(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà sàn không chỉ là kiến trúc truyền thống mà còn được coi là biểu tượng văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Việc nhà sàn xuất hiện trong không gian đô thị góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa của người Việt nói chung, xứ Thanh nói riêng.

Nhà sàn xuống phố: Từ ý tưởng đến hành trình

Nhà sàn không chỉ là kiến trúc truyền thống mà còn được coi là biểu tượng văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Việc nhà sàn xuất hiện trong không gian đô thị góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa của người Việt nói chung, xứ Thanh nói riêng.

Nhà sàn xuống phố: Từ ý tưởng đến hành trìnhNhà sàn của anh Nguyễn Hải Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc.

1 Nhớ lại cuộc “gặp gỡ” với chiếc nhà sàn của 24 năm về trước, ông Thông vẫn chưa hết bồi hồi. Ông đã từng nhiều năm đi công tác tại huyện miền núi tỉnh Thanh nên có điều kiện tiếp cận với văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là cơ hội để ông có dịp tìm hiểu về phong tục, tập quán cũng như đưa ông đến gần hơn với chiếc nhà sàn truyền thống của người Mường. Ông kể: “Do điều kiện giao thông đi lại giữa miền núi, miền xuôi trước đây còn khó khăn nên tôi muốn tái tạo lại nếp sinh hoạt của 7 dân tộc anh em trong tỉnh để giới thiệu với mọi người về bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhưng vì quỹ đất hạn hẹp nên tôi chỉ đưa về xuôi chiếc nhà sàn của người Mường, được dựng từ những năm 1950. Đưa được về đây là thấy mỹ mãn rồi”.

Ngôi nhà sàn đã được dựng tại nhà ông ở số 41, Đội Cung, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa). Địa chỉ này sau thành Khu ẩm thực Rừng trong phố. Để đưa ngôi nhà sàn từ miền núi về đồng bằng, ông Thông phải thuê tổ thợ 9 người tháo dỡ trong 1 tuần, dựng hơn 1 tháng, 9 người thợ quê ở huyện Hoằng Hóa lên làm việc tại Cẩm Thủy. Do có đội thợ chuyên nghiệp nên từ lúc dỡ đến lúc dựng nhà sàn, mọi việc đều thuận lợi.

24 năm qua, ngôi nhà sàn đã được đón nhận với tình cảm trân trọng, như chưa lúc nào lạc lõng giữa ồn ào, náo nhiệt của thành thị. Xung quanh nhà sàn là cây cối, chim muông, là những con người yêu văn hóa dân tộc Mường.

2. Sau ông Hoàng Văn Thông, cuộc hành trình đưa nhà sàn về phố của anh Nguyễn Hải Hưng ở Khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) cũng để lại trong chúng tôi ấn tượng đặc biệt. Đó là cuộc hành trình với nhiều khó khăn, tốn kém hơn và ngay cả khi đưa được nhà sàn về phố nhưng trong khi dựng, có lúc tưởng như “lực bất tòng tâm”.

Cách đây 8 năm, anh Hưng đã “lặn lội” lên huyện miền núi Ngọc Lặc để mua một căn nhà sàn của người Mường với diện tích 113m2. Anh cho biết: “Nhà tôi ở bên sườn núi nên tôi thường suy nghĩ về không gian sống hòa hợp với thiên nhiên của đồng bào dân tộc, nhất là hình ảnh những nhà sàn nép mình bên sườn núi. Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu đưa được nhà sàn về dựng tại không gian này sẽ rất phù hợp, khách ở xa đến cũng sẽ có điều kiện tham quan, nghỉ ngơi...”.

Khi ý tưởng thành hiện thực, căn nhà sàn mua về đã được dựng tại Khu du lịch sinh thái Lâm Sơn Trang của gia đình anh Hưng. Khu du lịch này với tổng diện tích 3ha, hiện đang lưu giữ hơn 50 nghìn cổ vật, 4 ngôi nhà cổ và nhiều loại cây cảnh có giá trị.

Với mong muốn tái tạo hình ảnh của 7 dân tộc anh em xứ Thanh qua nếp nhà, trang phục..., vào năm 1997, ông Hoàng Văn Thông, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long đã mua lại căn nhà sàn của một gia đình người dân tộc Mường (Cẩm Thủy). Ông cũng là người đầu tiên ở TP Thanh Hóa lúc bấy giờ đưa nhà sàn về phố...

Để đưa nhà sàn về phố, anh Hưng phải thuê thợ tháo dỡ trong 4 ngày và dùng 2 xe tải 4 chân chở về. Sau đó là quãng thời gian hơn 1 tháng để dựng nhà đầy gian nan. Anh Hưng nhớ lại: “Phải hai lần dựng cột mới thành công. Khi về dưới xuôi, có xe cẩu nhưng do đường vào hẹp nên lần thứ nhất dựng được cột gian giữa thì đến gian sau xe không với tới được nên phải tháo ra hạ xuống, phải dựng cột sau trước và dựng lùi. Nhà sàn thường dựng gian chính rồi mới đến gian phụ nhưng ở đây thì ngược lại. Ngay hôm dựng nhà, tôi làm một con lợn để liên hoan nhưng khi dựng lần thứ nhất thất bại, ai cũng nản, cũng mệt, đói mà không muốn ăn...”.

Ông Hoàng Văn Thông hay anh Nguyễn Hải Hưng là 2 trong số ít người ở Thanh Hóa đã đưa nhà sàn về phố. Yêu nét văn hóa nhà sàn của đồng bào miền núi, họ đã “ngược dòng” để biến tư tưởng thành hiện thực.

3. Trong quá trình đi lấy thông tin phục vụ bài viết này, thật bất ngờ, chúng tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến ngôi nhà sàn bằng bê tông của PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Ngôi nhà sàn này đã được ông xây dựng tại quê nhà ở phường Hải An, thị xã Nghi Sơn. Đối với chúng tôi, đây là điều khá thú vị, mang đến một cái nhìn mới mẻ hơn đó là nhà sàn về phố không chỉ đưa từ miền núi về đồng bằng mà ngay tại đồng bằng, nhà sàn cũng đã được làm một cách tinh tế, công phu, dù không bằng nguyên liệu gỗ.

Trên hành trình nghiên cứu dân tộc học, PGS.TS Lâm Bá Nam đã đến mọi miền đất nước, các tộc người ở Việt Nam. Ông cũng có thời gian dài nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam, trong đó có nhà sàn. Ông cho biết: “Khi nói đến văn hóa Việt Nam là nói đến ngôi nhà sàn. Người Việt đã từng ở nhà sàn trong buổi đầu dựng nước. Tôi có dấu ấn đặc biệt với nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc nên đã có ý tưởng dựng một ngôi nhà sàn từ lâu, nhưng do không có điều kiện mua cũng không có điều kiện làm nhà sàn bằng gỗ nên khi trở về quê, tôi quyết định làm nhà sàn bằng bê tông”.

Ngôi nhà sàn này đã được PGS.TS Lâm Bá Nam xây trong 4 tháng và không gặp khó khăn trong quá trình thi công. Theo ông, quan trọng là làm thế nào để hệ thống cột được đẹp, giả gỗ mà giống như gỗ. Nhà sàn của ông không giống bất kỳ một mẫu mã nào nhưng đó là sự tích hợp của nhiều nhà sàn các dân tộc. Cầu thang nằm ra phía bên ngoài, mở cửa chính ngôi nhà về hướng Nam, nhà có 12 cột nhưng trong lòng nhà không có cột sàn, cách mặt đất 2,5m. Nhà xây với cấu trúc 3 gian, mái tôn, tường gạch thô. Diện tích sàn dưới 80m2, trên 65m2. Xung quanh ngôi nhà có nhiều cây lưu niên, cây ăn quả... Theo chia sẻ của PGS.TS Lâm Bá Nam: “Ngôi nhà sàn này về với đồng bằng ven biển dù hơi khác lạ so với các ngôi nhà hiện đại nhưng đặt trong không gian của vùng quê nên cũng thấy yên bình, đưa vào sử dụng lại thấy hợp lý.

Trong âm hưởng nhà sàn, cũng có cung bậc của tình cảm, cảm xúc. Nhà sàn xuống phố, phải hiểu ở nghĩa tích cực, nó làm phong phú thêm không gian văn hóa của người Việt. Trong không gian đấy, nhà sàn là yếu tố quan trọng, là dấu tích cội nguồn dân tộc. Đưa nhà sàn xuống phố nằm trong một không gian nào đó cũng chính là sự trở về truyền thống mà ông cha ta đã làm trước đó 2.000 năm.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]