(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau cuộc hành trình đưa nhà sàn xuống phố thì vẫn còn những cuộc hành trình tiếp theo khó khăn hơn, đó là giữa phố thị, bảo tồn nhà sàn như thế nào, phát huy giá trị của nó ra sao. Những người trong cuộc vẫn xem đây là một bài toán khó...

Nhà sàn xuống phố: Câu chuyện bảo tồn và phát huy

Sau cuộc hành trình đưa nhà sàn xuống phố thì vẫn còn những cuộc hành trình tiếp theo khó khăn hơn, đó là giữa phố thị, bảo tồn nhà sàn như thế nào, phát huy giá trị của nó ra sao. Những người trong cuộc vẫn xem đây là một bài toán khó...

Nhà sàn xuống phố: Câu chuyện bảo tồn và phát huyNhà sàn của anh Nguyễn Hải Hưng được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Phải tạo sức sống cho nhà sàn

Sau khi đưa nhà sàn của người dân tộc Mường (Ngọc Lặc) về gia đình tại thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), anh Nguyễn Hải Hưng đã trùng tu một số chi tiết bị mối mọt. Đồng thời, để đảm bảo hơn độ chắc chắn, anh thay mặt sàn, vách từ tre sang gỗ. Để tránh mối mọt, dưới chân cột gỗ nhà sàn, anh đổ thêm bê tông, kê chân cột lên 20cm, bỏ thuốc mối, dầu nhớt xuống phía dưới.

Trở về bên nhà sàn của anh Nguyễn Hải Hưng, xung quanh chim rộn ràng hót, nước róc rách chảy, nơi đây như một “khu rừng” thu nhỏ. Sàn dưới, anh Hưng đặt 10 bộ bàn ghế gỗ, sử dụng phù hợp cho nhà sàn. Tại đây sẽ là nơi ăn uống dành cho khách còn sàn trên để ngủ, nghỉ. Nhưng vào những hôm khách tham quan đông, anh phải sử dụng cả 2 sàn để ăn uống. Điều đặc biệt, ẩm thực cũng mang nét văn hóa của người dân tộc như thức ăn đựng bằng mẹt lót lá chuối, khách ăn bốc tự nhiên, rượu múc bằng gáo dừa...

Với ông Hoàng Văn Thông, sau khi đưa ngôi nhà sàn của người Mường (Cẩm Thủy) về tại gia đình ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), lúc bấy giờ ông cũng đã sơn lại toàn bộ phần gỗ của nhà sàn. Sau này, ông mới thay mái kè thành mái ngói và đổ thêm bê tông, lát gạch lên mặt sàn nhằm cách âm, chống ồn. Bên cạnh đó, để chống mối mọt cho nhà sàn, một năm hai lần ông lại phun thuốc diệt mối, trong trường hợp nếu có mối xuất hiện thì ông lại thuê thợ từ Hà Nội vào để xử lý.

Nhiều năm nay, ngôi nhà sàn này là không gian kinh doanh cà phê. Mới đây, ông đã chuyển chợ đồ cổ từ phường Đông Hương về khu ẩm thực Rừng trong phố. Tại sàn dưới ông dành cho khu trưng bày các gian hàng đồ xưa còn sàn trên ông dự định sẽ mở bán cơm chay cho các phật tử, lấy lãi đi làm từ thiện. Ông bảo: “Tôi có tuổi rồi nên đưa chợ đồ xưa về đây để tiện cho việc đi lại. Về đây cho ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên. Nhà sàn dù không tiện cho việc sinh hoạt nhưng cố gắng đừng để nó cô đơn ngay giữa phố thị”.

Thực tế, nhà sàn về phố chưa bao giờ lạc lõng. Những người chủ mới vẫn luôn tìm cách để thích ứng với nó và ngược lại, tạo cho nhà sàn một môi trường thân thiện. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi vẫn tự hỏi, liệu có ai ở nhà sàn khi đưa nó về phố, ngoài ngôi nhà sàn bê tông của PGS.TS Lâm Bá Nam được ông xây dựng để phục vụ cho việc ăn ở của gia đình cũng như sinh hoạt cộng đồng?

Tưởng như khó có câu trả lời thì may mắn, chúng tôi đã tìm được ngôi nhà sàn của anh Cao Đình Khương ở thôn Cẩm Vinh, xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa). Đây là ngôi nhà sàn dân tộc Thái, anh Khương đã mua lại từ anh Lê Đình Năm, ở thôn 2, xã Hoằng Thành. Trước đó, gia đình người bán cũng đã có 10 năm ở trong ngôi nhà sàn này. Sau khi mua, anh Khương cũng xem nhà sàn là nhà ở. Anh cho biết: “Diện tích đất là 120m2 nhưng diện tích nhà sàn những 200m2. Tôi phải bỏ bớt một phần hiên và làm giếng trời ở trong nhà cho phù hợp hơn. Về cơ bản, nhìn vào vẫn thấy được nét nhà sàn của đồng bào dân tộc. Xung quanh đều là nhà ống, duy nhất tôi ở nhà sàn nhưng chưa lúc nào lạc lõng, chỉ cần mình yêu ngôi nhà đó là vui rồi”.

Cũng theo chia sẻ của PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam: “Nhà sàn xuống phố thì chỉ giữ hồn cốt ngôi nhà sàn thôi nhưng để bảo tồn nguyên vẹn, điều đấy là không có. Bởi vì con người sống trong ngôi nhà sàn đấy mới tạo nên văn hóa dân tộc, vì vậy, ngôi nhà sàn dù ở miền núi xuống đồng bằng, nếu là các cư dân người Kinh sử dụng phải theo cách thức văn hóa của người Kinh, có thể làm nơi bán hàng, làm du lịch..., để người nào có nhu cầu trở lại văn hóa dân tộc, tìm hiểu văn hóa dân tộc người ta tìm đến. Phải tạo cho nó một sức sống...”.

“Chảy máu” văn hóa?

Có hay không việc nhà sàn xuống phố đang làm mất đi bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, khi số lượng nhà sàn ở miền núi đang giảm dần, ở miền xuôi lại tăng lên. Ngược lại, xây nhà ống của người miền xuôi cũng đang dành được sự quan tâm của bà con các dân tộc. Đây có được xem là sự giao thoa văn hóa?

Xung quanh vấn đề này, một số nhà quản lý văn hóa cho rằng, do không có một cơ chế, chế tài nên việc mua, bán nhà sàn vẫn diễn ra. Điều họ lo sợ, nếu tiếp tục thì có thể sẽ mai một nhà sàn đồng nghĩa khó bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân: “Nhà sàn giảm về số lượng, đây là điều đáng báo động và đang có nguy cơ “chảy máu” về văn hóa. Nhà sàn về đồng bằng sẽ khó bảo tồn. Nếu về xuôi, nhà sàn phải có một không gian đủ rộng để mô phỏng nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, không thể tạo ra hình ảnh méo mó hoặc có chức năng riêng, cái đấy không phải là bảo tồn mà thành biến tướng rồi”. Ở chia sẻ khác, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Lát, cho rằng: “Nhà sàn ở miền núi xuống phố cũng như hiện nay bà con miền núi muốn xây thêm nhà ống giống như miền xuôi, điều này phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện thực tiễn của mỗi gia đình; đồng thời là sự vận động khách quan của đời sống. Một khía cạnh nào đó nó thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là điều cần thiết. Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân vẫn không đồng tình với việc mang nhà sàn từ miền núi về đồng bằng, khi nêu quan điểm: “Trong đề án phát triển du lịch của huyện, những địa phương nào nằm trong đề án, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ khuyến khích bằng cách tiếp cận nguồn vốn vay để vừa làm du lịch vừa bảo tồn nhà sàn. Nếu không nằm trong đề án chúng tôi chỉ có cách tuyên truyền, vận động gìn giữ nhà sàn. Còn đối với việc nhà sàn xuống phố, tôi cho rằng cơ chế hiện nay đã thông thoáng nên người dân có thể tự mua gỗ để làm nhà sàn chứ không nhất thiết phải ngược dòng lên miền núi mua nguyên nhà sàn về”.

Có một khuynh hướng, ở vùng miền núi như Ngọc Lặc, cách đây 2 tháng tôi vừa lên. Hiện nay, người Mường ở đây đang triển khai làm các ngôi nhà sàn bằng gỗ trồng, gỗ xoan, tất nhiên là gỗ đã được qua xử lý và rất đẹp, cái đấy là do nhu cầu văn hóa của cộng đồng cư dân.

Việc một số người mua nhà sàn mang từ miền núi về đồng bằng, tôi cho đó là nhu cầu giải quyết hài hòa khi một số người ở vùng miền núi không có nhu cầu sử dụng nhà sàn cũ thì người khác hoàn toàn có quyền mua để mang xuống phố. Ở trong ngôi nhà sàn đấy người ta có thể trang trí những vật dụng mang bóng dáng văn hóa dân tộc, ít nhất là đã có thể giới thiệu kiến trúc truyền thống của một dân tộc nào đó ở dưới đồng bằng. Theo tôi chỉ cần đến thế thôi, chứ đừng đòi hỏi phải bảo tồn văn hóa. Bản sắc văn hóa là nằm trên miền núi, còn ở đây là sự lan tỏa. Vấn đề là, họ đã giữ hồn cốt bên trong không gian đấy, cũng có thể mượn dạng thức kiến trúc để giới thiệu ở đồng bằng, tôi cho là tốt không có vấn đề gì.Và nếu có điều kiện dưới đồng bằng, người ta muốn giữ nguyên vẹn hình ảnh ngôi nhà sàn thì điều đó càng quý.

(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam)

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]