10:22 10/07/2023 GMT+7
(vhds.baothanhhoa.vn) - Serie A nghèo quá!. AC Milan phải “bán cả tình yêu” mang tên Tolani.  Napoli mất đi chốt chặn vững chắc Kim Min-Jae vào tay Bayern. Onana, thủ thành số 1 của Inter chuẩn bị là người của Man United,... Trong cái lúc mà người Ý túng quẫn, bị các ông lớn “hút máu”, chúng ta nhớ về thời hoàng kim của Serie A, khi nơi đây "là cái rốn của vũ trụ".

Serie A và một thời để nhớ!

Serie A nghèo quá!. AC Milan phải “bán cả tình yêu” mang tên Tolani. Napoli mất đi chốt chặn vững chắc Kim Min-Jae vào tay Bayern. Onana, thủ thành số 1 của Inter chuẩn bị là người của Man United,... Trong cái lúc mà người Ý túng quẫn, bị các ông lớn “hút máu”, chúng ta nhớ về thời hoàng kim của Serie A, khi nơi đây "là cái rốn của vũ trụ".

Serie A và một thời để nhớ!

Serie A một thời hoàng kim…

Một World Cup thu nhỏ

Vào những thập niên 90 của thế kỉ trước, Serie A là nơi hội tụ tinh hoa của bóng đá thế giới. Giải đấu này là tập hợp của những vì tinh tú, mà thế hệ xem bóng đá thời điểm ấy hay nói với nhau rằng: “chưa đến Serie A chưa phải cầu thủ lớn”. Thậm chí, hễ cầu thủ nào cứ ra nước ngoài thi đấu sẽ mất chỗ ở đội tuyển quốc gia Italia.

Serie A và một thời để nhớ!

… là nơi tập hợp của những con người vĩ đại.

Với sức mạnh và sức hút ghê gớm, bóng đá Ý hoàn toàn thống trị Champions League trong những năm đầu (trong 6 mùa giải kể từ khi cúp C1 đổi tên thành Champions League năm 1993, bóng đá Ý luôn có đại diện trong chung kết).

Chỉ riêng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, có tới 9 CLB Italia đá chung kết cúp châu Âu, bao gồm AC Milan, Juventus, Inter, Sampdoria, Parma, Lazio,… . Mà Serie A lúc này mới chỉ có 18 câu lạc bộ tham gia, tức đã có một nửa Serie A đá chung kết châu Âu.

Nhưng vô địch châu Âu đã là gì. Vô địch châu Âu chẳng khó bằng vô địch Serie A. Nơi mà chúng ta nghe đến sự hào nhoáng của nhóm “Bảy chị em”, luôn ganh đua quyết liệt.

Thậm chí, sức cạnh tranh của Serie A khủng khiếp tới nỗi, một câu lạc bộ như Fiorentina, với những cái tên sau này trở thành tượng đài của bóng đá thế giới như Gabriel Batistuta, Stefan Effenberg, Mazinho đã phải xuống hạng.

Tại sao Serie A lại lớn mạnh đến vậy? Vì giải đấu này lắm tiền, mà theo cách gọi mỹ miều, đây là “thiên đường của những đồng lire”. Các CLB Italia đã phá kỷ lục chuyển nhượng đến 6 lần trong thập niên 90 với các thương vụ Roberto Baggio, Jean Pierre Papin, Vialli, Lentini, Ronaldo “béo” và Vieri.

Serie A và một thời để nhớ!

Massimo Moratti và Silvio Berlusconi thời hoàng kim

Tại sao Serie A lại lắm tiền đến vậy?. Serie A chính là giải đấu tiên phong trong việc thương mại hoá bản quyền truyền hình. Các nhà đài từ trong và ngoài biên giới Italia cạnh tranh quyết liệt để sở hữu bản quyền. Chính điều này đẩy giá bản quyền phát sóng tăng phi mã.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của Italia giai đoạn này (thập niên 80 và đầu những năm 90 đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới) cùng với việc các doanh nghiệp gia đình thay nhau sở hữu câu lạc bộ, biến Serie A trở thành giải đấu kim tiền.

Không cần Marketing như Ngoại hạng Anh bây giờ. Chỉ cần xem một trận bóng của Serie A khi ấy, cũng đủ đảm bảo cho một trận cầu thưởng thức, với tính giải trí cao độ.

“Bóng ma” Calciopoli

“Bóng đá Ý là một thế giới đầy hoài nghi, nơi mà lối chơi công bằng rất hiếm”. Nhà sử học người Anh, Mr Foot viết ngay cả trước khi xảy ra vụ Calciopoli. Và rồi, nền bóng đá Ý đã phải đối diện với sự thật.

Serie A và một thời để nhớ!

Bố già Moggi được cho là người đứng được cho đã dựng nên những “vở kịch” tại Serie A.

Những cuộc điều tra của các công tố viên đối với cơ quan bóng đá GEA World, đã vạch trần sự giả dối, với đạo diễn mang tên Luciano Moggi, giám đốc thể thao của Juventus.

Moggi đã thống trị hầu hết mọi mặt của bóng đá Italia thời bấy giờ, từ những bản hợp đồng chuyển nhượng cho đến việc thao túng các trọng tài.

Scandal mà sau này người ta gọi là Calciopoli đã liên đới trực tiếp đến Juventus, AC Milan, Fiorentina, Lazio và Reggina khi họ bị phát hiện đã tham gia đường dây dàn xếp tỉ số.

Những hình phạt ngay tức thì được đưa ra. Juventus phải hứng chịu hình phạt nặng nhất và gây sốc nhất trong lịch sử đội bóng: Bị đẩy xuống Serie B, danh hiệu vô địch 2 mùa bóng 2004 - 2005 và 2005 - 2006 đều bị tước bỏ, xuất phát mùa giải mới với mức -9 điểm (sau khi đã kháng cáo). AC Milan cũng bị loại khỏi Champions League mùa sau đấy. Fiorentina, Lazio bị trừ hạng.

Những từng ấy là chưa đủ, hiệu ứng domino xảy đến sau vụ bê bối Calciopoli. Các siêu sao, những HLV tên tuổi “chạy trốn” khỏi Serie A. Các nhãn hàng quảng cáo cũng chẳng dại gì mà tiếp tay cho những sự đen tối, lừa lọc. Bản quyền truyền hình của Serie A bị đánh sụt giảm nghiêm trọng,… và còn nhiều hơn nữa những tác động tiêu cực mà scandal này mang lại.

“Bóng ma” Calciopoli không chỉ khiến những “đứa em” như Parma, Roma, Lazio lạc lối, mà nó còn khiến cả những “bà chị” như Juve, Milan, Inter long đong. Và, Serie A bị dìm sâu xuống vũng bùn lầy.

Điều hiển nhiên, những người phải chịu đau đớn nhất chính là các fan hâm mộ của giải đấu này. Họ đã bị lừa dối. Họ phải chấp nhận nhìn các thần tượng rời khỏi đội bóng mình yêu. Họ yêu công lý nhưng không muốn đối diện với sự thật. Thậm chí ở Italia khi ấy, có những đứa trẻ đã mũm mĩm của Ý bắt đầu bỏ bóng đá để theo đuổi đấu vật hoặc sùng bái tay các tay đua mô tô.

Tình yêu của với nền bóng đá Ý vốn mãnh liệt, giờ bị đặt dấu chấm hỏi to đùng.

Thiếu tiền, phải “bán cả tình yêu”

Calciopoli nổ ra vào mùa hè 2006 để lại hậu quả nặng nề. Nhưng sự đi xuống của bóng đá Ý còn đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau. Đó là cách quản lý bóng đá có phần lạc hậu và độc đoán, đó là việc những ông chủ mới chưa đủ tầm để thay thế những người cũ trước kia, đó là chiến lược marketing yếu kém, đó là vấn đề chính trị - xã hội tác động tiêu cực đến bóng đá,… Và tất cả dẫn tới hệ quả, Serie A bây giờ trở thành “giải đấu nghèo”.

Serie A và một thời để nhớ!

Các CLB tai Serie A bị “hút máu”.

Chính vì nghèo mà Serie A bị các câu lạc bộ lớn ở châu Âu “hút máu” tài năng, nơi đây chỉ còn là chỗ trú chân của các ngôi sao trẻ tiềm năng hoặc những cầu thủ đã qua thời kỳ đỉnh cao.

Chính vì nghèo mà Serie A làm cho những tia hy vọng về sự trở lại (ba đội bóng Serie A mùa giải vừa qua đã vào chung kết tại các giải đấu cấp độ lớn nhất Châu Âu) nhanh chóng vụt tắt.

Chính vì nghèo mà những CLB ở đây sẵn sàng bán đi những cầu thủ quan trọng, dù cho đó có là những người đã hết mực bày tỏ tình yêu với đội bóng.

Có một sự thật, Serie A đã từng là bến đỗ trong mơ của mọi cầu thủ. Có một sự thật, Serie A đã từng là giải đấu bóng đá giàu nhất hành tinh và tiên phong trong câu chuyện kiếm tiền. Có một sự thật, Serie A đã từng là “cái rốn của vũ trụ”,…

Tất cả đều là sự thật, nhưng đó là của những năm 90 đầu những năm 2000. Còn bây giờ, những người yêu chất Ý, yêu giải đấu Serie A chỉ còn biết than thở “Bao giờ cho đến ngày xưa!”.

Thắng Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet.


Thắng Nguyễn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]