(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ 2 tháng sau ngày TƯ Đảng và Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quân Pháp quay lại hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa thì ngày 20/2/1947 Bác Hồ, vị lãnh đạo thiên tài của dân tộc vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu

Chỉ 2 tháng sau ngày TƯ Đảng và Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quân Pháp quay lại hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa thì ngày 20/2/1947 Bác Hồ, vị lãnh đạo thiên tài của dân tộc vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên.

Tự hào và vinh dự biết bao, khi nước nhà mới giành được độc lập, trong bộn bề công việc vì phải lo củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, phát động tăng gia sản xuất, chống nạn đói, nạn mù chữ để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lại đất nước sau gần một thế kỷ sống dưới ách đô hộ tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến, mà Bác Hồ đã quan tâm thu xếp công việc và vượt qua bao dặm đường quanh co, vất vả để vào Thanh Hóa. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Bác về vị trí địa chính trị, xã hội, lịch sử cách mạng của Thanh Hóa cũng như tình cảm bao la, nhân ái của Bác đối với đồng bào tỉnh Thanh.

Trong thời gian thăm Thanh Hóa Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, đảng viên các thân sỹ, trí thức, phú hào, đại biểu các tầng lớp nhân dân. Về vấn đề cán bộ Bác đã giải thích rõ: Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể (tức của Đảng) để thi hành trong nhân dân. Cán bộ phải chăm lo rèn luyện các đức tính tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với các đồng chí mình ra sức phục vụ nhân dân, phục vụ Đoàn thể, phải siêng năng học hỏi, gần dân, phải đoàn kết, thanh khiết từ to đến nhỏ để được dân tin. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

Về nhiệm vụ kháng chiến Bác nói: Ta muốn hòa bình nhưng thực dân Pháp muốn chiến tranh thì ta phải đánh, đánh đến cùng và phải biết cách đánh. Toàn dân phải tham gia kháng chiến. Phải biết địch, biết ta để có mưu lược khôn khéo, kiên trì, dũng cảm mà tìm cách đối phó.

Đồng thời với kháng chiến phải quan tâm kiến quốc, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, làm cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển để có tiềm lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo là hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc và sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ đồng bào từ các vùng địch chiếm đóng tản cư đến.

Đặc biệt là Bác mong muốn “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu tức là phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự phải là kiểu mẫu, làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu”.

Bác Hồ đứng trên lễ đài và hàng vạn nhân dân Thanh Hóa về dự mít tinh đón Bác ngày 12/12/1961.

Vâng lời Bác dạy Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa đã dốc lòng, dốc sức làm theo ý nguyện của Người. Chính vì vậy mà những lần Bác về thăm sau này Người đều có lời khen ngợi. Ngày 13/6/1957 khi vào thăm lần thứ 2 Bác đã khen Thanh Hóa đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và có thành tích trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Bác đã biểu dương những anh hùng liệt sỹ Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai: đó là những người rất ưu tú chẳng những làm vẻ vang cho cả tỉnh mà còn vẻ vang cho cả nước non. Bác khen Thanh Hóa đã sửa chữa đập Bái Thượng, đê sông Mã, đê sông Chu bị giặc Pháp tàn phá, khen xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) đã xóa được nạn mù chữ, Bác còn đi thăm một số nơi như Trường Thiếu nhi miền Nam và nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân tại nhà Giao tế của tỉnh. Rồi 2 lần tiếp theo (năm 1960 và 1961) Bác lại vào Thanh Hóa. Bác đã làm việc với các cán bộ lãnh đạo, nói chuyện với đông đảo các tầng lớp đồng bào, với Đại hội Công đoàn tỉnh, kéo lưới với dân chài ở Sầm Sơn và đi xuống tận các cơ sở để thăm nhà máy Cơ khí Thanh Hóa, hợp tác xã Thành Công, xã Yên Trường (Yên Định). Tại những nơi này Bác đã động viên khen ngợi những việc đã làm tốt đồng thời cũng chỉ ra những việc còn yếu kém phải khắc phục, Bác luôn nhấn mạnh về vấn đề phải đoàn kết, phải tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải tiến công cụ, nâng cao năng xuất lao động. Cán bộ phải gương mẫu, sát dân, phải tránh thói muốn làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, mưu vinh thân, phì gia.

Bác Hồ thăm xí nghiệp cơ khí chuyên làm nông cụ của tỉnh Thanh Hóa (10/12/1961).

Ngoài trực tiếp về thăm và nói chuyện Bác vẫn thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm sát tình hình nên đã nhiều lần gửi thư động viên khen ngợi những tập thể, cá nhân có thành tích tốt. Bác đã khen 3 xã Tân Tiến (Hà Trung), Hoằng Lộc, Hoằng Anh (Hoằng Hóa), về việc ủng hộ nhiều nhất cho bộ đội địa phương. Tặng quà cho cán bộ, thanh niên xung phong, dân công ở công trường đường sắt Thanh Hóa - Vinh, ở đập Bái Thượng, sông Chu, gửi thư khen các hợp tác xã Đông Phương Hồng, Thắng Lợi (Thọ Xuân), các đội nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hoằng Trường, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Hà Tiến (Hà Trung) có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, cùng nhiều cá nhân khác. Điều vui mừng sung sướng nhất là sau khi đánh thực dân Pháp thắng lợi Bác Hồ đã nói rằng: “Bây giờ tiếng Việt Nam tới đâu tiếng Điện Biên Phủ tới đó, tiếng Điện Biên Phủ tới đâu thì đồng bào Thanh Hóa cũng có mộtphần vinh dự tới đó”. Ngày 11/12/1961 sau khi nói chuyện với hàng vạn đồng bào tại sân vận động tỉnh Bác đã bắt nhịp cho cả biển người cùng vui mừng hát vang bài ca Kết đoàn. Đồng thời với những lời khen ngợi Bác cũng luôn nhắc tới việc phải tích cực tăng gia sản xuất hơn nữa, cán bộ, đảng viên không được chủ quan thỏa mãn, phải đi sâu đi sát tình hình, tránh quan liêu, mệnh lệnh, tham ô lãng phí, tránh lối làm việc luộm thuộm, chú trọng bồi dưỡng cán bộ cũ và dìu dắt cán bộ trẻ tiến lên.

Ngày 30/12/1968 (tức là chỉ trước 9 tháng 2 ngày khi Bác đi về cõi vĩnh hằng) trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Hà Nội, Bác đã nhắc lại: Trước đây khi về thăm Bác đã nói là tỉnh Thanh có dân đông, đất rộng, rừng vàng, bể bạc, có nhiều điều kiện để thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp. Để tiến lên, các cấp và cán bộ Thanh Hóa phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân, cán bộ đảng viên phải gương mẫu trước nhân dân.

Những lời nói, lời khen và phê bình, uốn nắn, nhắc nhở của Bác đã thấm sâu vào lòng người, đã tác động mạnh mẽ đối với tình hình phong trào của tỉnh nhà. Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc việc chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nền kinh tế, văn hóa xã hội trong tỉnh từng bước được phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là từ khi bước vào công cuộc đổi mới Thanh Hóa đã càng cố gắng hành động để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước tiến lên làm cho bộ mặt của tỉnh đang ngày càng thay đổi theo đà tiến triển chung của các tỉnh bạn. Có những mặt, những chỉ tiêu đã được xếp vào tốp đầu của cả nước.

Đến nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành một cách đầy đủ, trọn vẹn được theo những lời chỉ dạy ân cần sâu sắc của Bác. Đó còn là nỗi băn khoăn, day dứt trong tâm trí của tất cả mọi người dân trong tỉnh.

Hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, những lời nói và căn dặn của Bác vẫn vang vọng, rõ ràng như Người mới nói với chúng ta ngày hôm nay.

Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực toàn bộ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh đã ra sức phấn đấu để hoàn thành thắng lợi mục nhiêu nhiệm vụ màĐại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (2015 - 2020) đã đề ra và chuẩn bị tiếp bước vào nhiệm kỳ mới với tâm thế mới, sức bật mới. Vàxác định phải Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. (Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Năm 1947 khi Bác vào thăm lần đầu tiên, cả tỉnh mới có trên 1 triệu dân, trên 1 ngàn đảng viên. Giờ đây dân số toàn tỉnh đã hơn 3,7 triệu người với hơn 23 vạn đảng viên. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có và những thành tích, tiến bộ đã đạt được, toàn thể Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa nguyện nỗ lực ra sức phấn đấu để mạnh mẽ tiến lên đạt tới mục tiêu mà đai hội sắp tới đề ra, mong thực hiện cho được lời hứa với Bác, để đáp ứng điều mà lúc sinh thời Bác hằng mong muốn là phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp. Đó chính là điều thiết thực, thiêng liêng, thành kính nhất để dâng lên Bác Hồ vô vàn kính yêu.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]