(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh: Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đảng ta cũng đánh giá, đến nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân.

Lời Bác năm xưa: Cho nên chữ ấy là chữ "quan liêu"

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh: Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đảng ta cũng đánh giá, đến nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân.

Lời Bác năm xưa: Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong cuốn “Bác Hồ với chiến sĩ” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 1994 [1], có câu chuyện:

“Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:

- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!

Anh em hưởng ứng “Vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình. Người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?

Bác vẽ một vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:

- Chữ gì nào?

Tưởng chữ “Phạn”.... chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ.

Bác khen:

- Giỏi đấy.

Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:

- Chữ “nhị” ạ.

Bác động viên:

- Giỏi lắm...

Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.

- Chữ “tam” ạ...

Bác cười:

- Khá lắm.

Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.

- Chữ gì nào?

“Các vị” ngớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi... Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán thì chữ “tứ” viết khác cơ!

Bác giục:

- Thế nào? Các nhà “mácxít”?

Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

Bác đứng dậy:

- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...

Để que xuống đất, Bác nói:

- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác”.

Những ngày qua, trong các chuyến “vi hành” và các buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chuyện “học viên” là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không nắm bắt được tình hình, không giải trình được những vấn đề có tính căn bản nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ ở địa phương mình, đã làm “nóng” các chương trình thời sự.

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, hơn lúc nào hết, người dân cần một “đầu não” chỉ huy, thế nhưng tại một phường đang là tâm dịch của TP Hà Nội, tại thời điểm Thủ tướng đến kiểm tra, thì Sở chỉ huy tiền phương đặt tại công sở phường không có người trực. Tại buổi làm việc, khi Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo phương trình quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường, thì mãi hơn 20 phút sau, cán bộ phường mới tìm thấy quyết định, còn quy chế làm việc thì không có. Trong quyết định, Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND phường, trong khi theo yêu cầu mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Trung ương, chức danh đó phải do người đứng đầu cấp ủy đảm nhận. Nguyên nhân được lãnh đạo phường và quận giải trình là do phường khuyết chức danh Bí thư Đảng ủy đã hơn… 1 tháng, nhưng chưa được kiện toàn.

Cán bộ phường/xã là những người gần dân, sâu sát nhất với đời sống Nhân dân ở cơ sở, là chỗ dựa của Nhân dân trong thiên tai, địch họa, nhất là trong những lúc hiểm nguy cận kề. Họ cũng là những người trực tiếp truyền đạt, thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với Nhân dân. Nhưng đáng tiếc trong trường hợp này, những cán bộ - mà lại là cán bộ đứng đầu chính quyền cơ sở vì “không nắm chắc chủ trương, đường lối” mà dẫn đến “không làm đúng”, tổ chức bộ máy thì lỏng lẻo.

Đáng buồn hơn, cái sự “đến xã đã sai lệch” như những gì Bác đã vẽ ra cho chúng ta thấy, là bởi ở một số địa phương “đến tỉnh đã hơi cong”… Mà những tỉnh đó, lại đang là “điểm nóng” về dịch bệnh. Cán bộ tỉnh - thậm chí là người chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng những vấn đề căn bản nhất trong công tác phòng, chống dịch là có bao nhiêu ca F0 và xuất hiện ở đâu, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm?... thì không nắm được, nên ấp úng, vòng vo.

Chỉ qua một buổi kiểm tra và làm việc trực tuyến với chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra nhiều điểm đáng lo ngại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch ở các địa phương này, đó là: một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương… - những vấn đề có tính tiên quyết, căn bản để chiến thắng giặc dịch.

Những nét “queo”, “quẹo”, “như một con giun”, “loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...” mà Bác vẽ năm xưa, không chỉ là một bài học sinh động về giáo dục đạo đức cách mạng, một lời cảnh tỉnh về bệnh “quan liêu” cho lớp cán bộ cách đây gần 7 thập kỷ, mà trong những ngày qua đã trở nên vô cùng thấm thía. Dịch họa là phép thử bản lĩnh, năng lực của cán bộ và điều đáng buồn là có những cán bộ chiến lược của Đảng lại lúng túng và bị động trước phép thử ấy.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh: bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đảng ta cũng đánh giá, đến nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân. Vì thế, mỗi chúng ta hãy nhớ về những nét vạch năm xưa của Bác để sớm “chữa lành” bệnh “quan liêu” - căn bệnh dọc, ngang không tượng hình, nhưng vẫn luôn hiện hữu, rình rập và đầy nguy cơ.

---------------------------------------

[1] Bác Hồ với chiến sĩ” - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 1994.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]