(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước đây khi đề cập đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), nhiều nông dân lo lắng đầu tư tốn kém, trong khi tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, sau khi được tuyên truyền hướng dẫn áp dụng và sử dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu đã đạt hiệu quả về năng suất cây trồng và giảm chi phí nhân công.

Khi khoa học và công nghệ ra đồng

Trước đây khi đề cập đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), nhiều nông dân lo lắng đầu tư tốn kém, trong khi tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, sau khi được tuyên truyền hướng dẫn áp dụng và sử dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu đã đạt hiệu quả về năng suất cây trồng và giảm chi phí nhân công.

Khi khoa học và công nghệ ra đồngNhờ sử dụng hệ thống tưới tự động, gia đình anh Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Đồng Tiến, xã Hoằng Đại) đã tiết giảm được nhiều chi phí nhân công.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất bồi, gia đình anh Lê Huy Toàn (thôn Kiều Tiến, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa), đã dành toàn bộ diện tích gần 2.300m2 để trồng bưởi. Từ việc học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn, tham quan một số mô hình, đến quá trình tự làm tự rút kinh nghiệm, anh quyết định đầu tư 10 triệu đồng cho hệ thống tưới, bao gồm máy bơm nước, đường ống. Anh Toàn chia sẻ: “Có đầu tư có hơn. Tôi đã chủ động được trong việc tưới tiêu; giảm thiểu công lao động, tránh tình trạng chỗ nhiều nước, chỗ thiếu nước. Với diện tích vườn khá rộng, nếu không có hệ thống tưới này, có lẽ vợ chồng tôi chả đủ sức”.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Đồng Tiến, xã Hoằng Đại), có 1ha dưa hấu, 500 gốc ổi, 500m2 nhà kính và 1.000m2 trồng hoa cúc, đồng tiền. Anh Tĩnh cho biết: “Năm 2014 tôi đầu tư làm trang trại. Thời gian đó, vất vả lắm, mỗi lần tưới, cả ngày không xong. Từ năm 2019 gia đình đầu tư hơn 40 triệu đồng cho hệ thống tưới tự động, mọi việc nhẹ nhàng hơn lại tiết kiệm thời gian, chỉ 30 phút nhưng lượng nước được phân bổ đều, đủ”. Nhờ hệ thống tưới này mà gia đình anh Tĩnh đã tiết giảm khá nhiều công sức và chi phí lao động, năng suất cây trồng được nâng cao rõ rệt. Mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Đàm Đình Diện, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Đại, cho biết: Một trong những giải pháp được xã Hoằng Đại thực hiện hiệu quả là khuyến khích các hộ nông dân tích cực tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng KHKT, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hàng năm, xã tổ chức phổ biến tuyên truyền, giới thiệu thiết bị sản phẩm mới, giới thiệu các mô hình hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp để nhân rộng... Chính vì thế, đến nay tất cả các vườn hộ trên địa bàn xã có diện tích từ 500m2 trở lên đã được hỗ trợ 3 triệu đồng/vườn để xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Điều này giúp xã Hoằng Đại hoàn thành tiêu chí vườn hộ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Thanh Hóa: Đến hết tháng 3-2021, thành phố có 20.532 hội viên. Tính riêng trong năm 2020, để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, Hội Nông dân TP Thanh Hóa đã tổ chức 11 buổi tư vấn, tập huấn KHKT cho 15.600 hội viên, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng 28 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Điều này đã thúc đẩy, giúp người nông dân TP Thanh Hóa tiếp cận, sử dụng và áp dụng hầu hết các kỹ thuật công nghệ hiện đại.

Tuy vậy, để nông dân tiếp cận được KHKT cao lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Anh Văn Đức Khanh (thôn Thắng Long, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) rất tự hào dù đầu tư máy móc thiết bị để làm 12-15ha ruộng nhưng không phải vay vốn ngân hàng. Gia đình anh đã đầu tư 2 máy cấy, 2 máy cày, và 1 máy gặt, trị giá hơn 1 tỷ đồng. “Trước đây, chưa dùng máy cấy tôi phải thuê nhân công với số tiền 250 - 300 nghìn/ngày/người. Tiến độ chậm, có lúc không kịp thời vụ, phải bỏ ruộng. Mức thu nhập của gia đình tôi cao nhất lúc ấy là 100 triệu/năm vì chi phí trả nhân công cao. Giờ đây, với các loại máy móc và mở rộng diện tích ruộng, ít nhất tôi tiết giảm 50% chi phí nhân công lao động. Hằng năm thu lợi nhuận là 400 - 500 triệu. Tôi đang có kế hoạch mua thêm một máy cày bừa nữa để phục vụ bà con trong xã”, anh Khanh chia sẻ.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiệu Hợp Nguyễn Văn Khoa, cho biết: Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, HTX tiếp tục tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, nhờ việc chuyển đổi sản xuất từ thủ công sang cơ giới mà các thành viên của HTX đã giảm hơn chi phí đầu tư. Với sự trợ giúp của cơ giới như: máy cày, máy gặt, máy làm đất, máy cấy, máy gieo mạ, máy gieo ngô, máy bơm,... người nông dân không chỉ tiết giảm chi phí nhân công mà còn giảm chi phí cho phòng trừ sâu bệnh. So với làm thủ công, việc áp dụng công nghệ và KHKT giúp năng suất cao hơn khoảng 10%. Ông Khoa cho biết thêm: Nếu cứ bám trụ ở nhà để làm nông nghiệp, người nông dân chẳng bao giờ có đồng ra đồng vào. Một phép tính đặt ra là mỗi khẩu bình quân được làm 1 sào ruộng, trừ tất cả chi phí, 6 tháng (vụ), người nông dân chỉ gọi là lấy công làm lãi, thu nhập chẳng đáng là bao. Còn giờ đây, nhờ có HTX đưa hệ thống máy móc đồng bộ đảm nhận tất cả các khâu sản xuất, người nông dân trở thành công nhân đi làm ở các công ty với thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng. Ông Khoa khẳng định: “293 thành viên của HTX giờ chỉ có ông bà già ở nhà, mọi người dưới tuổi 45 đều đi làm nhà máy, công ty, thợ xây... Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, bất kể khâu nào cũng có máy móc làm, người dân hầu như không phải đụng tay đụng chân”.

Khi khoa học và công nghệ ra đồngAnh Văn Đức Khanh (thôn Thắng Long, xã Thiệu Hợp) sẽ tiếp tục mua thêm một số máy móc để tăng năng suất cây trồng.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 699 HTX nông nghiệp đang hoạt động với trên 80 nghìn thành viên, trong đó rất nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Từ thực tế, có thể khẳng định các điểm ưu việt của các công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Phải khẳng định rằng, qua thực tiễn sản xuất, trồng trọt tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào người nông dân biết vận dụng, áp dụng tốt KHKT vào sản xuất, thì nơi đó năng suất cây trồng chất lượng đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc vận động người dân bỏ dần lối canh tác manh mún, phụ thuộc vào thời tiết theo tập quán cũ để tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại là cần thiết.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]