[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Với biệt danh “Độc cô cầu bại nhờ thành tích vô địch SEA Games 5 lần liên tiếp, Nguyễn Văn Hùng là võ sỹ Taekwondo nổi tiếng bậc nhất qua các thời kỳ của Việt Nam.

Với biệt danh “Độc cô cầu bại nhờ thành tích vô địch SEA Games 5 lần liên tiếp, Nguyễn Văn Hùng là võ sỹ Taekwondo nổi tiếng bậc nhất qua các thời kỳ của Việt Nam.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

“Độc cô cầu bại” Taekwondo Nguyễn Văn Hùng bắt đầu sự nghiệp thể thao của mình ở môn bóng chuyền khi được người quen giới thiệu vào đội bóng chuyền năng khiếu của trường Thể dục thể thao tỉnh Thanh Hoá. Đó là năm 1994, khi ấy, Nguyễn Văn Hùng còn chưa tròn 14 tuổi, đã sở hữu thân hình “ngoại cỡ” với chiều cao lên tới 1m76.

“Ở thời điểm ấy, cứ có chiều cao vượt trội là người ta nghĩ đến việc tham gia bộ môn bóng chuyền, chứ không như bây giờ, chiều cao tốt là lợi thế của gần như tất cả các môn”, Nguyễn Văn Hùng chia sẻ. Ấy thế mà cũng chỉ khoảng 3 tháng sau khi gia nhập đội bóng chuyền, Nguyễn Văn Hùng phải trở về quê bởi đội bóng chuyền bị chuyển giao, do không đủ kinh phí trang trải.

Nguyễn Văn Hùng trở lại với nhịp sống bình thường ở quê nhà Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), hằng ngày đi học rồi trở về phụ giúp gia đình công việc nhà. Bà Phạm Thị Lâm, mẹ anh kể: “Hùng là đứa con ngoan và chịu khó. Nó không nề hà bất cứ việc gì. Bố thường đi công tác xa, nên ngoài giờ học Hùng rất chăm phụ giúp công việc nhà.”

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Nguyễn Văn Hùng trở về nhà cũng chỉ được một thời gian ngắn thì được thầy Trịnh Đình Tuấn, khi đó là HLV của CLB Võ Thuật, về tận nhà đón anh trở lại tham gia tập luyện môn Taekwondo. Từ đó, Nguyễn Văn Hùng chính thức bắt đầu sự nghiệp vào năm 1996.

“Không ai nói trước là mình sẽ đi theo một nghề nào đố được. Với Hùng, đến với Taekwondo là cái duyên, là sự định đoạt mà cuộc sống dành cho mình”, “Độc cô cầu bại” ngẫm lại.

Cái duyên đã đưa một VĐV năng khiếu bóng chuyền ngày nào trở thành VĐV võ thuật. “Nghề chọn người, chứ người không chọn nghề”. Có thể Nguyễn Văn Hùng không chọn Taekwondo mà được cái nghề này chọn anh, nhưng chàng trai này đã chọn nỗ lực, chọn hy sinh rất nhiều vì con đường mà anh đã đặt chân vào.

Vào đầu năm 1997, chỉ khoảng một năm sau khi bắt đầu tập luyện, Nguyễn Văn Hùng đã giành được ngay tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp ở giải vô địch Taekwondo Hà Nội mở rộng.

Không lâu sau, vào tháng 6 – 1997, Nguyễn Văn Hùng tiếp tục giành HCV trong lần đầu tiên tham dự một giải đấu chính thức. Đó là HCV nội dung đối kháng 78kg của Hùng tại giải vô địch trẻ toàn quốc. Khi ấy, cả đội tuyển trẻ Taekwondo Thanh Hoá chỉ có mình Nguyễn Văn Hùng – 16 tuổi mang được HCV về cho tỉnh nhà.

Anh kể rằng: “Mình không thể nhớ rõ được cảm xúc khi ấy là gì. Chỉ nhớ rằng lúc đó mình chỉ biết cố gắng và cố gắng thật nhiều để giành chiến thắng thôi. Khi đó cũng chưa biết HCV có ý nghĩa như thế nào, chỉ biết thắng là thấy vui thôi.”

Chứng tỏ được năng lực như vậy, 3 tháng sau, Nguyễn Văn Hùng vinh dự trở thành VĐV duy nhất của Thanh Hoá tham dự giải vô địch Taekwondo toàn quốc tại TP. HCM. Năm đó, người dẫn Hùng đi thi đấu là HLV Trịnh Đình Long, ông còn bận ở công tác trọng tài nên không thể sát sao chỉ đạo Hùng ở thảm đấu.

Võ sỹ 16 tuổi năm ấy, mới có khoảng 1 năm tập luyện, lại không có người thầy của mình phía sau chỉ đạo thi đấu, nhưng anh vẫn để lại dấu ấn đậm nét tại giải đấu quốc nội lớn nhất của bộ môn. Nguyễn Văn Hùng kết thúc giải với tấm HCĐ ở nội dung 84kg. Chính thành tích này đã đưa chàng trai 16 tuổi năm đó đến với cánh cửa đội tuyển, nơi mà Hùng vẫn gọi đó là bước ngoặt của cuộc đời anh.

Năm 1998, Nguyễn Văn Hùng “thâu tóm” toàn bộ danh hiệu cấp quốc gia, đồng thời chính thức được góp mặt trong thành phần đội tuyển tham dự Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) 1998 tại Bangkok, Thái Lan. Một lần nữa, Nguyễn Văn Hùng lại chứng tỏ được tài năng hiếm có của mình khi giành được HCĐ ngay trong lần đầu tham dự một giải đấu cấp châu lục, khi còn chưa tròn 18 tuổi.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Nguyễn Văn Hùng và gia đình

Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, sau khi giành được tấm HCĐ tại Thái Lan, anh đã nhận được tổng cộng hơn 20 triệu tiền thưởng: “Đó là lần đầu tiên trong đời mình được nhận một số tiền lớn đến như vậy. Khi đó, mình đã khóc rất nhiều, vì mình nghĩ đến bố mẹ.”

Nguyễn Văn Hùng sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là viên chức nhà nước, đều rất vất vả để đủ kinh tế nuôi 3 anh em Hùng khôn lớn. Từ bé, điều kiện khó khăn đã cho Nguyễn Văn Hùng một nghị lực rất lớn để gia đình không phải vất vả nữa.

Trước đây, mẹ của “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng, bà Phạm Thị Lâm, từng kể: “Tôi thì cứ muốn Hùng theo nghề giáo viên như tôi và anh của nó, chứ chẳng nghĩ nó lấy thể thao làm nghề. Cái nghề gì mà cứ đấm đá huỳnh huỵch suốt ngày. Mỗi lần thấy con thi đấu trên ti vi là mỗi lần tôi như ngồi trên đống lửa. Xót lắm...”

Trong thể thao, để đạt được thành công rất cần yếu tố năng khiếu, nhưng chìa khoá để mở ra cánh cửa vinh quang cho mỗi VĐV lại nằm ở sự kiên trì, nỗ lực tập luyện. Nguyễn Văn Hùng là người như vậy. Rất nhiều đồng nghiệp công nhận sự quyết tâm không biết mệt mỏi của Hùng trong thể thao. Chính anh cũng tự khẳng định rằng mình có thể tập bằng 10 người bình thường tập luyện.

“Mình có thể tập ngày tập đêm, lúc nào cũng chỉ mong đến giờ đi tập. Hôm nào bị đau chân thì tập tay, hôm nào đau tay sẽ tập chân, ngày ốm thì tập kiểu bị ốm và khoẻ sẽ tập theo kiểu khoẻ. Mình không để bản thân được nghỉ ngơi một giây phút nào. Lúc nào trong đầu mình cũng chỉ có thể thao và tập luyện, không hề để một vấn đề nào khác ở trong đầu. Khi đó thì điện thoại không có, mạng xã hội không có, không hề có những thú tiêu khiển gì khác ngoài tập luyện”, Nguyễn Văn Hùng nói thêm.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Sự siêng năng chăm chỉ đã giúp Nguyễn Văn Hùng tiến bộ chóng mặt và đạt được nhiều thành tích đáng nể ở lứa tuổi của mình. Hùng cũng bật mí thêm rằng những thành quả mà anh đạt được không phải công sức của riêng mình anh mà còn nhờ rất nhiều vào sự dạy dỗ chỉ bảo của các HLV và sự giúp đỡ của các anh chị đi trước.

“Khi vào TP. HCM tập luyện cùng đội tuyển quốc gia, người thầy mà mình sợ nhất, cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với mình là thầy Trương Ngọc Để”, Nguyễn Văn Hùng nhớ lại. Khi đó, thầy Trương Ngọc Để là HLV trưởng đội tuyển Taekwondo quốc gia, nay là chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Trò chuyện với HLV Trương Ngọc Để, ông vẫn nhắc đến người học trò của mình là một trong những VĐV Taekwondo xuất sắc nhất Việt Nam qua các thời kỳ. HLV Trương Ngọc Để nói rằng: “Là một HLV, ai cũng muốn có được một học trò như Hùng: một chàng trai gương mẫu, lễ phép, tôn sư trọng đạo và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.”

Khi làm công tác chuyên môn, Trương Ngọc Để luôn tâm niệm mình luôn phải là tấm gương cho các học trò noi theo, một HLV võ thuật không chỉ dạy võ mà còn chỉ bảo cho trò mọi thứ: từ cách sống, kiến thức xã hội đến cách đối nhân xử thế. Mỗi học trò cũng đều được thầy quan tâm nhắc nhở những điều cần nhớ sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Với Hùng, HLV Trương Ngọc Để là người mà anh luôn trân quý: “Trong cuộc sống, có rất nhiều cạm bẫy, thầy giúp mình không đi sai lệch, giúp mình trở thành con người như bây giờ. Thầy không cần dùng roi vọt, cũng không phải nói nhiều, nhưng thầy đã khiến cho mình tự cảm thấy mình phải làm được những điều tốt nhất”, anh chia sẻ.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Năm 1999, Nguyễn Văn Hùng lần đầu tiên bước lên đỉnh vinh quang ở đấu trường SEA Games khi hạ knock - out đối thủ “sừng sỏ” đến từ Indonesia, người từng 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games trước đó. Bốn kỳ SEA Games tiếp theo, võ sỹ xứ Thanh đã làm nên thành tích không tưởng với kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch SEA Games (từ năm 1999 đến 2007).

Khi giành được HCV SEA Games lần đầu tiên, Nguyễn Văn Hùng được đầu tư nhiều hơn, có nhiều cơ hội đi tập huấn nước ngoài hơn. Bản thân anh cũng cảm thấy mình tự tin, cứng cáp và bản lĩnh hơn. Anh tự thấy rằng ở Đông Nam Á mình luôn phải đứng ở trên bục cao nhất.

“Mình luôn nghĩ rằng vô địch được lần đầu tiên rồi, thì để vô địch lần thứ hai, lần thứ ba sẽ còn cần cố gắng nhiều hơn nữa. Từ đó, trong đầu lúc nào cũng đau đáu rằng mình phải vô địch tiếp nữa để chứng minh rằng ở Đông Nam Á không có đối thủ nào có thể vượt qua mình”, Nguyễn Văn Hùng kể lại.

Sau lần hạ knock – out đối thủ kỳ cựu nhất Đông Nam Á thời điểm đó, Nguyễn Văn Hùng đã cảm thấy rất tự tin rằng mình sẽ là số 1 ở đấu trường SEA Games. Vì vậy, mục tiêu được đặt vào đấu trường danh giá hơn – đấu trường Olympic. Dẫu vậy, Olympic lại chính là điều nuối tiếc nhất trong sự nghiệp của “Độc cô cầu bại” Đông Nam Á khi võ sỹ này không thể một lần giành huy chương tại Đại hội thể thao thế giới.

“Những gì mình hy sinh cho thể thao nếu miêu tả bằng mồ hôi, nước mắt là chưa đủ, mình đã đổ máu rất nhiều cho thể thao. Thành quả đạt được nói xứng đáng hay không thì không thể tự đánh giá được, nhưng bản thân mình thấy hài lòng, mình hài lòng với những gì mình đã cố gắng và đã đạt được.”

Đằng sau thất bại của Nguyễn Văn Hùng ở kỳ Olympic 2008 tại Bắc Kinh là hành trình trở lại sau chấn thương không tưởng của chàng võ sỹ xứ Thanh.

Năm 2005, Nguyễn Văn Hùng tham gia giải cúp Hoàng Đế Amber ở Monaco, một giải đấu chuẩn bị cho Olympic 2008 ở Bắc Kinh. Đây là giải đấu mà Liên đoàn Taekwondo thế giới thử nghiệm giáp điện tử, VĐV không được đeo bảo vệ chân, khi thi đấu phải đá rất mạnh mới được tính điểm.

Ở trận đấu mà Nguyễn Văn Hùng đối đầu với đối thủ người Senegal, một tình huống tấn công khiến đầu gối của Hùng và đối thủ va chạm vào nhau rất mạnh đã khiến Nguyễn Văn Hùng bị đứt dây chẳng chéo sau. Khi đó, tất cả mọi người đều nghĩ sự nghiệp của “Độc cô cầu bại” Đông Nam Á sẽ phải kết thúc tại đây.

Ở các môn thể thao đối kháng, những chấn thương như gãy tay, vỡ sụn chêm, đứt dây chằng, chảy máu mũi,… là chuyện xảy ra không hiếm với các VĐV. Tuy nhiên, chấn thương liên quan đến dây chằng là loại chấn thương dễ dẫn đến việc phải giải nghệ nhất đối với các VĐV chuyên nghiệp.

Và khi Nguyễn Văn Hùng thi đấu trở lại được sau khi bị đứt dây chằng, tất cả mọi người gần như không tin vào mắt mình. Đó là năm 2007, “Độc cô cầu bại” đi vào lịch sử với lần thứ 5 liên tiếp vô địch SEA Games.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Trong khoảng thời gian tập luyện cùng đội tuyển quốc gia ở TP HCM, Nguyễn Văn Hùng đã có cơ hội tập luyện bóng rổ nhằm nâng cao thể lực và sức mạnh. Thật tình cờ, bộ môn bóng rổ vốn không mấy phát triển ở thời điểm những năm 1999 – 2000 lại trở thành một niềm đam mê lớn đối với Nguyễn Văn Hùng.

Anh từng kể: “Trước đây, HLV bảo chúng tôi tập bóng rổ như một bài tập bổ trợ. Hầu như mỗi ngày đội đều chia ra chơi bóng rổ khoảng một giờ. Trong khi mọi người chỉ xem đó như một bài tập thì tôi lại ngày càng thích bóng rổ. Tôi nghĩ bóng rổ và Taekwondo tuy khác nhau về hình thức thi đấu nhưng phương thức tập luyện, rèn luyện nền tảng thì lại tương tự nhau.”

Niềm đam mê bóng rổ ngày một lớn dần giúp Nguyễn Văn Hùng tiếp tục làm nên điều đặc biệt đối với thể thao, khi anh trở thành VĐV đại diện cho Việt Nam thi đấu tại đấu trường SEA Games ở hai bộ môn hoàn toàn khác nhau: Taekwondo và bóng rổ.

[E-Magazine] - “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng: Mồ hôi, máu và nước mắt đổi lấy vinh quang

Nguyễn Văn Hùng và bóng rổ.

“Ở thời của tôi bóng rổ chưa phát triển để mình có thể chạy theo đam mê đó. Tuy nhiên, tôi không hề hối tiếc sau những gì đã cống hiến, bởi Taekwondo đã nuôi dưỡng cả sự nghiệp của mình, tất cả là nhờ có Taekwondo”, Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Sự nghiệp thể thao của Nguyễn Văn Hùng đến nay đã kéo dài 27 năm. Cho đến năm 2020, Nguyễn Văn Hùng vẫn đang là thành viên của Danang Dragons tham dự giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA 2020.

Hiện nay, “Độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng đang là trưởng bộ môn Taekwondo Thanh Hoá với nhiệm vụ quan trọng nhất là đào tạo ra những VĐV giỏi, mang thành tích về cho thể thao tỉnh nhà, cũng như cho đất nước.

Hai năm gần đây, bộ môn Taekwondo đang gặp nhiều khó khăn về thành tích khi nhiều VĐV dày dạn kinh nghiệm hơn đã giải nghệ hoặc chọn cho mình hướng đi khác. Đây còn là bộ môn có tính cạnh tranh cao trên cả nước, vì vậy, Nguyễn Văn Hùng cho biết bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tập trung vào công tác đào tạo trẻ để từng bước cải thiện thành tích cho tỉnh nhà.

Là một VĐV, HLV đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm, có cả vinh quang, có cả đau đớn cùng với thể thao, Nguyễn Văn Hùng muốn gửi gắm tới các bạn trẻ, đặc biệt là các VĐV trẻ: “Nếu đã xem thể thao là nghề, hãy cống hiến, hãy hy sinh và phải dám hy sinh gấp bội phần nếu so với ngành nghề khác. Thành tích có tốt hay không, tất cả là nhờ vào bản thân mình.”

Hoàng Sơn

Xuất bản: 0:28:03:2021:17:32

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Hoàng Linh - 19:06 28/03/21

 Trả lời

Quá hay và ý nghĩa

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM