11:34 16/09/2023 GMT+7
(vhds.baothanhhoa.vn) - Than vãn nối tiếp than vãn đang diễn ra, được lặp đi lặp lại một cách đều đặn đến mệt mỏi. Tất cả gọi nó là "virus FIFA" và nó xuất hiện mỗi khi có kỳ nghỉ thi đấu quốc tế. 

“Virus FIFA” hay “virus CLB”?

Than vãn nối tiếp than vãn đang diễn ra, được lặp đi lặp lại một cách đều đặn đến mệt mỏi. Tất cả gọi nó là “virus FIFA” và nó xuất hiện mỗi khi có kỳ nghỉ thi đấu quốc tế.

“Virus FIFA” hay “virus CLB”?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

1. Không biết ổ dịch này có từ bao giờ. Nhưng nó luôn mang đến những lo lắng, thậm chí là ức chế, cho các CLB chủ quản. Bởi lẽ, tập trung lên đội tuyển đều là những ngôi sao sáng nhất. Nên, chỉ cần rủi ro xảy đến, cũng đủ khiến các CLB chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ngay ở đợt tập trung đội tuyển cho lần này thôi, “virus FIFA” tiếp tục tàn phá các đội bóng lớn. Arsenal phải chắt chiu từng điểm số, để bám đuổi Man City. Nhưng mới nhất, với đợt tập trung lên tuyển Anh đã khiến “Pháo thủ” mất đi ngôi sao sáng giá, Bukayo Saka. Ông lớn khác ở EPL là Liverpool cũng phải “méo mặt”, với những trường hợp chấn thương của Darwin Nunez, Ibrahima Konate. Bên cạnh những chấn thương về thể chất thuần tuý, chấn thương tâm lý cũng mang lại hậu quả dữ dội không kém, như những trường hợp của Gundogan hay Lewandowski, khi tuyển quốc gia của họ nhận những trận thua muối mặt.

Mà cũng chưa cần nói đến chấn thương, việc các cầu thủ phải di chuyển quãng đường rất dài, đặc biệt là đối với các cầu thủ Nam Mỹ, cũng khiến nguồn thể lực của họ cạn kiệt. Và khi về đến CLB chủ quản, họ đương nhiên phải cần thêm thời gian, để “sạc đầy pin”.

Động thái của FIFA, UEFA trong vài năm qua, cũng khiến các CLB cảm thấy nóng mặt. Đầu tiên là sự ra đời của giải đấu UEFA Nations League. Dù với mục đích nhằm tăng tính cạnh tranh cho cho cuộc đua đến chiếc vé tham dự Euro, nhưng đối với rất nhiều người, đây là giải đấu vô bổ. Tiếp nữa, World Cup 2026 sẽ tăng số thành viên đội tuyển tham dự lên con số 48, đồng nghĩa với số trận thi đấu, thời gian thi đấu, sẽ nâng lên rất nhiều.

“Virus FIFA” hay “virus CLB”?

Nations League bị nhiều các CLB phản đối. Nguồn: Getty.

UEFA, FIFA đang đẩy giới hạn thể lực cầu thủ lên mức mới. Và có thể sắp tới, sẽ có thuật ngữ mới thay thế cho “virus FIFA” - “đại dịch FIFA” chăng?.

2. “Nếu thấy đội tuyển quốc gia vô giá trị, hãy loại bỏ. Chúng tôi cũng mất các cầu thủ từ phía CLB của họ”. Del Bosque, thời cầm đội tuyển Tây Ban Nha, đã trợn mắt, phồng má nói với tờ ESPN, khi bị các CLB than vãn vì những chấn thương của các cầu thủ lúc lên tuyển.

Bỏ qua những cảm xúc có phần cá nhân, thì lục lại lời phát biểu của cựu HLV đội tuyển Tây Ban Nha khiến rất nhiều người phải vỡ nhẽ. Thậm chí, nó bẻ cong tư duy, suy nghĩ của không ít người, đặc biệt là những ai lâu nay chỉ biết than vãn câu chuyện “virus FIFA”.

Ở các ngày hội thể thao lớn, luôn có một chủ đề đi kèm: Những cầu thủ lỡ hẹn với Euro hay World Cup. Diễn giải cụ thể ra, đó là do những chấn thương gặp phải tại CLB, nên các cầu thủ đã phải lỡ dở với ngày hội thể thao lớn. Tức từ việc thi đấu cho CLB chủ quản đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến đóng góp ở đội tuyển quốc gia. Và nếu thế, có thể gọi là virus CLB, hay virus các giải vô địch quốc gia được không nhỉ?, giống như cái cách lâu nay vẫn gọi là virus FIFA.

“Virus FIFA” hay “virus CLB”?

Luôn có một đội hình rất mạnh lỡ dở với World Cup vì chấn thương.Nguồn: thanhnien.vn.

Phải nói thêm, đối với đội tuyển quốc gia, cầu thủ chấn thương là mất mát cực lớn. Bởi lẽ, khác với các CLB, ở đội tuyển quốc gia không có những kỳ chuyển nhượng để bổ sung nhân lực, và lại, thời gian tập trung của đội tuyển cũng là rất ngắn.

Vấn đề kế tiếp, xét về cường độ làm việc, thì thời gian chơi bóng ở CLB lớn hơn rất nhiều so với đội tuyển, tức rủi ro chấn thương ở CLB lớn hơn so với ở đội tuyển. Và lại, không phải mình các giải đấu cho đội tuyển mở rộng quy mô, tần suất, mà ngay cả giải đấu ở cấp CLB, điển hình như Champions League cũng mở rộng số đội tham dự.

Câu chuyện ở đội tuyển Anh là ví dụ điển hình. Lâu nay chúng ta vẫn hay nói, cường độ thi đấu cao ở giải Ngoại hạng là nguyên nhân chính khiến đội tuyển Anh thường thi đấu thiếu ấn tượng tại các ngày hội thể thao lớn. Vậy, đây có phải lỗi cho cách làm bóng đá ở cấp CLB.

Và phải khẳng định lại một lần nữa, khoác lên mình màu áo của đội tuyển quốc gia là trách nhiệm, cũng là vinh dự rất lớn, mà không phải cầu thủ nào cũng có được.

Thực ra, cái tít mà người viết đặt ra: “virus FIFA” hay “virus CLB”?, và sự mâu thuẫn giữa phần 1 với phần 2, không có chủ ý muốn đẩy suy nghĩ của người đọc đến câu chuyện rằng nên đứng về phía CLB hay đứng về phía đội tuyển quốc gia. Điều quan trọng ở đây, làm phải tìm biện pháp để bảo vệ cầu thủ khỏi những chấn thương, bởi năng lượng của con người có hữu hạn. Và từ đó, cũng cân đối giữa trách nhiệm với CLB và trách nhiệm với đội tuyển quốc gia. Muốn đạt được những yêu cầu trên, lẽ đương nhiên, giải pháp phải được thực hiện từ hai phía.

Nhưng, với suy nghĩ một chiều, theo kiểu “virus FIFA” hay “virus CLB”, thì sẽ không bao giờ tìm được sự thống nhất, để đưa ra giải pháp hiệu quả, tức chẳng thể tìm ra một loại vacxin nào, giúp tăng sức đề kháng cho cầu thủ, chống chọi lại với con virus này cả.

Thắng Nguyễn


Thắng Nguyễn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]