(vhds.baothanhhoa.vn) - Mấy mươi mùa sen nở lại tàn. Bác đi xa nhưng hình bóng Người sống mãi cùng non sông đất nước. Giữa mùa sen ngát thơm, ta nhớ về người trong những khúc tâm tình âm nhạc, thi ca vang vọng tâm hồn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người là đóa hoa sen ngát thơm

Mấy mươi mùa sen nở lại tàn. Bác đi xa nhưng hình bóng Người sống mãi cùng non sông đất nước. Giữa mùa sen ngát thơm, ta nhớ về người trong những khúc tâm tình âm nhạc, thi ca vang vọng tâm hồn.

Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957.

Tìm đường đi cho dân tộc

Giữa bóng tối của thương đau, gông cùm nô lệ, cả dân tộc chìm trong nước mắt, người thanh niên ấy lên đường với chí nguyện lớn lao. “Khi tôi còn là hạt bụi. Người đã lên tàu đi xa. Khi quê hương còn chìm nổi. Người đã lên tàu đi xa. Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này”... (Dấu chân phía trước - Phạm Minh Tuấn). Những giai điệu sâu lắng ngọt ngào vang lên, giây phút thiêng liêng thuở nào đang sống lại. Bến Nhà Rồng nơi ghi dấu bước chân Người, hạnh phúc yên vui nhen nhóm từ đây. “Dấu chân không êm không ấm. Mười ngón trăn trở bầm sâu”.

Hơn ai hết, Bác xứng danh là người tiên phong, Người mở đường đẩy lùi bóng tối, xóa sạch thương đau. Tháng ngày chìm nổi, vất vả gian lao thuở tìm đường của Bác được Chế Lan Viên ghi lại trong vần thơ cảm xúc: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê. Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá. Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ. Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”. Và còn hạnh phúc nào hơn khi chân lí vỡ òa, lí tưởng sáng soi:

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).

Lời thơ khắc ghi giây phút thiêng liêng. Người thanh niên yêu nước gặp gỡ lí tưởng cách mạng. Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa mà người gặp gỡ đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho dân tộc đi theo. Thời khắc ấy, nước mắt hòa cùng niềm vui, hạnh phúc ươm hình từ chông chênh, tăm tối. Chân thực và cảm động, những câu thơ của Chế Lan Viêndiễn tả thật hay, thật xúc động tâm trạng của Người. Niềm vui vỡ òa sau bao tháng năm mong mỏi, tìm kiếm, đợi chờ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”. Từ bước ngoặt trọng đại ấy, trọn đời Người đấu tranh cho hạnh phúc nhân dân.

Cả cuộc đời vì nước vì dân

Ta còn nhớ như in tâm nguyện của Bác năm nào: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thế đấy, cả cuộc đời Bác đâu nghĩ cho mình, đất nước độc lập, dân tự do là sở nguyện thiêng liêng. Một lẽ sống đẹp của một trái tim lớn. Hãy hòa mình trong giai điệu ngọt ngào: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất. Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác như vì sao sáng, sáng giữa trời bao la...” (Bác Hồ một tình yêu bao la - Thuận Yến). Lời hát như nói lên tất cả. “Cánh chim không mỏi bay khắp trời quê hương” mang yên vui hạnh phúc đến mọi nhà. Kính yêu lắm một trái tim vĩ đại. Lí tưởng của Người con cháu vẫn mang theo: “Bác đã hi sinh cả cuộc đời. Cho dân tộc mình mãi mãi tự do. Hai cuộc trường chinh chúng con luôn có Bác. Tiếp bước cha ông gìn giữ quê hương” (Tháng năm nhớ Bác - Thanh Bình). Hôm qua, hôm nay và cả mai sau, Bác vẫn dõi theo bước đường chúng ta dựng xây, giữ gìn đất nước.

Giữa ngày tháng thương đau nhất, Bác từ biệt đất nước quê hương về với thế giới người hiền. Vần thơ Tố Hữu trong niềm đau uất nghẹn vẫn vút cao âm hưởng ngợi ca:

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

(Bác ơi! - Tố Hữu).

Những lời thơ chan chứa ân tình, gói trọn vẻ đẹp nhân cách sáng ngời của Bác kính yêu. Trái tim nhân ái ấy dành tặng cho bốn bể năm châu, dành trọn cho đất nước nhân dân. Quý trọng biết nhường nào. Đó là hình ảnh người Việt Nam đẹp nhất trong những người Việt Nam. Lòng ta yêu kính ơn Bác vô cùng!

Giản dị giữa đời thường

Tên tuổi Bác vang xa cùng nhân loại. Con người vĩ đại trong sự giản dị và rất mực đời thường. Muôn vàn lời hát, lời thơ ngợi ca đức tính ấy. Khiêm nhường, cảm động, nhà thơ Hải Như viết về “Bữa ăn sáng Bác Hồ”:

Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc

Một bát cháo hoa

Một khúc sắn quê nhà

Sướng chưa đều Bác sẻ khổ cùng ta

Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục

Ôi Bác lánh xa mọi xa hoa: đời tục

Mà chúng ta nhiều lúc

Lại... sa vào.

“Bát cháo hoa, khúc sắn quê nhà”, bữa sáng đạm bạc, đơn sơ bởi Người “chia khổ cùng ta”. Một bài học lớn từ một con người giản dị, sống giữa cuộc đời. Tấm gương ấy hậu thế hãy soi mình để tự hoàn thiện.

Con người giản dị thanh cao của Bác đâu chỉ ở đôi dép cao su, “chiếc áo nâu giản dị. Màu quê hương bền bỉ đậm đà”. Đó còn hiện lên qua phong cách, lối sống chan hòa, rất mực yêu thương. “Anh đội viên nhìn Bác. Càng nhìn lại càng thương. Người cha mái tóc bạc. Đốt lửa cho anh nằm. Rồi Bác đi vén chăn. Từng người từng người một”. (Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ). Vậy là, Bác không ngủ bởi tấm lòng lo nước, và cả hành động ân cần chăm sóc yêu thương. Xúc động biết bao. Tấm lòng thương yêu ấy xóa nhòa khoảng cách công dân - lãnh tụ, sâu nặng như tình cha con. Giản dị mà cao đẹp vô cùng. Con người giản dị, thanh cao ấy sẽ sống cùng dân tộc, lưu giữ mãi trong trái tim của muôn triệu đồng bào.

Xin nguyện cùng Người

Sen ngát hương, hè đã trở về. Nhớ Bác lòng ta ơn Bác kính yêu. Đất nước hôm nay đẹp giàu, non sông mở hội, nhân dân hạnh phúc ấm no. Lòng ta ơn Bác đời đời: “Nghìn thu dân tộc nhớ ơn Người. Vất vả bôn ba khắp mọi nơi. Tìm kiếm tự do cho Tổ quốc. Như một vầng dương luôn ngời sáng... Ơi Bác Hồ ơi nhớ Bác nhiều. Nước non ơn Bác biết bao nhiêu. Tháng Năm ngày hạ mùa sen nở. Nhắc nhở cháu con những sớm chiều (Tháng năm nhớ Bác - Thanh Bình).

Đất nước yên vui, song nơi đảo xa bóng giặc vẫn chập chờn. Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn khó lường. Gian nan vẫn chưa thôi thử thách. Nhớ Bác! Yêu Bác! Trong trái tim mỗi người con đất Việt hãy vững bước đi trên con đường Bác chọn năm nao: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi. Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn...” (thơ Tố Hữu).

Nguyễn Văn Luyện


Nguyễn Văn Luyện

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]