(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Quan Sơn đang chú trọng hình thành vùng chuyên canh, xây dựng sản phẩm chè tán ma Pha Dua của đồng bào Thái thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng chè tán ma Pha Dua của đồng bào Thái ở Quan Sơn thành sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Quan Sơn đang chú trọng hình thành vùng chuyên canh, xây dựng sản phẩm chè tán ma Pha Dua của đồng bào Thái thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng chè tán ma Pha Dua của đồng bào Thái ở Quan Sơn thành sản phẩm OCOPNgười dân xã Trung Xuân thu hoạch búp chè.

Theo thống kê, huyện Quan Sơn hiện có trên 100ha chè tán ma, tập trung tại các xã Trung Xuân, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng... trong đó xã Trung Xuân có trên 35ha được trồng tại bản Phụn, bản Phú Nam. Riêng ở bản Phụn, hiện có 9 hộ trồng chè tán ma với diện tích 1,4ha. Tại đây người dân đầu tư xây dựng đường bê tông vào đồi chè, trong đó công trình bể nước chứa phục vụ tưới tiêu (mỗi bể có dung tích 6m3) được huyện hỗ trợ... Đây là loại chè trồng trên các vùng núi cao, từ bao đời nay đã được đồng bào dân tộc Thái sử dụng làm nước uống. Còn theo người Thái ở Quan Sơn, từ “tán ma” trong tiếng Thái có nghĩa là khách quý đến nhà. Ý nói loại chè này chỉ dùng để đón tiếp khách quý.

Bà Hà Thị Cán, trưởng nhóm sản xuất chè tán ma Pha Dua, xã Trung Xuân, cho biết: "Trước đây, hầu hết diện tích chè tán ma trên địa bàn xã rải rác, phân tán, một thời gian dài không được chăm sóc, đã dần bị mai một. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, được sự hỗ trợ của Nhà nước, diện tích cây chè tán ma trên địa bàn xã đã dần được khôi phục. Hiện nay, người dân trồng chè theo hướng hàng hóa, sản xuất tập trung, chú trọng khâu chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bà Lương Thị Tuyết, một hộ trồng chè ở xã Trung Xuân, cho biết: “Chè tán ma Pha Dua được chế biến hoàn toàn thủ công, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Búp chè tươi sau khi hái về, để héo tự nhiên hoặc phơi nắng khoảng 30 phút, sau đó vò bằng tay và ủ bằng lá ráy rừng hoặc mo cau trong 2 giờ để hút bớt nhựa chát trong chè, trước khi đưa ra phơi khô dưới nắng tự nhiên. Chè có màu đỏ vàng, vị ngọt thơm tự nhiên, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa... Để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, rất mong các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ để bà con mở rộng thêm diện tích sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ, xây dựng chè tán ma thành sản phẩm OCOP, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc”...

Xây dựng chè tán ma Pha Dua của đồng bào Thái ở Quan Sơn thành sản phẩm OCOPSản phẩm chè tán ma sau khi được chế biến thủ công.

Nhằm xây dựng chè tán ma thành sản phẩm OCOP, năm 2019 Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quan Sơn đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Xuân thành lập nhóm hộ sản xuất do phụ nữ làm chủ, gồm 24 thành viên, với tổng diện tích 2ha chè. Các thành viên tham gia nhóm được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm chế biến và cung ứng ra thị trường từ 80kg đến 100kg chè tán ma khô, với giá bán 200.000 đồng/kg. Tuy mức thu nhập còn khiêm tốn, nhưng kết quả bước đầu trong việc khôi phục chè tán ma trên địa bàn xã đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Ông Hà Hoàng Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quan Sơn, cho biết: “Hiện nay, việc phát triển vùng nguyên liệu chè tán ma trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư, diện tích chè lại rải rác, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh chưa được triển khai rộng rãi. Để xây dựng sản phẩm chè tán ma Pha Dua trở thành sản phẩm OCOP, huyện Quan Sơn đang phối hợp với các cơ quan chức năng từng bước nâng cao chất lượng chè, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích theo hướng sản xuất tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm”.

Đến nay, tuy diện tích chè còn thấp, sản lượng cũng chưa nhiều, nhưng kết quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi mới, bền vững trong phát triển kinh tế, giúp người dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]