(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa hiện có hơn 14 nghìn nạn nhân da cam trực tiếp và gián tiếp. Trong số đó có 402 nạn nhân da cam vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế. Họ là những người đã chiến thắng số phận để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nạn nhân da cam làm giàu giữa đời thường

(VH&ĐS) Thanh Hóa hiện có hơn 14 nghìn nạn nhân da cam trực tiếp và gián tiếp. Trong số đó có 402 nạn nhân da cam vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế. Họ là những người đã chiến thắng số phận để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Về thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), nhắc đến ông Hoàng Hữu Hiều, không ai là không biết, bởi ông đã có gần 30 năm làm lãnh đạo ở cái thị trấn này. Càng phục hơn khi ông là 1 trong 14 nạn nhân da cam vượt khó vươn lên của huyện Thiệu Hóa. Ông là giám đốc của Công ty CP sản xuất thương mại Hoàng Phát.

Sau khi trở về từ chiến trường Miền Đông Nam Bộ, năm 1976, ông Hoàng Hữu Hiều về lại quê hương, lập gia đình và lập nghiệp ngay tại chính mảnh đất được sinh ra. Vừa làm công tác chính quyền, ông vừa tham gia hoạt động thương nghiệp cho gia đình, đó là buôn bán phân bón, vật liệu xây dựng, đồ thờ... Năm 2010, sau khi kết thúc công tác ở địa phương, ông càng có thời gian để quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế.

Thời gian này, ông có ý định lên máy cán tôn để phục vụ cho bà con lân cận. Ông đã vào Sài Gòn để học hỏi kinh nghiệm và một thời gian sau đó ôngkinh doanh, buôn bán thêmtôn làm nóc, làm vồm. Cho mãi đến 2015, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua máy cán tôn, mở xưởng sản xuất, từ bị động ông thành chủ động, là người tự sản xuất để phục vụ cho nhân dân 4 huyện: Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Cẩm Thủy. Mỗi năm, Công ty Hoàng Phát mang lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Hiện Công ty đang tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Ông Hiều cho biết: "Với tôi, còn sức khỏe thì còn làm. Lao động là nguồn hạnh phúc, là vốn quý, những người lao động làm cho gia đình tôi đều là con em thương binh, liệt sỹ... Khả năng giúp được gì thì tôi sẽ làm".

Nạn nhân da cam, ông Hoàng Hữu Hiều (đứng giữa) bên xưởng sản xuất cùng công nhân.

Còn câu chuyện của nạn nhân da cam Lê Văn Tường (64 tuổi) ở phố 3, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) cũng là tấm gương của sự vượt khó vươn lên với nghề trồng hoa. Làng Đại Khối trước kia (phố 3 bây giờ) nổi tiếng với nghề trồng hoa, họ làm giàu cũng từ nghề hoa. Qua thời gian, người dân Đại Khối vẫn gắn bó với nghề vì nghề tạo cho họ cuộc sống, tạo cho họ niềm vui...

Năm 1995, gia đình ông Lê Văn Tường là 1 trong 3 hộ đầu tiên của làng Đại Khối tham gia trồng hoa. Sau khi xem trên VTV2 giới thiệu về mô hình trồng hoa hồng, hoa cúc ở làng Vĩnh Tuy (Hà Nội), ông đã "cất bước" ra tận đây để học hỏi kinh nghiệm. Xét thấy nghề cho thu nhập cao, lại ổn định, ông Tường đã về áp dụng ngay trên mảnh đất nhà mình. Ông phải tôn thêm đất cho hoa tránh được mùa mưa, vốn 40 triệu, ông chỉ có một nửa, còn một nửa phải vay mượn anh em, họ hàng. Nhưng tiếc thay, vụ đầu tiên ông mất trắng trên mảnh đất 2.500m2 trồng hoa vì trận mưa tháng 8 năm 1996.

Không nản, năm 1997, ông tiếp tục mua giống về trồng. Lần này, may mắn hòa vốn. Cũng từ đây, gia đình ông sống được với nghề. Thị trường chủ yếu là ở TP Thanh Hóa, và ông tập trung vào hình thức bán buôn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng, vào thời điểm hoa được mùa có lúc cho thu nhập từ 120 - 180 triệu đồng/ năm. "Nếu đón đúng thời vụ, bao giờ hoa cũng cho thu nhập cao. Cũng mừng là nhờ theo nghề mà gia đình đã xây được nhà cửa, mấy đứa con tôi giờ cũng gắn bó với nghề này rồi". Ông Tường chia sẻ.

Nhắc đến những nạn nhân da cam vượt lên sự khó, làm giàu giữa đời thường, bên cạnh những ông Hiều, ông Tường..., nhiều người vẫn chưa thể quên được một "nhân vật" khá "nổi tiếng" đó là ông Nguyễn Duy Nở - Giám đốc công ty TNHH Hoàng Tuấn, người đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động. Đáng phục, bản thân ông Nở là nạn nhân da cam nhưng ông lại quay trở lại để giúp đỡ lại chính những số phận không may mắn như mình. Hàng năm, ông vẫn hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho các nạn nhân da cam của tỉnh và thành phố, bên cạnh đó ông còn nuôi dưỡng 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 thương binh nặng, 3 trẻ mồ côi... Tấm lòng ấy, thật đáng quý, đáng trân trọng.

Đã hơn 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, bên cạnh những nỗi đau da cam, của những con người khổ nhất trong mọi cái khổ. Thật vui vì trong số đấy, đã có những con người chiến thắng số phận, họ đáng được tôn vinh lắm chứ.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]