(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ và Đảng ta rất quan tâm đến báo chí, coi báo chí là công cụ, là thứ vũ khí sắc bén, hiệu quả để đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ và Đảng lãnh đạo

Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ và Đảng ta rất quan tâm đến báo chí, coi báo chí là công cụ, là thứ vũ khí sắc bén, hiệu quả để đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén, hiệu quả, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau khi dự Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản, năm 1925 Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu trở về Trung Quốc công tác ở Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ở đây Người đã thành lập ra Hội Thanh niên cách mạng đồng chí và cho xuất bản tờ báo Thanh niên. Số 1 báo Thanh niên ra mắt ngày 21/6/1925. Tờ báo là cơ quan Trung ương của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Bác sáng lập và trực tiếp làm Tổng Biên tập và cũng chính là người đã viết rất nhiều tin, bài cho báo. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.

Nội dung, nhiệm vụ của báo Thanh niên là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, để tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp thanh niên cùng các tầng lớp quần chúng đi theo con đường cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng vào năm 1930. Từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927 báo Thanh niên ra được 88 số rồi phải ngừng vì Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng Trung Quốc, đàn áp các đảng viên Cộng sản và những người làm cách mạng. Bác Hồ phải rời Trung Quốc sang Liên Xô, Thanh niên cách mạng đồng chí hội phải rút vào hoạt động bí mật. Tuy chỉ tồn tại được một thời gian không dài nhưng báo Thanh niên đã gây được tiếng vang lớn, đã tạo ra cơ sở về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức làm nền móng cho việc thành lập Đảng và thúc đẩy cách mạng phát triển, tiến lên.

Năm 1929, trong cả nước xuất hiện 3 tổ chức Đảng, đó là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Theo đó tháng 6/1929, Đông Dương cộng sản đảng cho ra báo Búa liềm. Ban Công vận của đảng ra báo Công hội đỏ. Đến tháng 9/1929 An Nam Cộng sản đảng ra báo Đỏ. Các tờ báo này đều có tác dụng giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.

Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Bác Hồ, hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước chính thức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 7 tháng sau, ngày 15/8/1930 báo Tranh đấu được xuất bản với lời tuyên bố: “Báo Tranh đấu ra đời làm cơ quan Trung ương của Đảng, thống nhất để hướng đạo tư tưởng và hành động cho cả toàn thể đồng chí và quần chúng lao khổ”. Báo do Tổng Bí thư Trần Phú làm Tổng Biên tập. Cùng với Báo Tranh đấu còn có tờ Tạp chí Đỏ ra ngày 5/8/1930. Tháng 10/1930, khi đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương thì báo có tên là Cờ Vô sản và Tạp chí Cộng sản, ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài cũng xuất bản Tạp chí Bôn sê vích.

Từ năm 1936, Mặt trận nhân dân chống phát xít xuất hiện trên nhiều nước kể cả ở nước Pháp. Ở nước ta có Mặt trận dân chủ Đông Dương. Đảng ta chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai. Một số tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt xuất hiện, trong đó có báo Dân chúng là cơ quan trung ương của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và làm Tổng Biên tập. Báo Dân chúng số đầu tiên ra ngày 22/7/1938 tại Sài Gòn. Với 80 số báo được xuất bản, báo Dân chúng làm nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức quần chúng, củng cố, phát triển tổ chức của Đảng và Mặt trận dân chủ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong các tầng lớp nhân dân lao động, chống lại báo chí phản động của bọn cầm quyền ở Việt Nam và Đông Dương.

Những tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo.

Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Các tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn ra báo Việt Nam độc lập. Đến ngày 25/1/1942 thì có báo Cứu quốc cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Đến ngày 10/10/1942 thì Trung ương Đảng xuất bản báo Cờ giải phóng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp làm Tổng Biên tập, đồng thời cũng là cây bút chủ lực với những bài chính luận sắc bén đăng thường xuyên trên báo. Những số đầu của báo Cờ giải phóng xuất bản và phát hành bí mật ở các tỉnh phía Bắc. Đến tháng 8/1945 thì chuyển về Hà Nội. Cùng với báo Cứu quốc, báo Cờ giải phóng là công cụ tuyên truyền, giáo dục và tổ chức, tập hợp quần chúng xung quanh Mặt trận Việt Minh để đấu tranh đánh đổ phát xít Nhật và đế quốc Pháp, thực hiện giải phóng đất nước.

Số ra ngày 12/9/1945, báo Cờ giải phóng đã đăng bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài "Cách mạng hay đảo chính" của đồng chí Tổng Bí thưTrường Chinh, gây ảnh hưởng rất lớn trong việc nêu cao ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân mới, chống giặc đói, giặc dốt, chống các luận điệu xấu xa, xuyên tạc, chia rẽ dân tộc của bè lũ phản động. Ngoài 2 tờ báo Cứu quốc, báo Cờ giải phóng thời kỳ này còn có Tạp chí Cộng sản của Đảng và các tờ báo của các tổ chức đoàn thể như báo Công nhân, báo Thanh niên, báo Phụ nữ, báo Học sinh, báo Văn hóa, báo Tự vệ...

Do yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới Đảng chuyển vào hoạt động bí mật, báo Cờ giải phóng ra đến số 33 ngày 18/11/1945 thì đình bản. Sau đó, Trung ương Đảng chủ trương ra báo Sự thật cơ quan của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Thời kỳ đầu báo Sự thật in ở Hà Nội, sau đó chuyển lên in ở chiến khu Việt Bắc. Báo Sự thật nêu những vấn đề chân lý, thực tiễn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh cho nền độc lập của đất nước và vạch mặt bọn cơ hội, bọn tơrốtskit, bọn cách mạng đầu lưỡi âm mưu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lê nin và công cuộc cách mạng của nhân dân ta.

Tháng 3/1951, theo sự chuyển biến của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ngừng hoạt động, Báo Sự thật cũng ngừng xuất bản. Thay vào đó là báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Tờ báo Nhân dân đầu tiên phát hành vào ngày 11/3/1951 tại chiến khu Việt Bắc. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Tố Hữu - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã từng được giao nhiệm vụ làm chủ bút. Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của đất nước ta, danh nhân văn hóa thế giới, một nhà báo lỗi lạc đã dành nhiều thời gian công sức cho sự ra đời và phát triển của báo Nhân dân. Và cũng chính người đã viết cho báo Nhân dân đến trên 1.200 bài với nhiều bút danh khác nhau. Báo Nhân dân đã ra đời, phát triển, đồng hành với quá trình lịch sử cách mạng quang vinh của dân tộc. Cho đến ngày nay, báo Nhân dân - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn mang nội dung chuẩn xác, tin cậy, hình thức sáng đẹp, hấp dẫn, được ấn hành trên 200.000 tờ/ ngày. Đồng hành với báo Nhân dân hằng ngày còn có báo Nhân dân cuối tuần, báo Nhân dân hằng tháng, báo Thời nay, báo Nhân dân điện tử, Tạp chí Cộng sản và Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cùng với các báo của các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương hình thành một mạng lưới tổng hợp, đa dạng, phong phú về thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức để phục vụ cho sứ mạng lãnh đạo của Đảng ta đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, văn minh.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]