(vhds.baothanhhoa.vn) - Chưa lâu sau sự kiện Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Mạnh Hùng nộp đơn từ nhiệm, một quan chức thể thao khác là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Xuân Gụ cũng có văn bản xin rút khỏi vị trí đương nhiệm - những động thái mà nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, người ta rất dễ nhầm tưởng ở ngôi nhà bóng đá Việt Nam đã và đang thịnh hành “văn hóa từ chức” - những mục từ chưa từng có trong “từ điển Liên đoàn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện thể thao: Những nẻo đường từ quan

Chưa lâu sau sự kiện Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Mạnh Hùng nộp đơn từ nhiệm, một quan chức thể thao khác là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Xuân Gụ cũng có văn bản xin rút khỏi vị trí đương nhiệm - những động thái mà nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, người ta rất dễ nhầm tưởng ở ngôi nhà bóng đá Việt Nam đã và đang thịnh hành “văn hóa từ chức” - những mục từ chưa từng có trong “từ điển Liên đoàn”.

Bàn về chuyện từ chức của lãnh đạo bóng đá nước nhà, trước hết, hãy xét các trường hợp: Cựu trưởng ban tổ chức V.League Dương Nghiệp Khôi; 2 cựu Tổng thư ký Liên đoàn: Phạm Ngọc Viễn và Trần Quốc Tuấn.

Lá đơn của ông Khôi xuất hiện vào V.League 2008 - mùa giải mà làng cầu quốc nội dính phải “điểm đen không thể gột rửa” khi một cổ động viên tử vong trên sân Vinh. Trước sự phẫn nộ của dư luận do những bất cập trong công tác tổ chức, cực chẳng đã, vị Trưởng giải họ Dương buộc phải viết đơn từ nhiệm. Chiếc ghế Trưởng giải thời “hậu Dương Nghiệp Khôi” qua tay lần lượt các ông Nguyễn Hữu Bàng, Trần Quốc Tuấn rồi lại trở về đúng tay ông Khôi sau đó vài năm. Đến năm 2012, một lần nữa ông Khôi lại mất chức.

Điều đáng phải bàn xung quanh việc 2 lần “ngã ngựa” chính là sau khi từ chức, ông Khôi không những không bị thất sủng mà hơn một lần còn được cơ cấu vào chức vụ cao hơn (Phó Chủ tịch VFF). Đây cũng là kịch bản dành cho các cựu Tổng thư ký Liên đoàn Phạm Ngọc Viễn: Từ chức năm 2005 vì VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng với HLV Christian Letard, để vị HLV này kiện lên FIFA và VFF phải đền bù vài tỷ đồng. Ông Trần Quốc Tuấn thì xin rút lui vì thất bại của đội U23 Việt Nam ở SEA Games 26... Ấy thế nhưng, ngay sau đó, các ông Phạm Ngọc Viễn, ông Trần Quốc Tuấn đều được “tín nhiệm” bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn.

Điều này khiến người hâm mộ có cảm giác, chuyện từ chức của các quan chức bóng đá nước nhà thực ra chỉ là “chiêu trò” để đối phó với dư luận, tạm lùi một bước chờ “giông bão” qua đi sẽ “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Dạng thức thứ hai chính là các trường hợp Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Gụ - những cá nhân đang gây “nổi sóng” làng cầu quốc nội những ngày qua mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết.

Như chúng ta đã biết, chỉ ngay sau khi scandal Phó chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ ở cùng khách sạn tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với 1 phụ nữ trẻ bị phanh phui, VFF đã nhận được lá đơn từ chức từ chính đương sự. Còn trước đó không lâu, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Trần Mạnh Hùng cũng dính phốt “chửi bới văng mạng trong Hội nghị” và buộc phải từ quan khi cuộn băng ghi âm bị phát tán.

Xét cương vị hiện tại và chuyển động làng bóng nước nhà những ngày gần đây, người ta chưa thấy yếu tố “trách nhiệm” hay sự “dũng cảm” trong hành vi từ chức của 2 ông: Nguyễn Xuân Gụ, Trần Mạnh Hùng. Việc rút lui của họ đơn thuần chỉ là việc chẳng đặng đừng và không có sự lựa chọn nào khác: nếu họ không từ chức thì cũng chẳng có cửa để được bầu hay tái cử tại Đại hội VIII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sắp tới.

Nói cách khác, hai lá đơn từ chức nói trên chỉ là động thái bất đắc dĩ, từ bỏ vị trí sẽ tuột khỏi tầm tay và không còn khả năng níu giữ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện từ chức của các quan chức bóng đá ở ta rất phong phú và đa dạng về cách thức, nguyên nhân nhưng không có một ai rút lui vì “không có đủ năng lực và trình độ để hoàn thành trách nhiệm”. Trong mẫu số chung ấy, dường như ông bầu Đoàn Nguyên Đức - quan chức Liên đoàn hiếm hoi từ bỏ cương vị đang đảm nhiệm do thành tích đội bóng áo đỏ bất xứng kỳ vọng - là ngoại lệ.

Mà một khi chuyện từ chức không xuất phát từ động cơ “sám hối thực sự” thì một mai nếu có thêm nhiều vị lãnh đạo VFF từ nhiệm, đấy cũng chẳng phải là những điểm sáng tích cực của các quan chức bóng đá!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]