(vhds.baothanhhoa.vn) - Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh, với 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vừa là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa góp phần xây dựng văn hóa xứ Thanh đậm đà bản sắc.

Thường Xuân quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh, với 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vừa là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa góp phần xây dựng văn hóa xứ Thanh đậm đà bản sắc.

Thường Xuân quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thốngĐội văn nghệ Hương rừng (bản Mạ) trình diễn đánh trống chiêng tại lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023.

Nhắc đến Thường Xuân là nhắc đến không khí tưng bừng, rộn rã của lễ hội tại Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt những ngày đầu xuân năm mới. Từ đầu tháng Giêng cho đến tháng Ba âm lịch hằng năm, Nhân dân và du khách thập phương nô nức đổ về đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn để tưởng nhớ tiền nhân và khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Đây cũng là một trong những điểm đến văn hóa thu hút đông khách “bậc nhất” của tỉnh trong những ngày đầu xuân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách thập phương, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt và các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng trên địa bàn được huyện Thường Xuân đặc biệt quan tâm. Các di tích được kiểm kê, đánh giá thường xuyên nhằm có biện pháp trùng tu, tôn tạo kịp thời, theo từng giai đoạn, đảm bảo tính nguyên gốc, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đến nay, nhiều di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, huyện Thường Xuân còn tổ chức, phục dựng thành công một số lễ hội truyền thống, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội Nàng Han, lễ hội Cửa Đạt (xã Vạn Xuân); lễ hội rước Thành hoàng làng (xã Thọ Thanh)... Đặc biệt, kể từ năm 2019, huyện Thường Xuân chính thức đưa tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch trở thành hoạt động thường niên. Dịp này, du khách được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao hấp dẫn, đặc sắc như: Lễ cúng cơm mới, khua luống, đánh cồng chiêng, hát khặp, nhảy sạp, bắn nỏ, ném còn, kéo co, tó mắc lẹ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đánh đu, đua thuyền rồng trên thượng nguồn sông Chu... Qua đó cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần cũng như các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cũng trong không gian tưng bừng của lễ hội, giữa âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng, khua luống du khách có thể ghé thăm những nếp nhà sàn của đồng bào Thái tại bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), mua các sản vật đặc trưng trên vùng đất “Quế ngọc Châu Thường” làm quà cho người thân, bạn bè.

Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch không chỉ là dịp để huyện Thường Xuân giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch đến đông đảo du khách, mà quan trọng hơn cả đó là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời kỳ CNH, HĐH. Bởi vậy, cùng với các cấp chính quyền địa phương, các tổ, đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ thể dục - thể thao trên địa bàn huyện cũng có sự chuẩn bị chu đáo. Chị Vi Thị Phương, đội văn nghệ Hương rừng (bản Mạ) cho biết: “Đội văn nghệ chúng tôi gồm có 20 thành viên, là chị em phụ nữ trong bản. Chúng tôi rất vui mừng khi tham gia trình diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống tại tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch hằng năm. Năm nay, tại bản Mạ còn diễn ra một số hoạt động trong khuôn khổ lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”. Chuẩn bị cho lễ hội, các thành viên trong đội văn nghệ đã tập luyện thường xuyên cả tháng. Đặc biệt, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi khi du khách hào hứng tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống cùng người dân địa phương như: đánh đu, ném còn, khua luống... Cũng thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian đã giúp các thành viên trong đội văn nghệ nói riêng, người dân bản Mạ nói chung trân trọng và có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, năm 2023, huyện Thường Xuân đã tập trung triển khai, thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm gồm: khảo sát, lập Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đền thờ trời Pú Pen (thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân); phục dựng phần lễ Lễ hội Nàng Han (thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân). Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian và hoạt động lễ hội của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân”.

Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: “Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được huyện Thường Xuân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số khó khăn, hạn chế như: một số địa phương trên địa bàn huyện chưa thực sự quan tâm đến việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; một số phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một; đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế; công tác xã hội hóa cho hoạt động văn hóa còn nhiều khó khăn... Theo đó, trong thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ quan tâm, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, theo Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 5/5/2023 của UBND tỉnh”.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]