(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, hàng vạn hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi.

Đồng vốn giảm nghèo

Trong những năm qua, hàng vạn hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi.

Đồng vốn giảm nghèoĐược vay vốn của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vươn lên thoát nghèo.

Cùng đoàn cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Như Xuân, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ. Anh Cường vui vẻ kể: "Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH từ chương trình tín dụng đối với hộ nghèo. Với nguồn vốn này, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng và đã thoát nghèo. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, gia đình lo nhất là bị “đứt vốn”, thì lại được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách cho hộ mới thoát nghèo vay với thủ tục đơn giản. Hiện gia đình tôi đang nuôi 22 con trâu, bò, kết hợp với trồng rừng, trong thời gian tới sẽ có tiền trả ngân hàng và tiết kiệm được một khoản vốn tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất”.

Gia đình chị Bùi Thị Nhãn, ở thôn Đồng Tiến, xã Mậu Lâm (Như Thanh) được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Như Thanh, mua 2 con trâu giống để nuôi sinh sản. Đồng thời tận dụng diện tích đất trống, đất canh tác không hiệu quả, chị chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Sau một thời gian, 2 con trâu giống phát triển tốt và sinh sản thêm được 4 con. Năm 2020, chị Nhãn bán 2 con trâu, cùng với tiền thu hoạch từ bán cây keo, trả hết nợ cho ngân hàng mà vẫn còn 4 con trâu. Chị Nhãn cho biết: "Được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Như Thanh, gia đình tôi có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Năm 2020, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo. Nếu không có sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi chưa biết lúc nào thoát khỏi nghèo đói”.

Cũng với gia đình anh Cường, chị Nhãn, thời gian qua hàng vạn hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi được vay vốn của Ngân hàng CSXH đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, hiện ngân hàng đang tổ chức thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách tại 11 huyện miền núi, với tổng dư nợ 4.294,9 tỷ đồng (chiếm 40,8% tổng dư nợ tại chi nhánh Thanh Hóa), với gần 96.000 khách hàng. Trong đó, chương trình tín dụng hộ nghèo có dư nợ 662,3 tỷ đồng, với gần 16.700 hộ nghèo đang vay vốn.

Nói về vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đối với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình cho biết: Diện mạo nông thôn của 11 huyện miền núi đang từng ngày khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 33,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,7%. Có được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác xóa nghèo bền vững, trong đó có sự chung tay, góp sức của Ngân hàng CSXH thông qua việc tăng trưởng không ngừng về nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Toàn hệ thống từ chi nhánh đến cơ sở đã kiên trì hoạt động, mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý, phương thức đầu tư vốn tín dụng chính sách, giúp đỡ nhiều hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải tạo công trình vệ sinh, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, chất lượng cuộc sống Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện tín dụng ưu đãi của ngân hàng CSXH ở các huyện miền núi cũng còn những tồn tại, hạn chế, đó là nợ quá hạn còn 4,29 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,16% so với tổng dư nợ, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh là 0,05%.... Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Nguyên nhân các khoản vay phải chuyển nợ quá hạn là do người vay già cả, neo đơn (chủ yếu vay chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167); do ốm đau, bệnh tật; dịch bệnh, thiên tai gây thiệt hại nặng trong sản xuất, kinh doanh; một số hộ gia đình bỏ đi khỏi địa phương, chây ỳ không có trách nhiệm trả nợ...

Ông Trứ cho rằng: “Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác xóa nghèo bền vững, các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm đến quy trình cho vay từ khi xác định đối tượng, cho vay, hỗ trợ cũng như định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh để đảm bảo hiệu quả đồng vốn vay; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH, nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, triển khai các chương trình cho vay phù hợp với đặc thù huyện miền núi; đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ, giải ngân kịp thời vốn vay đối với chỉ tiêu hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo”.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]