(vhds.baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa gửi đến quý vị những thông tin về văn hóa - thể thao - giải trí ngày 26-3: “Lật mặt 6”: Đạo diễn Lý Hải nặng tình với miền Tây sông nước; Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế qua đời ở tuổi 101; Hot girl Thùy Linh lần đầu vô địch Vietnam International Challenger; Người mẫu khuyết tật trình diễn áo dài từ vải vụn gây ấn tượng ở Hội An

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

Báo Thanh Hóa gửi đến quý vị những thông tin về văn hóa - thể thao - giải trí ngày 26-3: “Lật mặt 6”: Đạo diễn Lý Hải nặng tình với miền Tây sông nước; Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế qua đời ở tuổi 101; Hot girl Thùy Linh lần đầu vô địch Vietnam International Challenger; Người mẫu khuyết tật trình diễn áo dài từ vải vụn gây ấn tượng ở Hội An

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

* “Lật mặt 6”: Đạo diễn Lý Hải nặng tình với miền Tây sông nước

Là một người con của miền Tây (Tiền Giang), đạo diễn Lý Hải dành nhiều tình yêu cho vùng sông nước này. Bối cảnh phim phần 5 (“Lật mặt: 48H”) và 6 sắp ra mắt (“Lật mặt: Tấm vé định mệnh”) của anh đều được đặt tại đây. Tuy vậy, miền Tây trong phần 6 này không chỉ có sông nước mà còn có một làng nghề truyền thống đã bị mai một, đó là nghề làm chiếu tại làng Định Yên ở Đồng Tháp. Chính vì vậy, anh quyết định mang ngôi làng này lên màn ảnh rộng với hướng đi tái hiện, phục dựng giai đoạn vàng son, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của nơi đây đến công chúng.

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

“Lật mặt: Tấm vé định mệnh” quy tụ dàn diễn viên quen thuộc như: Quốc Cường, Trung Dũng, Thanh Thức, Diệp Bảo Ngọc, và một số diễn viên trẻ: Trần Kim Hải, Huỳnh Thi, Tú Tri, Quỳnh Như... Phim sẽ ra rạp từ 28/4, sẵn sàng cho dịp lễ 30/4 đúng như truyền thống công chiếu của loạt phim “Lật mặt” trước đây.

* Khai mạc Tuần lễ Thơ thiền Việt Nam lần đầu tiên tại thành phố Huế

Diễn ra từ ngày 25 đến 31/3, Tuần lễ Thơ tiền Việt Nam gồm các sự kiện chính như tọa đàm về thơ thiền Việt Nam; diễn xướng thơ thiền Việt Nam tại Nhà hát Duyệt Thị Đường; triển lãm thư pháp thơ thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán tại vườn Thiệu Phương, Đại nội Huế.

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt là triển lãm 2 bộ sách Thơ thiền Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, gồm tuyển tập Thơ thiền Lý-Trần tam ngữ (Hán-Việt-Anh) và tuyển tập Thơ thiền Lê-Nguyễn tam ngữ (Hán-Việt-Anh).

Triển lãm giới thiệu những bài thơ thiền tiêu biểu của các thời kỳ Lý-Trần và Lê-Nguyễn qua bộ sách độc bản trên giấy dó khổ lớn, qua các ảnh bản và nghệ thuật tranh Trúc Chỉ. Bên cạnh những bài Thi Kệ tiêu biểu của các vị thiền sư Việt Nam, triển lãm còn giới thiệu một số bài thơ mang đậm chất thiền và cảm quan Phật giáo của các bậc quân vương, đại thần và thi nhân Việt Nam qua các thế hệ.

Đây là sự kiện văn hóa về thơ thiền đầu tiên mang tầm quốc gia được tổ chức tại Huế, với ý nghĩa “ôn cố tri tân” những lời hay ý đẹp của tiền nhân gửi gắm qua thơ thiền cổ điển.

* Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế qua đời ở tuổi 101

Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế - bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đã qua đời tối ngày 24/3 lúc 21 giờ 35 phút, thọ 101 tuổi. Thông tin được gia đình xác nhận.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (1922-2023) sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc thời nhà Nguyễn, trong đó “Công tôn nữ” là cách gọi cháu nội gái của tước Công. Bà là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm, người có công phò tá vua Hàm Nghi và Thành Thái. Gia đình bà Trí Huệ xưa kia nổi tiếng với nghề bốc thuốc cứu người.

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

“”Mệ“” Công Tôn Nữ Trí Huệ cầm trên tay sản phẩm trái dựa (gối tựa) cung đình Huế. (Ảnh: Journeys in Hue)

Năm 17 tuổi, bà vào Đại Nội học may vá thêu thùa giống như các Công tôn nữ khác, qua đó có cơ hội tiếp xúc với gối trái dựa – gối tựa tay phục vụ cho hoàng tộc. Trong thời gian 9 năm ở cung, bà vừa làm trái dựa, vừa may áo cho Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại). Vì tôn trọng, nhiều người gọi bà Trí Huệ là “mệ” (cách gọi mẹ theo phương ngữ các vùng từ Thanh Hóa vào Huế). Qua hàng chục năm lịch sử, bà trở thành người hiếm còn biết và giữ được những kỹ thuật làm một chiếc gối tựa cung đình xưa đồng thời còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử cung đình đặc sắc.

Con gái của bà - cô Bùi Thị Ngọc Điểm - từng chia sẻ mẹ mình đã có nửa đời người gắn với chiếc gối cung đình. Vì vậy, “mệ” luôn mong ước dạy nghề làm gối trái dựa cho nhiều người, dù miễn phí cũng dạy, bởi sợ khi bản thân qua đời sẽ không còn ai làm việc này. Để thực hiện di nguyện ấy, gia đình cũng cho biết sẽ sẵn sàng giúp đỡ để gìn giữ và phát huy nghề cho bất cứ ai trên khắp cả nước. Đã có nhiều bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành tìm đến bà Công Tôn Nữ Trí Huệ và thực hiện nhiều dự án nối dài di sản văn hóa liên quan.

* Người mẫu khuyết tật trình diễn áo dài từ vải vụn gây ấn tượng ở Hội An

Những tà áo dài được may từ những mảnh vải vụn do các người mẫu khuyết tật trình diễn bên không gian thơ mộng của sông Hoài, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vào chiều 25-3 đã thu hút đông đảo người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-3-2023

Các người mẫu đủ mọi lứa tuổi, mang trên mình những trang phục độc đáo, mang tính ứng dụng và thẩm mĩ. Ảnh: Minh Hải

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2023 tại TP. Hội An, tại cung đường Bạch Đằng ở khu vực phố cổ Hội An đã diễn ra sự kiện trình diễn BST Thời trang tái chế “O Collection”- Một giờ Trái Đất đặc biệt.

Chương trình được tổ chức bởi Phòng Tài nguyên – Môi trường TP Hội An, CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club), phối hợp cùng Hội LHPN phường Cẩm Nam, mô hình kinh doanh tái chế Cửa tiệm Hạnh Phúc, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (CORMIS), đơn vị sản xuất âm nhạc SPICE Records và thương hiệu thời trang Miukstyle-shop tổ chức.

Sự kiện thu hút cả ngàn du khách trong và người nước đến thưởng thức và cổ vũ khích lệ, cũng như sự cảm động khi chứng kiến những người mẫu trình diễn là các chị em khuyết tật. Tất cả người trình diễn đều đến từ Cửa tiệm Hạnh Phúc và CORMIS. Những người mẫu khuyết tật trình diễn trang phục áo dài, áo bà ba truyền thống được may từ vải thừa, vải cũ.

Các người mẫu đủ mọi lứa tuổi, mang trên mình những trang phục độc đáo, mang tính ứng dụng và thẩm mĩ; qua đó, truyền tải thông điệp về sự trao quyền cho cộng đồng các nhóm yếu thế tham gia vào việc bảo vệ môi trường, lan toả những thông điệp nhân văn và ý nghĩa, tạo tác động tích cực trong cộng đồng.

Cảm hứng của bộ sưu tập “O Collection” cũng được lấy từ môn nghệ thuật Kintsugi – bộ môn nghệ thuật cổ xưa của người Nhật biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng thực sự giúp bảo vệ môi trường và đưa trái đất thành hành tinh xanh trong tương lai. Buổi trình diễn chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ gây ấn tượng mạnh và cả xúc động lẫn ngưỡng mộ với du khách trong và ngoài nước chứng kiến.

Lan Phương (tổng hợp)


Lan Phương (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]