(vhds.baothanhhoa.vn) - Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập vào ngày 29/7/1930, chỉ sau năm tháng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân tỉnh ta nửa đầu thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son chói lọi trong phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong 90 năm xây dựng và phát triển: Dấu ấn qua các thời kỳ

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập vào ngày 29/7/1930, chỉ sau năm tháng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân tỉnh ta nửa đầu thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son chói lọi trong phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Hóa.

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã phải đương đầu trước sự truy lùng, vây hãm và khủng bố gắt gao của mật thám và tay sai; Đảng bộ tỉnh đã nhiều lần bị chính quyền thực dân phong kiến tiến hành khủng bố trắng, hầu hết cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng cách mạng bị giặc bắt và tù đầy. Về mặt tổ chức, có thể nói Đảng bộ bị tan rã, nhưng mục đích lý tưởng của Đảng đã thấm sâu vào từng con tim, khối óc của quần chúng cách mạng, nhờ sự giác ngộ, quần chúng đã tự nguyện đấu tranh khôi phục lại Đảng bộ, phấn đấu trở thành đảng viên, chiến đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng thắng lợi. Trong thời gian này, tinh thần của những chiến sỹ cộng sản trung kiên không chịu khuất phục, vẫn một lòng son sắt trung thành với Đảng, dựa vào dân để hoạt động, liên tục đấu tranh để khôi phục lại Đảng bộ. Kết quả, qua một quá trình bền bỉ đấu tranh và quyết tâm thì tháng 3 năm 1934, Đảng bộ Thanh Hóa được phục hồi, tiếp tục lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh chống phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới, chống áp bức bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939). Năm 1941, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được thành lập, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc, chuẩn bị mọi mặt, khi thời cơ đến, lãnh đạo toàn dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lại dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vừa kháng chiến, vừa "xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu" là "hậu phương" của cuộc kháng chiến. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ trong lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa (20/2/1947), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa quyết tâm phấn đấu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân phát triển toàn diện tạo ra tiềm lực vật chất cũng như tinh thần để cung cấp, động viên các chiến trường đang chiến đấu. Cùng với nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, quân và dân Thanh Hóa tổ chức chiến đấu bảo vệ tiềm lực hậu phương, đập tan các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch từ mọi hướng vào Thanh Hóa như "hành lang Đông - Tây", "phòng tuyến Sông Mã", giải phóng miền Tây, bảo vệ vững chắc hậu phương trong mọi tình huống, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vinh dự và tự hào được Bác Hồ khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu thì tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, thì đồng bào Thanh Hóa có phần vinh dự đến đó".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử lại đặt ra cho toàn Đảng, trong đó có Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa cùng cả nước tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Là địa phương thuộc miền Bắc, Thanh Hóa vừa tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm tạo ra tiềm lực vật chất, tinh thần to lớn đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hậu phương, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường giành thắng lợi.

Cầu Hàm Rồng lung linh về đêm, nơi ghi dấu chiến công của quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ.

Hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải tập trung khôi phục kinh tế, "hàn gắn vết thương chiến tranh", vừa lo chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, đồng thời trực tiếp chiến đấu để bảo vệ đất nước, quê hương thân yêu. Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến của Mỹ. Những địa danh như Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu không cân sức với đế quốc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm "hậu phương lớn" của mình, tiễn đưa hàng vạn người con thân yêu lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có nhiều người anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu trong chiến trường,... Những đóng góp và hy sinh đó đã góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào năm 1975.

Sau chiến tranh (1975 - 1985), cùng với cả nước, một lần nữa Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, đẩy lùi sự bao vây cấm vận phá hoại của các thế lực thù địch, chi viện cho các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi có tính chiến lược và để lại lịch sử mãi mãi cho mai sau, như: Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng,... được xây dựng bằng lao động thủ công và sự đóng góp của nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế tỉnh đã tập trung xây dựng lại hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá, các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội, văn hóa - xã hội phát triển; kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng hệ thống phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đập tan chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực của địa phương, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khơi dậy được tiềm năng lao động sáng tạo trong nhân dân, làm cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các mặt công tác khác của Đảng bộ.

10 năm (1986-1995) tiến hành sự nghiệp đổi mới trong tình thế đất nước bị bao vây, cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch, nhưng Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vẫn kiên định, vững vàng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xác lập và từng bước hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo định hướng của Đảng, xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, có tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thực hiện công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

15 năm (1996 - 2010) tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà đẩy lùi khó khăn, thách thức, chớp lấy thời cơ, vận hội, tạo đà phát triển kinh tế góp phần đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo giảm (từ 50,2% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ xuống còn 14,85% theo tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người tăng (năm 1991 là 172 USD/ người đến năm 2010 đã đạt là 810 USD/người).

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.

Giai đoạn (2010 - 2020), từ việc vận dụng, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo hiệu quả các định hướng lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nổi bật trên một số lĩnh vực: (I) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt 10,3%; trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 8,1%, giai đoạn 2016-2020 tăng 13,6%. Chỉ tính riêng, năm 2019, lần đầu tiên trong 10 năm gần đây (2010-2020), tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu của tỉnh đề ra đều vượt và hoàn thành kế hoạch; nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD (năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 3,3 lần năm 2010 và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ); cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc; ước năm 2020, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, 335 xã (sau sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 623 thôn, bản (sau sáp nhập) đạt chuẩn NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 68,09%, bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã, tăng 12,8 tiêu chí so với năm 2010, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất cả nước; đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, các chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đều có bước tăng cao và nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; huy động vốn đầu tư phát triển đạt đến 125.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khai thác, vận hành hiệu quả, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhiệt điện Nghi sơn 1; Khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC tại Sầm Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa; Nhà máy Thép Nghi Sơn; Thủy điện Cẩm Thủy 1, Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis; Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực...(II) Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng rõ rệt: đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm thực hiện; công tác bảo tồn phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng được quan tâm đúng mức và đạt kết quả chuyển biến nổi bật qua các giai đoạn, di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh liên tục được triển khai nhiều nhiệm kỳ và đạt được nhiều tiến bộ; tư duy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn của tỉnh có nhiều thay đổi trong nhận thức và thực hiện đã có tác động lớn đến thu hút sự quan tâm của bạn bè trong nước, quốc tế, có tác động tích cực nhiều mặt đến sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt là một số sự kiện gần đây như: các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, với chủ đề “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác”, nổi bật là những thành tựu Thanh Hóa thực hiện lời di huấn của Người “...tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu...”; sau nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định được năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa và đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo được sức lan tỏa lớn trong xã hội. Sau nhiều thập kỷ phấn đấu, đến nay giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu đáng tự hào đó là: mạng lưới trường lớp học ngày càng được hoàn thiện; cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 72,7%; trước năm 1996 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có bậc đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp đến nay trên đã bàn tỉnh đã có 4 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp... Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao trong nhiều năm qua luôn đứng ở trong tốp đầu cả nước (tính đến nay học sinh các thế hệ của Trường THPT chuyên Lam Sơn đã giành được 54 huy chương vàng, bạc, đồng tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực châu Á; riêng năm 2019 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc Olympic quốc tế, thể thao thành tích cao giành 477 huy chương (135 huy chương Vàng) tại các giải đấu quốc gia và quốc tế; đội bóng đá U17 giành chức vô địch tại Giải bóng đá U17 toàn quốc...). Hiện nay, toàn tỉnh có 6 bệnh viện trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương; nhiều kỹ thuật mới, hiện đại đã được áp dụng vào khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh (iii) Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. (iv) Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả và thành tích quan trọng; là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố theo các nghị quyết của Trung ương; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp được nâng lên.

Phát huy những thành tựu đạt được trong 90 năm qua, với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ tỉnh ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

TS. Nguyễn Văn PhátỦy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]