(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tự phê bình và phê bình luôn là vũ khí sắc bén của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng phải xem đây là nhiệm vụ, công việc thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Điều này càng trở nên cần thiết khi Đảng ta thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(VH&ĐS) Tự phê bình và phê bình luôn là vũ khí sắc bén của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng phải xem đây là nhiệm vụ, công việc thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Điều này càng trở nên cần thiết khi Đảng ta thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn ..."thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng".

Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay Đảng ta luôn quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức (nội dungđạo đức mới được bổ sung trong văn kiện Đại hội XII). Tự phê bình và phê bình là vũ khí, công cụ sắc bén trong xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập và rèn luyện Đảng ta là một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình. Suốt một đời vì nước vì dân sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư Bác đã trở thành tấm gương sáng để bạn bè, đồng chí ngưỡng mộ, noi theo. Trong bản Di chúc thiêng liêng và bất hủ của mình Người từng căn dặn: “…Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhân đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời dặn dò chân tình, trách nhiệm, tâm huyết đó của Bác luôn được cán bộ, đảng viên chúng ta học tập và noi theo.

Mỗi con người sinh ra đều có sẵn tính thiện và ác. Là chính đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên Đảng rất quan tâm đến việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên. Làm tốt việc đó cốt để làm sao cho tính thiện, tốt đẹp nảy nở, sinh sôi phát triển như hoa mùa xuân còn tính ác, xấu xa bị ngăn chặn, đẩy lùi. Tự phê bình và phê bình trong mỗi cán bộ, đảng viên phải được tiến hành liên tục thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. Chỉ cần chủ quan lơi là mất cảnh giác là cái xấu, cái ác có cơ hội trỗi dậy tấn công phần tốt đẹp, lương thiện trong mỗi con người. Trong xu hướng toàn cầu hóa nước ta ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Bên cạnh mặt tích cực là đất nước tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại chúng ta cũng chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường. Đó là lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền quên hết tình nghĩa đạo lý, thuần phong, mỹ tục dân tộc. Sự nhạt phai lý tưởng, sống không có hoài bão, khát vọng, ngại rèn luyện tu dưỡng phấn đấu đã nảy sinh ở một số tầng lớp cán bộ, đảng viên. 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 4 là nguy cơ đến tồn vong của dân tộc. Bởi vậy là những “công bộc” của dân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, của đất nước trong tình hình mới. Phải luôn hun đúc dũng khí cộng sản và tinh thần tiến công, nâng cao cảnh giác cách mạng trước mọi thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch cả bên ngoài và bên trong. Phải khắc sâu lời dạy của Bác: “…Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân (Bài nói tại Hội nghị bồi dưỡng, chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, cuối tháng 1/1965. Hồ Chí Minh toàn tập 10, NXB ST Hà Nội, 1999 tr 21). Trong tự phê bình và phê bình luôn tự thành khẩn, biết lắng nghe ý kiến dư luận bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. Chỉ bằng sự thành tâm không giấu diếm, che đậy những khuyết điểm, không “giấu bệnh sợ thuốc” thì mới tiếp thu được những ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm của bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí. Làm được như vậy thì hiệu quả tự phê bình mới đạt hiệu quả cao. Tự phê bình và phê bình luôn có mối quan hệ mật thiết hữu cơ. Tự phê bình để giúp mình mau tiến bộ còn phê bình để giúp đồng chí của mình cùng tiến bộ, cùng nhau đoàn kết thống nhất phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc nhiều hơn, tốt hơn. Trong đấu tranh phê bình phải luôn trung thực, khách quan tránh chủ quan, định kiến, áp đặt hoặc vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Phải nhìn sâu vào hiện tượng, vụ việc những sai lầm, khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp bằng thái độ chân thành không đặt điều, thêm bớt. Phương pháp đấu tranh phê bình phải thật sự kéo khéo tùy vào từng đối tượng, thiếu sót, khuyết điểm để có cách phê bình phù hợp sát đúng. Cha ông ta đã từng dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mànói cho vừa lòng nhau” hoặc “Lạt mềm buộc chặt”. Phê bình phải có lý, có tình trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ giúp cho người được phê bình, nhìn nhận đúng sai lầm khuyết điểm. Từ đó họ nhận ra những lỗi lầm, sai trái để có hướng khắc phục và sửa chữa. Trong đấu tranh phê bình cũng phải tránh tình trạng “dĩ hòa vi quí” nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nhiều cơ quan, đơn vị tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng, trong hội nghị nói thế này nhưng ở ngoài hội nghị lại nói thế khác hoặc nói một đàng làm một nẻo nên hiệu quả, chất lượng công tác không cao. Cũng có trường hợp người được phê bình ở cương vị quản lý, điều hành hoặc đứng đầu cơ quan đơn vị nên sự phê bình thường chung chung không chỉ ra được những sai phạm cụ thể như nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tội… hoặc điều động, đề bạt bổ nhiệm theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên không chọn được những người thực sự có đức, có tài. Bởi người đấu tranh phê bình sợ bị lãnh đạo định kiến, trù dập nên không góp ý đấu tranh phê bình thẳng thắn trong hội nghị. Họ thường nhân lúc “trà dư tửu hậu” để lời ra tiếng vào. Chính điều đó đã làm cán bộ, đảng viên đó tự đánh mất nhân cách, phẩm giá của mình trước tập thể, tổ chức. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình phải thực sự phát huy được sự tập trung dân chủ. Cũng cần tránh sự lợi dụng dân chủ và đấu tranh phê bình để vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Sự thiếu ý thức trong đấu tranh phê bình đó sẽ dẫn đến sự nghi ngờ mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ. Bác Hồ đã từng căn dặn: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng trị bệnh cứu người. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”.

Đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm để nâng cao chất lượng và tính chiến đấu của từng đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Mục tiêu cao cả mà Đảng ta hướng tới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa, con người xã hội chủ nghĩa phải là những con người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Để làm tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải nâng cao trình độ lý luận chính trị gắn với thực tiễn nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tập trung nâng cao chất lượng đấu tranh tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến địa phương sẽ tạo thành sức mạnh tổng lực giúp Đảng ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đưa đất nước ngày càng phát triển cường thịnh sánh ngang với bạn bè năm châu bốn biển như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]