(vhds.baothanhhoa.vn) - Giá xăng dầu tăng nhanh kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá... đã tác động mạnh mẽ lên mọi mặt đời sống. Và “ngành công nghiệp không khói” dù đang trên đà phục hồi cũng không tránh khỏi sức ép “bão giá”, khiến các doanh nghiệp kinh doanh phải đau đầu tính toán.

Phục hồi du lịch và câu chuyện “lượng” - “chất”: Sức ép “bão giá”

Giá xăng dầu tăng nhanh kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá... đã tác động mạnh mẽ lên mọi mặt đời sống. Và “ngành công nghiệp không khói” dù đang trên đà phục hồi cũng không tránh khỏi sức ép “bão giá”, khiến các doanh nghiệp kinh doanh phải đau đầu tính toán.

Phục hồi du lịch và câu chuyện “lượng” - “chất”: Sức ép “bão giá”Dù đang trên đà phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng mục tiêu đưa du lịch phát triển như thời điểm trước dịch là không dễ dàng.

Khi khách sạn, khu nghỉ dưỡng đau đầu vì... giá

Thời gian này, về Sầm Sơn vào những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, việc tìm phòng lưu trú chất lượng tốt, giá cả phải chăng nếu không đặt trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Hoặc phải chi trả giá cao, hoặc chất lượng phòng nghỉ, dịch vụ đi kèm không như mong đợi. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Sầm Sơn cho biết, có những đoàn khách ngoại tỉnh, công ty lữ hành đã liên hệ đặt phòng khi mới bắt đầu vào hè. Không chỉ Sầm Sơn, một số điểm đến nổi bật tại Thanh Hóa như Pù Luông; biển Hải Tiến... cũng “hút” lượng lớn khách du lịch. Đây là tín hiệu rất vui cho sự phục hồi của du lịch.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2018, Pù Luông Eco Garden (Bá Thước) là nơi được nhiều du khách lựa chọn khi về với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Sau 2 năm trầm lắng do đại dịch, Pù Luông Eco Garden đang sôi động trở lại. Hiện tại, địa điểm nghỉ dưỡng này có 3 nhà sàn tập thể và 15 phòng riêng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch. Anh Nguyễn Văn Đại, Quản lý Pù Luông Eco Garden, cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 8-2022, công suất phòng của khu nghỉ dưỡng đã kín khách đặt vào các ngày cuối tuần. Riêng ngày thường, công suất phòng cũng đạt trung bình khoảng 50 - 60%. Giá phòng nghỉ dưỡng đang được giữ nguyên so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, giá cả các suất ăn dành cho du khách đang là vấn đề khiến chúng tôi phải tính toán. Do nguồn cung thực phẩm tăng giá cao, chi phí vận chuyển tốn kém nên giá suất ăn theo thực đơn dù có thể được điều chỉnh nhưng cũng không thể tăng theo giá thị trường. Trong khi đợi giá cả thị trường bình ổn thì việc lấy thu bù chi là sự lựa chọn của doanh nghiệp để cân đối hoạt động kinh doanh và đảm bảo quyền lợi tối ưu cho khách nghỉ dưỡng”.

Tại Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Khách sạn Hải Tiến Resort có kết quả kinh doanh nổi bật và thường xuyên nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Bà Cao Thị Hương - Quản lý Hải Tiến Resort, chia sẻ: “Hải Tiến Resort cung cấp các dịch vụ: phòng nghỉ, Team building, ăn uống, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt phòng ở Hải Tiến Resort mới bằng khoảng 60% so với cùng kỳ thời điểm trước dịch (năm 2019); dù đang là tháng cao điểm du lịch biển, nhưng tỷ lệ khách thuê phòng trong tháng 6 này trung bình mới chỉ đạt 20% công suất. Trong khi đó, khách tập trung chủ yếu vào dịp nghỉ lễ và ngày cuối tuần nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì toàn bộ các dịch vụ cũng như nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu. Thực tế, du lịch mới tạm thời thoát khỏi giai đoạn đóng băng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà thôi”.

Cũng theo chia sẻ của người quản lý Khách sạn Hải Tiến Resort, giá cả leo thang khiến giá nguồn cung đầu vào (vật dụng thiết yếu phục vụ khách như chăn, ga, gối...) cũng tăng trung bình từ 20 - 40% đẩy chi phí tăng theo, tạo áp lực rất lớn cho hoạt động kinh doanh của khách sạn. Nhưng giá phòng vẫn cơ bản được giữ nguyên, không thay đổi. Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng cao cũng buộc các nhà hàng, khách sạn phải tính toán nhiều hơn trong việc thiết kế suất ăn phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách. Trong khi đó việc tăng giá theo nguồn cung đầu vào nếu không tính toán cẩn thận rất dễ gặp phải phản ứng của đối tác, doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch. Bởi khi đã xác định kinh doanh dịch vụ du lịch lâu dài thì việc tăng giá trong điều kiện bất khả kháng cũng cần có kế hoạch rõ ràng.

Doanh nghiệp lữ hành loay hoay xoay sở

“Giá các tour du lịch tại Thanh Hóa tăng khoảng từ 10 - 50%, tùy vào “gói” dịch vụ mà khách hàng lựa chọn. Việc giá cả tăng, ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng chịu tác động. Theo đó, giá tour tăng chủ yếu do: giá vé máy bay tăng (khách tỉnh ngoài); giá vé xe tăng; giá ăn uống và thậm chí là chi phí cho hướng dẫn viên cũng tăng. Trong đó, chi phí vận tải (giá vé máy bay, xe) tăng nhiều nhất, có thể tăng tới 100%, thậm chí hơn, tùy vào thời điểm (nghỉ lễ, cuối tuần). Nhưng giá các tour thì đã được khách đặt cách đây cả tháng, thậm chí vài tháng, hợp đồng rõ ràng, cam kết không tăng giá. Vì thế công ty lữ hành kinh doanh chuyên nghiệp không thể tùy tiện thay đổi. Vậy nên, chúng tôi buộc phải cân đối các chi phí. Nhưng du lịch khác với nhiều lĩnh vực, nếu chỉ vì giá cả mà chúng ta cắt, giảm chất lượng dịch vụ, có nghĩa doanh nghiệp đang tự đào hố chôn chính mình. Việc cân đối giá tour ở thời điểm hiện tại với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, thực sự rất khó khăn”, ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch quốc tế Long Hải (TP Thanh Hóa) chia sẻ.

Phục hồi du lịch và câu chuyện “lượng” - “chất”: Sức ép “bão giá”Nguồn cung đầu vào tăng giá khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch buộc phải tính toán nhiều hơn để cân đối thu chi.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty CP du lịch Trust Việt, cho rằng: “Du khách luôn mong muốn được trải nghiệm dịch vụ du lịch chất lượng tốt (tùy gói dịch vụ lựa chọn) nhưng với giá cả phải chăng nhất. Du khách có tiền không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh du lịch được quyền tự ý tăng giá. Đó là nguyên tắc kinh doanh nếu doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển và tạo lập uy tín”.

Giá cả tăng nhanh đang tác động rất lớn đến các dịch vụ du lịch mà chỉ người làm nghề mới hiểu hết. Giá xăng, dầu tăng đương nhiên kéo theo chi phí vận tải tăng; nguồn nguyên liệu thủy hải sản tăng thì giá cả ăn uống cũng tăng theo... Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung, dịch vụ vận tải du lịch nói riêng do không thể vượt qua khó khăn do đại dịch đã buộc phải phá sản, chuyển ngành nghề, thậm chí việc “gán nợ” phương tiện vận tải cho ngân hàng cũng không phải hy hữu. Thực tế, du lịch trên đà phục hồi, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung, công ty lữ hành nói riêng mới chỉ “thở” được trở lại. Nhưng với những khó khăn đang phải đối mặt như hiện nay, chỉ riêng mục tiêu đưa du lịch phát triển như thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện cũng không hề dễ dàng.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]