(vhds.baothanhhoa.vn) - Những quả bóng bưởi, bóng cuộn bằng vải và giấy vụn rồi bóng nhựa, bóng da cứng như quả dừa khô; những trận bóng trên cánh đồng còn trơ gốc rạ, ở bãi chăn bò, sân kho... Đó là một phần “tuổi thơ dữ dội” của biết bao người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngẫm từ quả bóng bưởi

Những quả bóng bưởi, bóng cuộn bằng vải và giấy vụn rồi bóng nhựa, bóng da cứng như quả dừa khô; những trận bóng trên cánh đồng còn trơ gốc rạ, ở bãi chăn bò, sân kho... Đó là một phần “tuổi thơ dữ dội” của biết bao người.

Ngẫm từ quả bóng bưởi

Kể lại chuyện xưa với cu con học tiểu học, nó bảo con xem YouTube biết rồi, bố ngày xưa sướng thật đấy. Hỏi sao sướng, con có bóng da xịn, có giầy đẹp, có quần áo cầu thủ bảnh chọe..., chẳng sướng thì thôi. Nó làu nhàu, nhưng bọn con có chỗ nào mà đá bóng. Đá trong sân thì vỡ chậu, gãy cây, ông bà mắng cho. Mang bóng ra đường đá thì bố mẹ không cho vì xe cộ. Lên khu di tích thì ông bảo vệ cấm...

Thế cả khu thể thao rộng mênh mông đấy thôi?. Ở đấy cũng không được đâu bố ơi. Trong nhà thi đấu thì mọi người đánh cầu lông. Bên ngoài thì sân tennis với bóng chuyền hơi. Bọn con mang bóng đến đá thì bị người lớn quát, bảo vướng chân, mang ra chỗ khác chơi. Mà có chỗ nào nữa đâu?.

Thế trên trường?. Càng không được bố ơi. Các cô giáo cấm chơi bóng vì có mấy bạn đá bóng bị trầy xước chân, tay. Với lại, các cô sợ đá bóng làm vỡ cửa kính. Bọn con cuộn bóng bằng giấy vụn để đá cũng bị cấm, sau rồi đá bằng vỏ lon sữa cũng bị cấm luôn nữa là.

Nghe cu con phân bua mà thấy tội cho nó với cả lũ trẻ con gần chục đứa trong khu phố. Quả là cả cái thị trấn huyện, không tìm đâu ra một sân chơi đủ rộng, đủ an toàn cho lũ trẻ. Không chỉ bóng đá, chúng thiếu cả không gian và các điều kiện vật chất tối thiểu để thỏa sức bày vẽ ra các trò chơi nhắng nhít của tuổi thơ, từ đuổi bắt, nhảy dây, búng bi... cho đến các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn.

Cách trung tâm thị trấn chừng hơn 1km, có một sân bóng đá cỏ nhân tạo. Thế nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng có thời gian đưa con đến vào mỗi buổi chiều, để thỏa đam mê của con với quả bóng. Chưa kể, sân bóng vào cuối buổi chiều kín lốt, không có chỗ dành cho chúng.

Đây chắc hẳn không chỉ là chuyện của riêng khu phố tôi. Người Việt Nam yêu bóng đá và tình yêu đó được nhen nhóm từ thuở ấu thơ, trong những ánh mắt trong veo và khi tâm hồn thuần khiết nhất. Có biết bao đứa trẻ từng mơ ước, khao khát được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, được thi đấu trên những sân bóng nhuộm đỏ quốc kỳ và âm hưởng của lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...” dội lên từ lồng ngực. Thế nhưng chẳng mấy đứa trẻ được chăm bẵm cho giấc mơ, được gói ghém hành trang với quả bóng để bước vào tương lai.

Lý do thì vô cùng, từ thiếu hệ thống tuyển chọn, phát hiện và đào tạo từ cơ sở, sự nghèo nàn về cơ sở vật chất phục vụ thể thao cộng đồng và trên hết là tư duy của gia đình - nhà trường - xã hội đối với việc phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu cho con em mình...

Và không chỉ với bóng đá, có biết bao đứa trẻ có năng khiếu và yêu thích âm nhạc, hội họa, thể thao - hơn cả những con số và bài văn khuôn sáo..., song luôn phải chịu áp lực phải học giỏi và... học thật giỏi từ phía gia đình. Chừng nào điểm số và thành tích vẫn được coi là tấm vé thông hành vào tương lai; việc trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học... là niềm tự hào, còn bóng bánh, vẽ vời... chỉ là trò chơi giải trí, thậm chí vô bổ, mất thời gian - thì chừng ấy giấc mơ của con trẻ còn bị đóng chắc, khóa chặt trong cái lồng cũ kỹ của tư duy.

Có biết bao đứa trẻ, mơ có được một môi trường để trưởng thành như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải... Cần lắm sự lắng nghe, thấu hiểu từ cả gia đình, nhà trường và cộng đồng với những ước mơ của trẻ, dù ở tuổi còn ngô nghê.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]