(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh như hiện nay, từ nông thôn đến thành thị, không khó khi bắt gặp những công trình xây dựng. Điều này là đáng mừng, nhưng bài toán xử lý rác thải xây dựng cũng đang khiến nhiều địa phương gặp khó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối rác thải xây dựng

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh như hiện nay, từ nông thôn đến thành thị, không khó khi bắt gặp những công trình xây dựng. Điều này là đáng mừng, nhưng bài toán xử lý rác thải xây dựng cũng đang khiến nhiều địa phương gặp khó.

Lâu nay, các cấp, ngành chức năng chỉ quan tâm đến việc xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt, ít để tâm đến rác thải xây dựng. Điều này có nhiều nguyên do, nhưng cái chính là nhiều người lầm tưởng loại rác thải này chỉ gây bụi bặm, có thể không nguy hại tức thì. Tuy nhiên, rác thải xây dựng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị lớn, nhất là đặc tính khó phân hủy, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2015 - 2020, song song với việc các địa phương chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình nông thôn mới, nhiều công trình xây dựng đã và đang được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Toàn tỉnh có 7.500 dự án, công trình được đầu tư, khởi công xây dựng... tỉ lệ đô thị hóa tăng, tạo chuyển biến tích cực cho sự phát triển của tỉnh.

Xuất phát từ việc nhiều công trình được xây dựng, hệ lụy dẫn đến lượng rác thải rắn trong xây dựng tăng cao. Trong khi các bãi tập kết tại nhiều địa phương cơ bản đã được lấp đầy, hoặc chưa được quy hoạch...

Nhiều khu đất trống trở thành nơi tập kết phế thải xây dựng, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Quan sát, để giảm thiểu chi phí xây dựng, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình không ngần ngại đổ trực tiếp rác thải xây dựng xuống ao, hồ, đồng ruộng, nơi thưa dân cư sinh sống. Ở số ít công trình thì lượng rác thải rắn được tận dụng để san lấp mặt bằng, lấp ao, làm đường, phần còn lại được tập kết tại nơi không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị về phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Theo phương án, mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường...

Trong vài năm trở lại đây, Hoằng Hóa nổi lên là địa phương có tốc độ xây dựng lớn, nhiều công trình không ngừng đầu tư, hoàn thiện. Trong năm 2019 toàn huyện có 706 dự án được thực hiện, đồng thời là huyện có số dự án có sử dụng đất cần giải phóng mặt bằng nhiều nhất tỉnh. Trong năm 2020, huyện đón nhận thêm nhiều dự án xây dựng “tầm cỡ” đổ về các khu nghỉ dưỡng, du lịch của địa phương. Đó là một thành công lớn, nhưng cũng đồng nghĩa về thách thức không nhỏ trong bài toán xử lý rác thải rắn trong xây dựng.

Đại diện phòng TNMT huyện Hoằng Hóa, cho biết: Toàn huyện có 36/37 xã, thị trấn ký kết với các đơn vị để thu gom, vận chuyển rác thải xử lý, chôn lấp, còn 1 địa phương tự thu gom, xử lý tại chỗ. Huyện đã tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra từ cơ sở nhằm phát hiện, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công nghiêm túc thực hiện việc thu gom rác thải rắn trong xây dựng đúng nơi tập kết theo quy định...

Có một thực tế là, hiện nay, nhiều bãi đất trống ở ngoài đô thị, hoặc xa khu dân cư, thường là nơi để các xe bồn chở bê tông tươi về xả đáy (bê tông thừa). Trong khi đó, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Bởi vậy, rác thải xây dựng nếu không xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Thực trạng đòi hỏi cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết loại rác thải này.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]