(vhds.baothanhhoa.vn) - Rời quân ngũ, những người lính trở về đem theo hành trang là chiếc ba lô và cơ thể bị thương tật. Dù cuộc sống ở quê nghèo hết sức khó khăn, song với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, các anh đã vươn lên chiến thắng đói nghèo, bệnh tật, trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ

Rời quân ngũ, những người lính trở về đem theo hành trang là chiếc ba lô và cơ thể bị thương tật. Dù cuộc sống ở quê nghèo hết sức khó khăn, song với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, các anh đã vươn lên chiến thắng đói nghèo, bệnh tật, trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

Người thương binh nhiệt tình với công tác xã hội

Tôi đến thăm ông Hoàng Văn Thạn, thương binh hạng 2/4, thôn 5, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung dưới trời nắng như đổ lửa, khi ông đang lúi húi sửa chữa cho khách chiếc xe rùa. Mặc dù tay dầu mỡ, ông đứng dậy tập tễnh bắt tay tôi với nụ cười rất tươi.

Ông Thạn tham gia chiến đấu từ trước cả đời binh nghiệp của mình. Đó là năm 1972 máy bay Mỹ đánh phá trở lại Miền Bắc, ông tham gia Trung đội dân quân xã Hà Ninh và bắn rơi máy bay địch để bảo vệ khu vực cầu Đò Lèn.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 8/1973 anh thanh niên Hoàng Văn Thạn lên đường nhập ngũ cùng đồng đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc, biên chế vào đơn vị 12, Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 365 của Thanh Hóa. Đơn vị pháo 37 ly 2 của ông huấn luyện tại đồi Nhơm Hàm Rồng, Thanh Hóa, tháng 8/1974 được lệnh vào chiến trường miền Nam và chiến đấu tại mặt trận Bù Đốp, Biên Hòa. Ngày 19/4/1975, trong khi chiến đấu với quân địch ông bị thương phải cắt cụt ½ chân phải và được đưa vào K5 (Sông Bé) để điều trị. Tháng 10/1976 trở ra miền Bắc tiếp tục điều trị thương tật tại Đoàn 585, Trại 2 huyện Yên Định, Thanh Hóa. Tháng 10/1978 ông xuất ngũ trở về địa phương, mất 61% sức khỏe là thương binh hạng 2/4, hiện trong người vẫn còn 5 mảnh kim khí nằm lại ở hai đùi.

Trở về quê hương, ông làm Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng CCB thôn 5, xã Yến Sơn, tham gia vào BCH Chi hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam ở địa phương. Mặc dù khuyết một chân đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn tự nguyện tham gia tổ CCB cứu hộ cứu nạn (CHCN) đảm bảo an toàn giao thông của xã từ năm 2016 đến nay.

Tổ CCB CHCN của ông quản lý đoạn đường 508 từ km số 1 đi huyện Nga Sơn chiều dài 1 km. Tấm biển báo "Đoạn đường CCB tự quản" treo ngay trước cửa ra vào nhà ông. Trong 4 năm, trên đoạn đường này đã xảy ra trên 30 vụ tai nạn do va quệt giao thông. Vụ tai nạn nào ông cũng cùng hội viên phối hợp với lực lượng chức năng xử lý, phân luồng giao thông, nhận được sự cảm ơn, tán dương của cán bộ và nhân dân trong xã.

Với bản lĩnh người lính "Bộ đội Cụ Hồ”, trở về đời thường, ông đã vượt lên khó khăn, thương tật cùng với gia đình lo toan cuộc sống. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Thạn đã thoát nghèo, vươn lên có mức sống trung bình, ổn định. Ông nói: "Các khoản thu nhập cũng tạm đủ cho gia đình trang trải hàng ngày, mỗi tháng Nhà nước trợ cấp 3,1 triệu đồng tiền thương tật, hỗ trợ 2 triệu đồng chất độc da cam; ngoài ra sửa xe đạp kiếm thêm 2 triệu đồng, cộng lại cũng được 7 triệu đồng/tháng; ngoài ra mỗi năm gia đình sản xuất 2 vụ 5 sào lúa được từ 1,2 - 1,5 tấn thóc, nên không những đủ gạo ăn mà còn hỗ trợ cho các con, cháu".

Ông Hoàng Văn Thạn là một tấm gương thương binh gương mẫu rất đáng trân trọng. Mặc dù năm nay đã ở tuổi “thất thập” nhưng vẫn rất cần mẫn lao động và tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng, quê hương ngày càng đổi mới.

Như Cương

Ông “Nở lò vôi”

Kể về con đường lập nghiệp của mình khi rời quân ngũ, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Nở, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa cho biết: "Khi trở về, cuộc sống gia đình tôi lúc đó rất khó khăn: bố mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi 6 anh em. Đỡ đần cho mẹ và làm tròn trách nhiệm là anh cả, đồng thời thay cha gánh vác việc gia đình, tôi đã bàn với mẹ và các em nhận thầu 6 sào ruộng bỏ hoang của hợp tác xã, cải tạo nuôi thả cá. Ngay vụ đầu tiên, gia đình tôi đã thu lãi 15 triệu đồng. Có vốn trong tay, gia đình tôi tiếp tục đầu tư nuôi bò lai Sind, nuôi vịt thời vụ và nhận thầu thêm ruộng của hợp tác xã. Từ mô hình V.A.C kết hợp, đã nâng mức thu nhập cho gia đình lên 20 triệu đồng/ năm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng và chất đốt thời ấy trong nhân dân rất lớn nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng kịp, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng lò vôi thu hút 30 lao động có việc làm. Lợi thế địa phương nằm cạnh sông Mã, tôi đầu tư vốn cho các chủ thuyền khai thác cát bán cho bà con".

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở (đứng giữa) trên công trường xây dựng.

Chia sẻ với tôi về những ngày đầu khởi nghiệp, ông nói: "Vì không có nhiều vốn, nên tôi làm đủ nghề để xoay chuyển đồng tiền. Khi có vốn, có nhân công lành nghề, tôi mới quyết định mở rộng việc kinh doanh".

Mong ước của ông đã trở thành sự thật, năm 2002, Công ty TNHH Hoàng Tuấn do ông làm Giám đốc được thành lập với số vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, công ty luôn chú trọng đầu tư vào yếu tố con người và cơ sở vật chất, máy móc thiết bị theo hướng CNH, HĐH đủ điều kiện đáp ứng thi công các công trình lớn, kĩ thuật phức tạp. Không dừng lại ở đó, năm 2015 ông mạnh dạn lắp đặt 2 dây chuyền công nghệ hiện đại lên đến hơn 60 tỷ đồng sản xuất bê tông thương phẩm công suất 200 m3/h cung ứng cho các công trình siêu lớn, siêu cao.

Để thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cũng như tiến độ xây dựng các công trình năm 2020, công ty đầu tư trạm trộn bê tông nhựa ASPHALT (bê tông nhựa nóng) với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng.

Từ 2 bàn tay trắng khi lập nghiệp, đến nay ông Nở đã trở thành chủ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tham gia nhiều việc nghĩa như chuyên giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội. Bên cạnh đó, ông còn hưởng ứng tích cực các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, với số tiền từ 300 triệu - 400 triệu/ năm.

Minh Lý

Chuyện của "Hùng cá rô"

Ở thị trấn Tĩnh Gia (nay thuộc thị xã Nghi Sơn), nhiều người biết đến thương binh hạng ¼ Nguyễn Mạnh Hùng. Tên của ông được người dân gán với các biệt danh như: Hùng ảnh, Hùng cá lóc, Hùng cá rô, Hùng ruồi, Hùng máy cấy...

Nói về biệt danh "Hùng cá lóc", ông Hùng cho biết: "Việc đưa con cá lóc giống từ miền Nam ra miền Bắc là cả một vấn đề. Vì cước vận chuyển cao, thời gian vận chuyển dài nên khi ra đến nơi cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho gia đình... Sau này, nhờ các mối quan hệ, bằng đường hàng không đã rút ngắn thời gian đưa đàn cá giống ra miền Bắc chỉ sau 7 giờ. Ngoài đưa cá lóc giống về, ông quyết định đưa thêm cá rô đầu vuông và cả 2 loại cá giống này đều tìm được chỗ đứng, đem lại thu nhập cao.

Nhờ thành công trong việc đưa được 2 loại cá bố mẹ F1 (cá lóc và cá rô đầu vuông) về Thanh Hóa và cho sinh sản thành công tại trang trại, năm 2011 - 2012 ông được tham dự chương trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp cạnh tranh tại Trường Đại học Cần Thơ. Tài liệu ông viết về kỹ thuật cho cá lóc và cá rô đầu vuông sinh sản nhân tạo, sau này đã trở thành tài liệu chuyển giao cho rất nhiều nông dân áp dụng. Từ những kết quả đó, năm 2012 ông vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh Thanh Hóa và là đại biểu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được tham dự hội thảo nghiên cứu và học tập Hội nghề cá thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.

Gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân, ông Hùng hiểu và luôn trăn trở làm thế nào để giúp người nông dân bớt đi khó khăn, vất vả. Với suy nghĩ đó, ông không ngừng tích cực học tập, mày mò nghiên cứu và đã chế tạo thành công máy cấy cầm tay giúp người nông dân rút ngắn thời gian mà hiệu quả lại cao. Máy cấy cầm tay do ông sản xuất được người nông dân đón nhận và có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra có đến 6 nước như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Indonexia, Nigieria đặt hàng và đã mua sản phẩm máy cấy cầm tay về áp dụng trong sản xuất.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2018 đến nay ông đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi ruồi lính đen sinh sản tái đàn thành công, góp phần tích cực trong xử lý rác thải hữu cơ, làm sạch môi trường, tăng cường thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Bản thân ông đã chuyển giao cho trên 20 hộ trong tỉnh nuôi thành công và chủ động tái đàn. Ông cũng đã thành công quy trình trồng rau sạch thủy canh trên ban công sảnh nhà và hiện đang phát triển đàn ong mật, phấn đấu cuối năm 2020 xây dựng thành công thương hiệu VietGAP lấy tên “Mật ong rừng Am Các” huyện Tĩnh Gia.

Từ những thành công nối tiếp thành công, nhiều năm liền thương binh 1/4 Nguyễn Mạnh Hùng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng 25 giấy khen, bằng khen các cấp. Gần đây nhất, năm 2019, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

P.V



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]