(vhds.baothanhhoa.vn) - Bác Hồ của chúng ta, không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới mà còn là một nhà báo tài năng, đức độ sáng ngời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ Bác Hồ, người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Bác Hồ của chúng ta, không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới mà còn là một nhà báo tài năng, đức độ sáng ngời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam (ảnh tư liệu).

Kể từ bài báo đầu tiên “Yêu sách của nhân dân An nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Nhân đạo (LHumanité) ngày 18/6/1919 đến bài báo cuối cùng trước khi Bác đi xa: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” với bút danh T.L đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969, Người đã viết hàng ngàn bài báo với 56 bút danh trên 50 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở trong và ngoài nước, riêng báo Nhân dân đã có đến 1.200 bài. Bác đã viết dưới nhiều thể loại khác nhau, như vở kịch Con rồng tre (Le Dragon de bambou) đã được công diễn nhiều lần trong những ngày hội lớn hàng năm của báo Nhân đạo. Lúc ở nước Pháp, năm 1922 Bác là người sáng lập đồng thời cũng là chủ bút và cây bút chủ lực của tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Người còn viết báo và in thành sách khi còn ở Liên Xô với tác phẩm: Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc, Chủng tộc da đen để lên án chế độ thực dân. Năm 1924 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người viết cuốn Đường cách mệnh. Năm 1928 Người đến Thái Lan và để lại cuốn Nhật ký chìm tàu xuất bản năm 1931. Cũng ở Thái Lan năm 1928 Bác đề nghị với hội Thân ái đổi tên tờ báo Đồng thanh thành báo Thân ái.

Cùng trong thời gian đó Bác viết đều đặn và gửi về nước cho các báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix), Lao động (Le travail) với bút danh P.C.L. Thời kỳ ở Trung Quốc, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, Người viết tập thơ Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký). Năm 1941 Bác cùng một số cán bộ trở về Pắc Bó (Cao Bằng), Người thường viết cho báo Việt Nam độc lập. Đặc biệt bản Tuyên ngôn Độc lập là do chính tay Người soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Những bài nói, bài viết như thư từ, hiệu triệu kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của Bác đã được sưu tầm và in lại thành 4 tập với tiêu đề: Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Cuốn Sửa đổi lối làm việc của Bác ký tên X.Y.Z được coi là một cuốn sách quan trọng chỉ dẫn phương pháp làm việc hiệu quả để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Trước khi qua đời Bác còn để lại những lời Di chúc bất hủ. Bản Di chúc thiêng liêng đó là trí tuệ, lương tri và niềm kiêu hãnh của thời đại chúng ta.

Sinh thời Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”. Nhà báo - Chiến sỹ Hồ Chí Minh đã phấn đấu không biết mệt mỏi trong 60 năm trời vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, một nhà báo hoạt động kiên cường, vượt qua mọi thử thách khó khăn, vươn lên mục tiêu đã định và đã trở thành Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng mà dư âm mãi mãi vang vọng ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Từ những bài báo của Bác - người Cha già của dân tộc đồng thời là nhà báo mẫu mực, nêu lên tấm gương sáng chói về phẩm chất, đức độ, tài năng làm cho những người viết báo, làm báo thấm thía trách nhiệm của mình về ý thức, tầm nhìn và bản lĩnh chính trị của nhà báo cách mạng xã hội chủ nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chính trị của đất nước và thế giới hiện nay.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng mà bất cứ người cầm bút nào cũng phải học tập ở Bác cách nói, cách viết ngắn, gọn, trong sáng, giản dị, chuẩn xác. Qua các bài viết của Bác, không thấy câu, chữ tối nghĩa hoặc hiểu thế nào cũng được, không khoa trương mà uyên bác, không đại ngôn mà chứa đựng triết lý cao siêu, thâm thúy và lại dễ hiểu, dễ nhớ. Viết được như thế là nhờ Bác nâng cao thứ ngôn ngữ bình dị trong tục ngữ, dân ca của quần chúng. Không những có tài năng sáng tạo mà Bác muốn nói tiếng nói của mình để bảo tồn ngôn ngữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Bác dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó phải chăng là đầu óc ỷ lại hay sao? Bác đã để lại kinh nghiệm cho con cháu muôn đời trong nghề làm báo là “Khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem, viết để làm gì; viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc, khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa chữa giùm”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển báo chí. Bác nói: “Báo chí ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Điều đó có nghĩa là làm báo, viết báo là trách nhiệm của một nhà chính trị.

Báo chí Việt Nam có vinh dự lớn lấy ngày 21/6 làm ngày hội truyền thống vẻ vang của mình và cũng nhân dịp này để ôn lại những lời chỉ dẫn của Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của Đảng, của dân tộc ta và người thầy của báo chí cách mạng nước ta.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]