(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tầm nhìn chiến lược, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ một cách chính xác và sâu sắc tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Với Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng luôn luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Suốt hơn nửa thế kỷ, Người đã dành nhiều tâm huyết, nhiều thời gian cho hoạt động báo chí, lấy báo chí làm vũ khí sắc bén tiến công kẻ thù, và là phương tiện hoạt động có hiệu quả, nhanh nhạy trong quá trình vận động cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển Báo chí Cách mạng Việt Nam

Với tầm nhìn chiến lược, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ một cách chính xác và sâu sắc tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Với Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng luôn luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Suốt hơn nửa thế kỷ, Người đã dành nhiều tâm huyết, nhiều thời gian cho hoạt động báo chí, lấy báo chí làm vũ khí sắc bén tiến công kẻ thù, và là phương tiện hoạt động có hiệu quả, nhanh nhạy trong quá trình vận động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế. (Ảnh tư liệu)

Những tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh để lại đã đề cập đến nhiều vấn đề sâu rộng và cấp thiết của dân tộc và thời đại trên các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Tất cả đều nhằm một mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó thực sự là một kho di sản tinh thần, trí tuệ vô giá.

Tính từ năm 1919 ký tên Nguyễn Ái Quốc với bài báo Tâm địa thực dân và bài Vấn đề dân bản xứ để phản ứng quyết liệt Đơvila đăng bài Giờ phút nghiêm trọng trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27/6/1919 với những luận điệu xảo trá tuyên truyền việc khai hóa cho dân bản xứ của chủ nghĩa thực dân, đến bài báo cuối cùng vào tháng 5/1969: Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng ký tên TL thì Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài báo, ký hơn 100 bút danh khác nhau bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Trung Quốc, Anh, Nga... Đó là một con số kỷ lục.

Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo mà còn là người sáng lập và chủ bút một số tờ báo nổi tiếng; là người mở hướng, khơi nguồn và đặt nền móng vững chắc cho Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Những năm 1925 - 1927, trước tình hình cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc, không chỉ là trung tâm cách mạng của đất nước Trung Hoa rộng lớn mà còn là trung tâm cách mạng Phương Đông. Quốc tế cộng sản đã quyết định tăng cường cho phái bộ Bôrơđin(1) tại Quảng Châu. Ngày 25/9/1924, Ban Chấp hành quốc tế cộng sản ra quyết định cử Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu trong số cán bộ tăng cường cho pháp bộ Bôrơđin.

Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với cái tên Lý Thụy vừa làm việc trong phái bộ Bôrơđin và tìm cách kết nối với các đồng chí, các tổ chức cách mạng Việt Nam, thành lập Tổng hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng cộng sản Đông Dương, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng và cho ra đời tờ báo Thanh niên.

Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp lãnh đạo ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, trên trang nhất, Nguyễn Ái Quốc ký bút danh ZAC có bài viết được coi như tuyên ngôn của tờ báo: “Để dắt dẫn nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo, sức lãnh đạo đó không phải là một vài người thôi, mà phát sinh từ sự hiệp lực của hàng vạn người. Muốn có hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí với nhau, họ phải lớn lắm. Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó”.

Nội dung báo Thanh niên tập trung xoay quanh những chủ đề chính: Đế quốc và thuộc địa; cách mạng và cải lương; Đảng cách mạng - Đảng cộng sản; cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới; Đảng cách mạng và Mặt trận thống nhất; Học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, vì lẽ gì người Việt Nam chưa làm cách mạng được? Những trở ngại về tư tưởng và tổ chức cần vượt qua; Học tập kinh nghiệm các cuộc cách mạng thế giới; Hướng tới phát động một phong trào đấu tranh của quần chúng.

Báo Thanh niên ra đến số 88 (ngày 17/4/1927) thì Nguyễn Ái Quốc phải bí mật rời Quảng Châu đi Hồng Công, rồi Thượng Hải để trở lại Liên Xô vì cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch. Báo Thanh niên sau đó cũng chuyển qua Hồng Công để tiếp tục cho ra đến số 208 (tháng 5/1930). Báo Thanh niên thực sự là tờ báo mở đầu cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam, hay nói một cách khác là sự mở đầu cho cả một dòng báo chí của nước Việt Nam mới. Ngày 21/6, ngày ra số báo Thanh niên đầu tiên đã trở thành Ngày Báo chí Việt Nam, ngày hội của những người làm báo cách mạng.

Trước sự tiến triển của cách mạng trong nước, với vai trò và trách nhiệm; đầu xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Những năm 1941, 1942, Người tập trung cho công việc trọng tâm tập hợp quần chúng, xây dựng phong trào, tổ chức lực lượng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, quán triệt và làm đúng đường lối cách mạng, tổ chức nhân dân vào các Hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, Bác quyết định cho ra tờ báo Việt Nam độc lập.

Vượt lên những khó khăn, với kinh nghiệm của người từng làm báo, Bác trực tiếp phụ trách tờ báo (Tòa soạn báo lúc ấy chỉ có 3 người). Sau một thời gian chuẩn bị, báo Việt Nam độc lập ra số đầu tiên ngày 1/8/1941. Mục đích của báo Việt Nam độc lập, được nói rõ trên trang nhất của số báo đầu tiên: "Cốt làm cho dân ta hết nghèo, biết các việc, biết kết đoàn, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam bình đẳng, tự do”. Cũng trong số báo đầu tiên, để cổ động và giới thiệu tờ báo và để đồng bào dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc, Bác cho đăng bài Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập viết theo thể song thất lục bát, gồm 17 câu: “Đế quốc thật ác nghiệt/ Làm dân ta như điếc như mù/ Làm ta dở dại dở ngu/ Biết gì việc nước biết đâu việc đời/ Báo “độc lập” hợp thời đệ nhất/ Làm cho ta mở mắt mở tai/ Cho ta biết đó biết đây/ Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian/ Cho ta biết kết đoàn tổ chức/ Cho ta hay sức lực của ta/ Cho ta biết chuyện gần xa/ Cho ta biết nước non ta là gì/ Ai không chịu ngu si mù tối/ Ắt phải xem báo ấy mới nên/ Giúp cho báo ấy vững bền/ Càng ngày càng lớn cùng truyền khắp nơi/ Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời.”

Thời gian đầu, hầu như tất cả các số báo đều có bài viết của Bác với nhiều thể loại, các bài viết tập trung tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Phát xít Nhật và bọn tay sai, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết dân tộc, hăng hái tham gia các Hội cứu quốc của Việt Minh. Nhiều bài báo phân tích sâu sắc, nhạy bén về tình hình nhiệm vụ cách mạng, giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu đúng, hành động đúng với chủ trương của Đảng. Báo Việt Nam độc lập đã góp phần to lớn vào việc tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cũng cần biết thêm, báo Việt Nam độc lập từ số đầu đến số ra ngày 21/12/1942 Bác đã cho đăng 17 bài thơ, bài ca với nhiều chủ đề. Tính đến tháng 8/1942, khi Bác Hồ đi công tác nước ngoài, báo Việt Nam độc lập đã ra được 30 số, Bác phân công đồng chí Tống (tức Phạm Văn Đồng-LXĐ) thay Bác chỉ đạo tờ báo. Sau Cách mạng Tháng Tám, báo Việt Nam độc lập tiếp tục xuất bản ở Cao-Bắc-Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn). Ngoài những tờ báo trên, Bác còn sáng lập ra một số tờ báo khác như: Quốc tế nông dân (1924), Công Nông (1925), Lính kách mệnh (1925), Tạp chí đỏ (1930). Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác là người chỉ đạo trực tiếp những tờ báo lớn của Đảng như: Tiền phong, Cờ Giải phóng, Sự thật, Nhân dân...

Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến ngày Bác đi xa, Bác viết hàng trăm bài báo vẫn chỉ tập trung cho một đề tài. Tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói rõ: “Về nội dung viết, mà các cô chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.

Những năm tháng này tiếng nói của Bác trên báo chí mang theo những danh nghĩa mới, đặc biệt với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Bác nhân danh cho đất nước, nhân dân để phát biểu, bình luận những vấn đề hệ trọng của đất nước, dân tộc và thời đại.

Ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã khẳng định Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu Quan điểm báo chí và giá trị to lớn báo chí Hồ Chí Minh.

------------

(1) Bôrơđin, là cố vấn chính trị của Tôn Trung Sơn vừa là đại diện của Quốc tế Cộng sản ở miền Nam Trung Hoa.

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]