[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Được trồng trên những mảnh đất màu mỡ, lớn lên từ mạch nước ngầm ngọt lịm, không khí tinh sạch, gạo nếp Cay Nọi - tiếng dân tộc địa phương là kháu (niếu) Cay Nọi nổi tiếng bởi vị dẻo ngọt và hương thơm đặc trưng khó quên. Đặc biệt, vì mỗi năm nếp Cay Nọi chỉ cấy được một vụ nên nó có trọn vẹn hương vị đặc trưng tạo nên thương hiệu. Khi thu hoạch, đã trở thành loại gạo đặc sản của vùng núi cao huyện Mường Lát.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Đến vùng lúa đặc sản nếp Cay Nọi, xã Quang Chiểu (Mường Lát) vào đúng thời điểm thu hoạch vụ mùa. Không khí trên những cánh đồng rộn ràng, tấp nập, mùi thơm của lúa chín phảng phất khắp mọi nơi. Tiếng cười giòn tan, tiếng máy tuốt lúa ì ầm từ sáng sớm. Trên những thửa ruộng trĩu hạt, nông dân đổi công giúp nhau gặt lúa nói cười rộn rã. Cầm trên tay những hạt lúa mới được thu mua về, chị Lương Thị Nông, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành, “khoe” có thể nhắm mắt cầm hạt lúa trong tay mà vẫn phân biệt đâu là lúa Cay Nọi đặc trưng của Mường Lát. Theo lời chị Nông, lúa Cay Nọi hạt to, mập, có đỏ sọc, vỏ mỏng. Hạt gạo màu trắng, hơi bóng có mùi thơm đậm hơn các loại gạo thông thường. Khi nấu chín cơm nếp sẽ có hương thơm đặc biệt, vị ngọt, dẻo, mềm cơm.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Giống lúa Cay Nọi vốn có nguồn gốc từ Lào, được trồng tại các huyện biên giới phía tây từ nhiều năm về trước. Giống lúa này có đặc điểm rất kén đất, không phải nơi nào cũng có thể trồng được, phải là những vùng đất cao, chất đất phù sa cổ và đất feralit (Chất đất phù sa, bồi tụ và đất Feralit đỏ vàng) với hàm lượng kali cao, nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng chảy trực tiếp từ trong núi… lúa mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Ban đầu, bà con dân tộc trồng lúa chỉ để phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày hay làm bánh vào những dịp lễ, tết nên cả xã chỉ có vài chục héc-ta, năng suất trung bình đạt 38 – 40 tạ/héc-ta. Sau vài vụ gieo cấy, nhận thấy giống lúa này phù hợp với cánh đồng của Quang Chiểu, chất lượng gạo ngon hơn hẳn các loại khác, người dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lúa Cay Nọi lên đến gần 400 héc-ta để bán ra thị trường. Giá trị hạt gạo Cay Nọi mang lại cho người nông dân là rất lớn bởi giá bán vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, hiện nay, lúa Cay Nọi có giá 12.000 – 13.000 đồng/kg, gạo từ 28.000 – 30.000 đồng/kg (trong khi đó giá lúa thuần chỉ có 9.000 đồng/kg, gạo 13.000 – 14.000 đồng/kg).

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Từ khi gạo Cay Nọi trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được thị trường ưa chuộng thì cuộc sống của những nông dân chân lấm tay bùn được đổi thay từng ngày. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều thương lái còn phải vào tận nơi đặt tiền trước mới mua được lúa về xay. Những khách hàng sành ăn cũng đi ôtô vào tận ruộng hỏi mua khiến ngày mùa ở Quang Chiểu càng tấp nập. Khi kinh tế không còn khó khăn, nông dân không phải “bán tháo” để lấy tiền chi trả kinh phí sinh hoạt hằng ngày, một số hộ đã biết tích trữ chờ đến khi được giá mới bán ra thị trường. Chuyện làm giàu từ cây lúa không còn lạ ở đất Quang Chiểu khi thôn, xóm bắt đầu khang trang, những ngôi nhà cao tầng sạch, đẹp mọc lên giữa mênh mông ruộng nương.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Sở dĩ gạo Cay Nọi trồng trên đất Quang Chiểu ngon hơn bởi nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác với các vùng khác, nắng nhiều làm cho cây lúa được quang hợp tốt, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 28 – 30 độ C. Biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau tương đối lớn. Điều đó làm cho cây lúa không bị mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Quang Chiểu ít có những ngày thời tiết âm u nên sâu bệnh hại lúa ít phát triển.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Trải qua quá trình định cư lâu dài, người Thái ở Quang Chiểu đã có một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất lúa, kết hợp với các luật tục trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân Quang Chiểu đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt như hiện nay.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Mặc dù có giá trị cao nhưng nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, HTX nông lâm Chung Thành đã được thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi với thị trường. HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu sản xuất gạo Cay Nọi theo chương trình Ocop. Các hộ dân này sẽ được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Tận dụng nguồn vốn khuyến công Quốc gia hỗ trợ, Giám đốc Lương Thị Nông đã xây dựng kho, bến bãi, sắm sanh một số máy móc cần thiết, như: máy xay xát, máy đóng bao để thuận tiện cho việc thu mua và chế biến gạo. Từ đầu năm 2021 đến nay, HTX đã phân phối ra thị trường 35 tấn gạo. Số lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh và khu vực các tỉnh phía Bắc. Chị Lương Thị Nông cho biết: “Sản phẩm gạo của HTX được trồng và chế biến thuần tự nhiên, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, HTX nông lâm Chung Thành dự tính sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa mất giá. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, HTX cần rất nhiều sự đầu tư để hiện đại hóa quy trình chế biến và đóng gói. Hiện tại, các hộ dân vẫn phải chủ động phơi thóc bằng phương pháp cũ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Máy xát cũng là loại máy thông thường và không có máy đánh bóng… Những hạn chế này ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động của HTX, không tương xứng với tiềm năng của địa phương và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Tháng 11 vừa qua, gạo Cay Nọi đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Giám đốc Lương Thị Nông coi thị trường trong tỉnh là một cuộc “chinh phục” hoàn toàn mới của gạo Cay Nọi với xu hướng tăng dần sản lượng. Mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hiện nay của HTX là chinh phục người tiêu dùng trong tỉnh. HTX muốn đưa sản phẩm gạo Cay Nọi đến các siêu thị lớn của tỉnh, tham gia hội thảo hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Khi đời sống ngày càng phát triển, xu hướng sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao sẽ ngày càng lớn, việc sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao là điều tất yếu. Lợi ích nhãn hiệu sẽ là tiền đề để huyện Mường Lát có chiến lược mở rộng diện tích trồng lúa Cay Nọi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

[E-Magazine] - Nếp Cay Nọi xuống phố

Nội dung: Tăng Thúy

ảnh: Tiến Đông

Đồ họa: Mai Huyền

Xuất bản: 4:16:12:2021:15:44

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM