(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp, ở nhiều phân khúc của thị trường, các lực lượng thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định thị trường.

Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng: “Cuộc chiến” chưa có hồi kết

Bài cuối: Vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp, ở nhiều phân khúc của thị trường, các lực lượng thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định thị trường.

Bài cuối: Vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải phápCán bộ quản lý thị trường thanh kiểm tra một cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh gắn công tác quản lý địa bàn với phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách đưa hàng Việt về nông thôn; các hội chợ, các hoạt động bán hàng đa cấp để buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng không bảo đảm chất lượng.

Thông qua kiểm tra, kiểm soát (từ ngày 25-12-2019 đến 25-12-2020), lực lượng QLTT Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 144 vụ hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 993,3 triệu đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2021 đã xử phạt 38 vụ vi phạm hành chính với 282 triệu đồng.

Đáng nói, trong số các vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý trên, số vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu chiếm tỷ lệ cao. Năm 2020, có 111 vụ giả mạo nhãn hiệu trong tổng số 144 vụ vi phạm; 3 tháng đầu năm 2021, con số này là 35 vụ trong số 38 vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý.

Điển hình ngày 28-2-2020, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Công Thành Phát, có địa chỉ tại 27 Nguyễn Trinh Tiếp, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính số tiền 213 triệu đồng với 2 hành vi: Giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa. Số hàng giả mạo, buộc tiêu hủy 130 bộ thiết bị vệ sinh giả mạo nhãn hiệu Viglacera, Inax, Cotto.

Mới đây nhất, ngày 10-3-2021, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện Công ty TNHH Tiến Hà sản xuất bánh kẹo ở địa chỉ khu phố mới, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) về hành vi đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Hành vi này bị xử phạt 40 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 2.000 vỏ bao bì gắn dấu hiệu “sahute và hình”...

Có thể thấy, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái giả mạo nhãn hiệu thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định thị trường, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các hoạt động liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp và thay đổi phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trên tất cả các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.

Hàng giả và hàng vi phạm SHTT được sản xuất rất tinh xảo, bằng mắt thường rất khó phân biệt. Bên cạnh đó, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng gia tăng nhưng các quy định, biện pháp, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Không những vậy, nhiều sản phẩm mà chủ thể doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, e ngại việc phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu. Điều này đã làm phức tạp hơn và gia tăng một cách nghiêm trọng hơn các hành vi xâm phạm thương hiệu. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng chưa thể phân biệt được các mặt hàng bị xâm phạm quyền SHTT, từ đó vô tình “tiếp tay” cho các hành vi vi phạm, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xu hướng phát triển loại hình kinh doanh thương mại điện tử, nhất là thông qua mạng xã hội facebook, zalo tại Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng tiếp tục gia tăng, có thể phát triển lên tới 30 - 40% tổng giao dịch hàng hóa như mức trung bình của thế giới. Đây sẽ là môi trường phát sinh, gia tăng các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm SHTT. Các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những đối tượng này thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này, tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ để kinh doanh các mặt hàng vi phạm và tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin. Đồng thời, lợi dụng vận chuyển hàng hóa qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, trong điều kiện lực lượng chức năng mỏng và thiếu trang thiết bị hiện đại, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa hoàn thiện; một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa đồng bộ... là những khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã cùng với lực lượng công an phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Lê Thế Anh Phó Cục QLTT tỉnh, cho biết: “Trên cơ sở ban hành các kế hoạch chuyên đề, công văn chỉ đạo các lĩnh vực theo dõi cụ thể, Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc nắm bắt mọi biến động của các đối tượng; chủ động xây dựng kế hoạch để phối hợp, huy động lực lượng điều tra trinh sát, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Đồng thời, chú trọng tổ chức các hoạt động trưng bày hàng giả, hàng “nhái” tại một số hội chợ, nơi tập trung đông dân cư để giúp người tiêu dùng nhận biết các dấu hiệu hàng hóa vi phạm SHTT. Từ đó, phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm minh với hàng hóa vi phạm SHTT.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các kế hoạch, triển khai nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và chính quyền cơ sở các cấp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng; mở các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]