(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) là chủ trương lớn nhân văn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Hơn 6 năm triển khai thực hiện, nghị định này đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, còn một số bất cập nên nợ xấu ngày càng gia tăng, trở thành gánh nặng cho không ít ngư dân cũng như các ngân hàng thương mại cho vay.

Vui, buồn quanh những con tàu 67

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) là chủ trương lớn nhân văn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Hơn 6 năm triển khai thực hiện, nghị định này đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, còn một số bất cập nên nợ xấu ngày càng gia tăng, trở thành gánh nặng cho không ít ngư dân cũng như các ngân hàng thương mại cho vay.

Vui, buồn quanh những con tàu 67

Tàu 67 của ngư dân phường Quảng Tiến (Sầm Sơn). Ảnh: Lê Hợi

“Chắp cánh” cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trong số 58 tàu cá được hỗ trợ vốn vay đóng mới theo Nghị định 67, có 23 tàu vỏ thép, 35 tàu vỏ gỗ (17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác hải sản). Đây là những con tàu công suất lớn, hiện đại, an toàn, đủ sức vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ.

Sau khi hoàn thành đóng mới, 58 tàu cá đi vào hoạt động, tổ chức sản xuất theo Tổ đoàn kết. Bên cạnh khai thác ở ngư trường truyền thống (Vịnh Bắc bộ), một số chủ tàu đã mở rộng khai thác tới ngư trường miền Trung, miền Nam và các vùng biển xa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, các chủ tàu đã bắt đầu trả nợ lãi và vốn vay đóng mới tàu cá đúng hạn cho ngân hàng. Nhận định của nhiều ngư dân có tàu đóng mới theo Nghị định 67 đều cho rằng: Tàu cho hiệu quả kinh tế khá hơn so với các đội tàu truyền thống của địa phương; các phương tiện đảm bảo tính an toàn cao cho người và tài sản. Tàu vỏ sắt có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu vỏ gỗ về độ an toàn, di chuyển rất nhanh, thiết kế hiện đại, khoang rộng chứa được nhiều ngư cụ, nguyên liệu bảo quản, vật dụng sinh hoạt; hệ thống máy và trang thiết bị hoạt động tốt... nên có thể đánh bắt xa bờ trong thời gian dài.

Là ngư dân được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, ông Nguyễn Văn Thân, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn không giấu được niềm vui, chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng, gia đình tôi đã thực hiện được ước mong đóng tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển. Đó là chiếc tàu vỏ gỗ TH 91748-TS được đầu tư với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Từ khi có tàu mới, trang thiết bị hiện đại, tàu của tôi không còn đánh bắt ở ngư trường truyền thống mà tham gia tại các ngư trường phía Nam của đất nước, nên những chuyến đi biển thường kéo dài, có chuyến cả tháng. Sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến, trừ chi phí, đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Cứ đà này, tôi sẽ sớm có tiền trả lãi và vốn vay đóng mới tàu cá đúng hạn cho ngân hàng, đồng thời giúp kinh tế gia đình phát triển.

Còn anh Nguyễn Văn Xuyên, thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), chủ tàu cá TH-91676-TS, cho biết: “Gia đình tôi đầu tư đóng tàu gỗ theo Nghị định 67 với tổng số tiền 14,3 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn 10 tỷ đồng. Trên tàu có đủ trang thiết bị hiện đại, như: máy dò ngang Koden, máy định vị, máy dò đứng... mỗi chuyến ra khơi trừ chi phí, thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng”.

Còn đó những nỗi lo

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay đóng mới 58 tàu cá theo Nghị định 67, với tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng là 653 tỷ đồng, dư nợ gần 600 tỷ đồng.

Trong số 58 tàu đóng mới, có 3 tàu bán đấu giá đi các tỉnh Bình Định, Nghệ An do thua lỗ; 55 tàu còn lại đang hoạt động tại Thanh Hóa, có 32 tàu hoạt động bình thường (11 tàu vỏ thép, 21 tàu vỏ gỗ), chủ các tàu này thực hiện trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết hợp đồng. Số còn lại 23 tàu (11 tàu vỏ thép, 12 tàu vỏ gỗ) duy nhất có 1 tàu TH 91647-TS của ông Đậu Văn Tiệp, xã Nghi Sơn, là tàu vỏ thép hiện nằm bờ do hư hỏng; các tàu còn lại vẫn hoạt động nhưng không hiệu quả. Một số chủ tàu muốn chuyển đổi tàu cho người khác theo tinh thần Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67 nhưng gặp khó khăn, vướng mắc. Bởi tâm lý e ngại của người nhận mua, sợ phải nhận khoản nợ vay (gồm nợ gốc, nợ quá hạn và lãi phát sinh), mà chủ cũ chưa trả cho ngân hàng. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu khi nhận chuyển nhượng lại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Thêm vào đó, việc chuyển đổi tàu khai thác hải sản không hiệu quả, bao giờ giá bán cũng thấp hơn giá thực tế vì đây là hàng hóa đặc thù. Một khó khăn nữa là nợ quá hạn của các chủ tàu hiện lớn hơn hoặc bằng nguyên giá đóng mới tàu nên trong trường hợp ngân hàng thu hồi tài sản và xử lý nợ rất phức tạp...

Khó chuyển nhượng, hoạt động lại không hiệu quả nên nợ xấu tăng lên là điều dễ hiểu. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, tính đến ngày 12-3-2021, các chủ tàu 67 đã nợ xấu hơn 400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chủ yếu là các chủ tàu vỏ sắt và tập trung nhiều ở Hậu Lộc, Nghi Sơn, Sầm Sơn...với các ngân hàng: Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa. Các ngân hàng đã nhiều lần cơ cấu, gia hạn nợ cho các chủ tàu nói trên nhưng vẫn còn nhiều chủ tàu không thực hiện trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Hiện có 3 chủ tàu ở huyện Hậu Lộc là: Tàu TH 93999-TS của ông Nguyễn Văn Quỳnh, tàu TH 93888-TS của ông Trịnh Văn Hùng đều ở xã Hòa Lộc và tàu TH 93899-TS của ông Đồng Xuân Thảo, xã Ngư Lộc đang bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa khởi kiện do chây ỳ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Là 1 trong 3 ngư dân của huyện Hậu Lộc bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa khởi kiện, ông Trịnh Văn Hùng, xã Hòa Lộc - chủ tàu TH 93888-TS trần tình: “Quả thật, 2 năm trở lại đây, tàu của tôi khai thác không hiệu quả. Nhiều chuyến ra khơi đều ở trong tình trạng hòa vốn nên không đủ tiền trả nợ cho ngân hàng. Khai thác không có lãi, tôi cũng đã nói với chủ tàu khác mua lại nhưng họ không muốn mua vì sợ phải thanh toán khoản tiền mà tôi còn nợ ngân hàng chưa trả được. Vì vậy, ngân hàng khởi kiện đưa ra tòa, tôi chấp hành ra tòa, nhưng tiền không biết lấy ở đâu, vì tài sản của gia đình chúng tôi đã đầu tư cho tàu mất rồi”.

Ông Phan Văn Phòng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa, cho biết: “Đơn vị đã giải ngân 181 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng mới 18 con tàu theo Nghị định 67 (4 tàu vỏ sắt và 14 tàu vỏ gỗ) tập trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn. Mặc dù ngân hàng đã tích cực đôn đốc, nhiều lần cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn nợ nhưng có đến 13 chủ phương tiện không chịu trả gốc và lãi, buộc phải chuyển sang nợ xấu. Và có 3 trường hợp chúng tôi đang thực hiện thủ tục khởi kiện. Tình trạng chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn dù tàu của họ vẫn hàng ngày ra khơi nếu không được chấn chỉnh thì việc triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng”.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]