(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một Tổng Bí thư có nhiều đóng góp lớn cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng và quyết liệt trên mặt trận chống tiêu cực, ông luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo về đức tính cũng như bản lĩnh, nhân cách sống của người chiến sĩ cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - Chân dung một nhân cách đáng kính

Là một Tổng Bí thư có nhiều đóng góp lớn cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng và quyết liệt trên mặt trận chống tiêu cực, ông luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo về đức tính cũng như bản lĩnh, nhân cách sống của người chiến sĩ cách mạng.

Tôi có vinh dự nhiều lần được gặp cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Nhưng có ba lần gặp mà tôi thấy ấn tượng nhất đó là: Lần đầu tiên (năm 1998), khi ông lên nhậm chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi được tháp tùng Đoàn Đại biểu tỉnh Thanh Hóa, do Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Trọng Quyền dẫn đầu ra chúc mừng tân Tổng Bí thư. Lần thứ hai (năm 2011), tôi cùng nhà báo Minh Đạo (Thông tấn xã Việt Nam) đến thăm ông tại nhà riêng, được ông tiếp đón rất ân cần. Lần thứ ba (năm 2018), khi tôi chuẩn bị tổ chức triển lãm và ra mắt cuốn sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, đã cùng nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) đến nhà riêng tặng sách và mời ông tham dự, nhưng vì lý do sức khỏe ông không thể đi dự được. Nhưng đến giờ chuẩn bị khai mạc, thông qua thư ký Hồng, ông đã trực tiếp gọi điện thoại, gửi lẵng hoa chúc mừng triển lãm khiến tôi hết sức cảm kích.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bên chiếc trống đồng Đông Sơn.

Nhớ lần đến thăm nhà riêng cố Tổng Bí thư đúng vào dịp cuối năm. Mặc dù rất bận, nhưng ông vẫn dành thời gian tiếp nhà báo rất chu đáo. Ông còn dẫn chúng tôi lên thăm thư phòng, nơi có tủ sách lớn chất đầy những sách báo, tranh, truyện, tiểu thuyết lịch sử, tư liệu quý mà bao năm ông dày công sưu tầm cất giữ, phục vụ cho việc tra cứu. Tiếp đến là không gian thờ tự tổ tiên, khu nhà bếp, phòng ăn... tất cả được bày đặt sắp xếp rất khoa học. Nổi bật là chiếc trống đồng Đông Sơn, di vật lịch sử văn hóa, niềm tự hào của người dân xứ Thanh được ông đặt trang trọng giữa phòng khách. Dạo ấy, ông còn khỏe lắm, đôi chân bước đi rất nhanh dẫn chúng tôi lên sân thượng, giới thiệu khu trồng nấm theo quy trình công nghiệp do tay ông tự chăm sóc. Ngoài hành lang là khu vực trồng rau xanh, cây củ, quả. Nhìn những luống rau cải lên xanh tốt, những cây cà chua quả chín đỏ, cải bắp cuộn tròn sắp cho thu hoạch, ông vui cười hóm hỉnh: “Rau sạch, nấm sạch, gà sạch, những thứ mình tự trồng được vừa có thực phẩm an toàn để ăn bảo đảm sức khỏe, mà còn là niềm vui trong lao động sau những giờ làm việc trí óc căng thẳng. Mình có bắt tay vào lao động, mới thấy hết công sức vất vả, mới thương người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng để làm ra được mớ rau, hạt gạo, củ khoai, củ sắn".

Rồi ông ngồi nói chuyện với chúng tôi rất lâu, thi thoảng lại rót cho chúng tôi cốc nước vối đặc sánh. Ông nhìn ra sân, giới thiệu cây vối do một người bà con trong quê gửi ra mà ông trồng đang lên xanh tốt. Ông cứ tấm tắc khen mãi giống vối cây nhà lá vườn rất thơm mát lại có vị chát nhẹ, nhưng uống đến đâu lại ngọt giọng đến đó. Ông say sưa nói về Thượng Phúc, Đông Khê, Đông Sơn, vùng quê nghèo lam lũ, nơi sinh ra ông cùng tuổi thơ nhọc nhằn gian khổ. Ông hồi tưởng lại, từ nơi ấy ông ra đi hoạt động cách mạng ra sao, sau đó kinh qua nhiều trọng trách lớn trong Quân đội, cho đến vị trí cao nhất là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù ở cương vị công tác nào ông cũng tận tâm, tận lực, hết lòng vì công việc mà Đảng và nhân dân giao phó.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có lối sống giản dị và gần gũi.

Là một Tổng Bí thư có nhiều đóng góp lớn cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng và quyết liệt trên mặt trận chống tiêu cực, ông luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo về đức tính cũng như bản lĩnh, nhân cách sống của người chiến sĩ cách mạng. Là con dân Thanh Hóa, ông đau đáu hướng về quê hương, lo cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa miền núi Thanh Hóa còn đói nghèo. Nhiều lần về thăm, nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, ông thường gợi mở cho sự phát triển, đi lên của quê hương. Ông nhấn mạnh: “Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, giàu truyền thống cách mạng, là vùng đất địa linh nhân kiệt, người dân vốn thông minh cần cù chịu khó. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thanh Hóa luôn đứng đầu trong việc đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng với dân tộc làm nên thắng lợi vẻ vang. Hơn bao giờ hết, Thanh Hóa phải phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ cho đến người dân; cần phát huy thế mạnh của một tỉnh có rừng, có biển, có cảng nước sâu, có tài nguyên khoáng sản, có nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng du lịch rộng mở. Có như vậy Thanh Hóa mới phát triển đi lên xứng tầm là một tỉnh mạnh nhất nhì khu vực Bắc miền Trung và cả nước”.

Khi biết tôi chuẩn bị tổ chức triển lãm ảnh rồi ra sách ảnh tại Hà Nội, ông rất vui và gợi ý: "Cậu là người con xứ Thanh, nên chụp nhiều hình ảnh về quê hương, để quảng bá cho du lịch, con người xứ Thanh, vốn nhiều tiềm năng nhưng chưa được thể hiện và khai thác triệt để. Anh chị em đồng hương xứ Thanh đang sinh sống công tác tại Hà Nội phải đóng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển giàu đẹp”.

Tác giả được chụp ảnh lưu liệm với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đột ngột ra đi ở tuổi 90, tôi cũng như bao người dân Việt vô cùng tiếc thương một vị lãnh đạo có tâm, có tài, gần gũi, giản dị, suốt đời vì nước vì dân. Ông ra đi là một mất mát tổn thất lớn với người dân xứ Thanh và đồng bào cả nước. Vĩnh biệt ông, một con người, một nhân cách đáng kính!

Phạm Công Thắng


Phạm Công Thắng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]