(vhds.baothanhhoa.vn) - Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa đang tăng cường đoàn kết, đồng lòng ra sức phát huy khí thế oanh liệt của cách mạng tháng 8 và hai cuộc kháng chiến thần thánh để phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ về chặng đường vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa anh hùng

Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa đang tăng cường đoàn kết, đồng lòng ra sức phát huy khí thế oanh liệt của cách mạng tháng 8 và hai cuộc kháng chiến thần thánh để phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, lấn dần ra Trung Bộ rồi ra Bắc Bộ hòng trở lại đô hộ đất nước ta một lần nữa.

Từ ngày 19/12/1945, kháng chiến toàn quốc bùng nổ và phát triển ngày càng quyết liệt. Thanh Hóa là tỉnh địa đầu của Trung Bộ, chắn giữ con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam, là căn cứ địa quan trọng của cuộc kháng chiến cứu nước. Bọn thực dân xâm lược đã cho máy bay đánh phá ác liệt vào một số vùng trọng điểm và khu dân cư trong tỉnh. Địch liên tiếp mở các cuộc càn quét, lấn chiếm một số xã thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh và Nga Sơn. Ở một số nơi trong tỉnh bọn Quốc dân đảng, bọn phản động nội địa, bọn đội lốt tôn giáo, bọn lang đạo không chịu cải tạo đã câu kết với các thế lực xâm lược bên ngoài nhen nhóm nổi dậy mưu đồ lôi kéo quần chúng chống phá cách mạng, làm suy yếu chính quyền dân chủ nhân dân hòng khôi phục lại chế độ cũ.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của Thanh Hóa lúc bấy giờ là xây dựng, củng cố chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và bán vũ trang từ tỉnh xuống cơ sở, tập trung sức mạnh toàn dân vừa chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, giữ vững thành quả cách mạng. Cùng với cả nước quyết chiến, quyết thắng bọn đế quốc Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ.

Ngay từ đầu tháng 9/1945 Tỉnh ủy đã có nghị quyết về tăng cường củng cố xây dựng cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, nâng cao trình độ năng lực và phẩm chất tư cách cho cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các cơ sở, các địa phương và các ngành trong tỉnh.

Năm 1945 toàn tỉnh chỉ mới có 54 đảng viên, đến cuối năm 1948 đã có trên một vạn đảng viên. Ở hầu hết các xã thuộc các huyện miền xuôi đều đã có chi bộ. Các huyện miền xuôi và 2 huyện miền núi (Thạch Thành, Cẩm Thủy) đã thành lập được các ban Huyện ủy, các huyện miền núi có ban cán sự Đảng miền Tây.

Khi cuộc kháng chiến tiến sang giai đoạn “Tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” thì công tác tư tưởng, tổ chức càng được đặc biệt coi trọng. Các cuộc vận động như “Cải tạo tư tưởng”, “Xây dựng Đảng theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê Nin”, “Học tập lý luận, đào tạo cán bộ” (1950), “Nâng cao tự phê bình và phê bình” (1953 - 1954) được liên tiếp mở ra. Đông đảo cán bộ, đảng viên đã hăng hái học tập, rèn luyện, nghiêm túc, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, công khai nhận khuyết điểm trước tập thể, trước nhân dân, càng củng cố thêm quan hệ tốt đẹp: “Đảng vì dân, dân tin Đảng”.

Mốc son sáng ngời là sự kiện Bác Hồ kính yêu vào thăm Thanh Hóa lần thứ nhất (20/2/1947) và việc tổ chức cho Đảng bộ ra công khai theo chỉ thị của Trung ương đã có ý nghĩa sâu sắc và tác dụng to lớn làm tăng thêm ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên và các tổ chức Đảng, làm tăng thêm lòng phấn khởi tin tưởng của các chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên cơ sở đó Đảng bộ cùng với quân dân trong tỉnh đã dốclòng dốc sức góp phần với cả nước đưa cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ hào hùng đến thắng lợi, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Bắc và lập lại hòa bình trên đất nước ta, tạo tiền đề và sức mạnh để rồi lại tiếp tục đi vào cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa đất nước tiến sang kỷ nguyên mới: Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.

Điều đó thật xứng đáng với lời khen của Bác Hồ khi vào thăm Thanh Hóa lần thứ 2 (13/6/1957) là: “Bây giờ tiếng Việt Nam đi đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó” và danh hiệu vẻ vang “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Nhà nước đã khen tặng cho cả tỉnh và nhiều huyện, xã, cá nhân trong tỉnh.

Đặc biệt là với sự quan tâm và tình cảm sâu nặng dành cho Thanh Hóa, Bác còn vào thăm tỉnh nhà lần thứ 3 từ ngày 17 - 19/7/1960 và lần thứ 4 từ ngày 10 - 12/12/1961. Ngoài chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Bác còn đi xuống các cơ sở để thăm trại nuôi dưỡng thương binh, trại an dưỡng cán bộ, chiến sỹ miền Nam, đơn vị quân đội Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57, Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa,...

Sáng ngày 12/12/1961, trước cuộc nói chuyện với trên 3 vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại sân vận động tỉnh Bác đã bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” cho toàn thể cùng hát vang lên sôi động, hào hùng. Để đền đáp công ơn to lớn về sự quan tâm sâu sắc cùng với những lời dạy dỗ ân cần, chu đáo của Bác, Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh đã không ngừng ra sức thi đua trên tất cả các mặt sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác để làm cho bộ mặt tỉnh nhà luôn được thay đổi theo chiều hướng phát triển, tiến lên.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới với trên 23 vạn đảng viên, gần 1 vạn tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa đang tăng cường đoàn kết, đồng lòng ra sức phát huy khí thế oanh liệt của cách mạng tháng 8 và hai cuộc kháng chiến thần thánh để phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]