng rồi sau đó lên ngọn núi Nghi Sơn quay cảnh vụng biển tuyệt đẹp, khi chiều xuống thuyền cá từ khơi xa tới tấp tụ về, đậu san sát trong vụng, kẻ mua người bán nhộn nhịp như nước, như nêm...

Đến năm 1996 thì khu kinh tế Nghi Sơn được chính thức khởi công khảo sát và xây dựng.

Khu kinh tế Nghi Sơn với trái tim là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang là động lực cho Thanh Hóa phát triển.

Đây là khu kinh tế lớn nhất xứ Thanh và cũng là khu kinh tế vóc vạcvào hạng cấp bậc nhất của đất nước. Về tiềm năng của vùng kinh tế này, ngay từ khi khảo sát tư vấn, đoàn chuyên gia thuộc Viện phát triển kinh tế Nhật Bản đã khẳng định: “Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển có độ sâu từ 15 mét đến 18 mét. Sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dụng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp sẽ cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và của cả nước Việt Nam và còn là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc”.

Để có được Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích sau khi mở rộng là 106.000 ha (106 km2), phải di dời hơn một trăm nghìn dân đã cư ngụ từ ngàn đời ông cha cụ kỵ ở xứ sở này là công việc vô cùng nan giải, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã làm được. Làm được khi người dân tái định cư ở vùng đất mới có cơ đồ làm ăn, con cái họ được làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp... Từ năm 2016 đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được249 dự án với tổng số vốn đăng ký là 47.427 tỷ VNĐ và 3.300 triệu USD với các hạng mục công trình nổi tiếng như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Công Thanh...

Thành công của Khu kinh tế Nghi Sơn đã đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các doanh nghiệp tại Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong toàn tỉnh dự kiến sẽ đạt tới 577.034 tỷ đồng, vượt 30,8% kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8.576 triệu USD, vượt 39%, giải quyết việc làm cho mười vạn bốn ngàn lao động, nộp ngân sách 56.379 tỷ đồng... Đây thực sự là sức bật kinh tế kỳ diệu góp phần đưa vị thế Thanh Hóa thành địa phương có quy mô tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 2016 - 2020) cao nhất trong khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 trong cả nước, sau các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh; là một trong những tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất của cả nước với dự kiến đạt 28.967 tỷ đồng, năm 2020.

Tứ Sơn ngày nay đã trở thành tên gọi gần gũi thân thiện và cả tự hào của người xứ Thanh. Tứ Sơn đang nối liền huyết mạch với thành phố Thanh Hóa, trung tâm đầu não của cả tỉnh và tỏa đi các hướng, vươn lên đại ngàn, vươn ra biển Đông, kết nối với các huyện thị nội vùng, liên kết với hai tỉnh liền kề là Ninh Bình, Nghệ An và các tỉnh thành khác trong cả nước; vươn mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa ra cộng đồng quốc tế với các địa chỉ như: tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào); thành phố Seongnam (Hàn Quốc); tỉnh Tula (LB Nga); tỉnh Mittesachsen (CHLB Đức); tỉnh Farwaniah (Cô oét)...

Sân bay Thọ Xuân ở Tứ Sơn phía Tây, là Lam Sơn - Sao Vàng đang được mở mang để hướng tới một cảng hàng không quốc tế. Xứ Thanh lại có thêm một cửa mở, một nhịp cầu kinh tế, văn hóa bạn bè, một nhịp cầu quan trọng tiếp nhận và quảng bá những thành tựu mới trên con đường phát triển ngày càng khai phóng và vững bền.

Sầm Sơn ngày càng được đầu tưtheo hướng hiện đại.

4. Năm 2019, nhân một chuyến đi thực tế sáng tác, mấy anh em văn nghệ sỹ gốc người xứ Thanh may mắn được gặp nhà giáo, nhà sử học Lê Xuân Kỳ, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa tại tư gia của ông ở thị trấn Thọ Xuân khi ông vừa đi dự Đại lễ 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) về.

Trong câu chuyện về lịch sử hàng ngàn năm của xứ Thanh, đặc biệt là từ khi danh xưng Thanh Hóa trở thành một tên gọi chính thức trong hệ thống quản trị đất nước của quốc gia Đại Việt vào năm 1029, triều Vua Lý Thánh Tông, không thời nào là không có những sự kiện sức bật. Vua Lý Thánh Tông trong cuộc viễn chinh bảo vệ biên ải phía Nam của Tổ quốc đã cầu được vị tướng tài ba Nguyễn Tuyên ở làng Cổ Quăng, Hoằng Hóa. Tướng quân Nguyễn Tuyên đã lập nhiều kỳ công nên lúc khải hoàn nhà vua đã ban cho Cổ Quăng bốn chữ Địa Linh Nhân Kiệt. Bốn chữ này sau thành biểu trưng cả xứ Thanh, nhắc đến Thanh Hóa, người ta thường thêm vào mỹ danh cao quý này.

Thời Nhà Trần, Thái thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng đế Nhân Tông đã lui vào Thanh xây dựng hậu phương với niềm tin “Hoan Ái ta còn mười vạn binh” để rồi sau đó đuổi cánh quân Toa Đô chạy dài ra biển Đông, hoàn thành sứ mệnh “Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng” (Trần Nhân Tông).

Thời nhà Hồ xây dựng thành đá Tây Đô, công trình độc đáo có một không hai trong lịch sử Đại Việt vẫn còn sừng sững đến hôm nay và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thời nhà Lê, mười năm trường kỳ kháng chiến giành lại Đại Việt khi đã bị rơi vào tay giặc Minh, khi đã bị “nát cả đất trời” và “sạch sanh đầm núi” trong suốt 20 năm để xây dựng một triều đại dài nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam, ba trăm sáu mươi hai năm (1428 - 1789).

Thời Tây Sơn, dấu ấn đoàn quân thần tốc của Vua Quang Trung trẩy qua Thanh Hóa với những chuỗi địa danh đã được ghi vào thi ca, lịch sử. Đó là: “Tùng tùng trống đánh quân sang/ Chợ Già trước mặt Quán Ngang bên đường/ Qua Chiêng rồi lại sang Giàng/ Qua bến Đông Thổ tới làng Đình Hương...”; đó còn làBỉm Sơn, Tam Điệp, nơi đô đốc Ngô Văn Sở và quân sư Ngô Thì Nhậm đã giữ vững yết hầu Bắc Miền Trung để hội với đại quân, thế như chẻ tre của nhà vua tiến ra Thăng Long, đại thắng giặc Thanh mùa xuân Kỷ Dậu, năm 1789...

Trong những ngày chính quyền cách mạng còn trứng nước, toàn quốc vừa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Khẳng định vị thế và tiềm năng dồi dào của miền đất quý hiển này, Người đã yêu cầu cán bộ và nhân dân Thanh Hóa xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu.

Thời quân và dân Thanh Hóa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cả thế giới đã biết về địa danh Hàm Rồng - Nam Ngạn, nơi diện tích chưa đầy một cây số vuông mà có đến năm tập thể Đơn vị Anh hùng và một cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang, nơi lần đầu tiên bắn rơi tại chỗ tàu bay RB57, loại chiến đấu cơ tinh nhuệ nhất của không quân thuộc hải quân Mỹ thời bấy giờ ngay trong ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra đến thị sát hàng không mẫu hạm In-đê-pen-đen, bắt sống giặc lái là chỉ huy hạm tàu, Trung tá Đen-tơn và lái phụ của y là tên Trung úy Chu-đi chỉ cách cầu Hàm Rồng một cây số về phía hạ lưu...

5. Trước thềm Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020) và tiến tới dấu mốc 1.000 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2029), Thanh Hóa đang tiếp tục khơi dậy những sức bật mới mà nguồn lực con người được coi trọng như mục tiêu thứ nhất, bởi “Người là hoa của đất”, người xứ Thanh lại được sinh thành và hun đúc từ nguồn cội ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. Theo đó, đến năm 2025, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 75%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 81%; số thầy thuốc trên một vạn dân đạt 13 bác sỹ, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5%; 100% số phường xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; mục tiêu xây dựng nông thôn mới là để dân được hưởng thụ...; đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, văn nghệ sỹ trí thức say mê đóng góp những tác phẩm văn học nghệ thuật, những công trình khoa học công nghệ góp phần biến các kế sách xây dựng tỉnh nhà đến năm 2030 trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là những sức bật mới đầy cơ sở khoa học và thực tiễn, hợp lòng dân và thấm đẫm giá trị nhân văn.

Một tin vui thật nức lòng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa: vào ngày 17/7/2020, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã thông qua đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời căn dặn quân và dân Thanh Hóa của Bác Hồ tháng 2/1947 ở Rừng Thông: “Phải xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu”. Đồng chí khẳng định, Thanh Hóa nhất định sẽ làm được, vì Thanh Hóa có rừng có biển, có đồng bằng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, lại là tỉnh lớn, địa bàn rất rộng, dồi dào tiềm năng; con người Thanh Hóa chịu thương, chịu khó, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng oanh liệt, vẻ vang... Đây là vốn quý, là tiềm năng, là tiềm lực vô cùng lớn để Thanh Hóa nỗ lực quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém.

Sự đánh giá của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thêm một động lực mới, một sức bật mới để trong tương lai không xa Thanh Hóa trở thành một tỉnh văn minh và hiện đại, một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến....; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc của Tổ quốc, nơi người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn... Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Lê Ngọc Minh


Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]