Văn hóa văn nghệ nâng cao đời sống người dân miền núi
Nhiều năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ (VHVN) trên địa bàn các huyện miền núi diễn ra sôi nổi, từng bước trở thành “món ăn tinh thần” thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, góp phần đẩy lùi các hủ tục, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Một hoạt động văn hóa văn nghệ tại lễ hội đền Phố Cát, thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Xã Thạch Long (Thạch Thành) là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Đồng thời, tích cực thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ. Đến nay, cả 6 thôn trong xã đều thành lập đội văn nghệ thu hút mọi thành phần, lứa tuổi tham gia. Tuy được thành lập trên tinh thần tự nguyện, mọi hoạt động cơ bản dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa, song hầu hết các đội văn nghệ trên địa bàn xã đều hoạt động khá bài bản, nền nếp, tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của thôn, của địa phương và tham gia giao lưu tại các hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức.
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho người dân có nơi tập luyện, biểu diễn VHVN, các thôn trong xã đều bố trí quỹ đất và huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nhà văn hóa thôn. Hiện các thôn trong xã đều đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, bên trong được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn nghệ, thể thao. Nhờ đó, các hoạt động VHVN trong xã ngày càng sôi nổi, đi vào chiều sâu, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thạch Thành là huyện có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại có nền văn hóa vô cùng đặc sắc. Đây là nền tảng để phong trào VHVN được khơi dậy, duy trì và phát triển. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều thành lập và duy trì hoạt động của các đội, CLB văn nghệ quần chúng. Để đẩy mạnh phong trào VHVN phát triển và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho Nhân dân, hàng năm, ngành văn hóa huyện đều tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi VHVN. Đồng thời, gắn hoạt động VHVN với việc tổ chức các lễ hội tại địa phương.
Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được huyện quan tâm thực hiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và sinh hoạt của Nhân dân. Huyện đã ban hành và chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng thôn, khu phố văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2025”. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã quy hoạch quỹ đất, dành nguồn kinh phí và huy động Nhân dân đóng góp để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động VHVN, thể dục thể thao ở địa phương.
Tại huyện Ngọc Lặc, hiện có khoảng 213 đội văn nghệ và 2 CLB hoạt động thường xuyên, đó là CLB văn hóa làng Lập Thắng xã Thạch Lập và CLB văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc. Những năm qua, ngoài việc tập luyện, sinh hoạt văn nghệ thường xuyên tại nhà văn hóa và phục vụ Nhân dân những dịp đầu xuân năm mới, các ngày lễ; các CLB, đội văn nghệ trong huyện còn tích cực tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn do huyện và tỉnh tổ chức. Đồng thời, các CLB, đội văn nghệ trong huyện còn phối hợp với một số khu, điểm du lịch trong huyện và Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) để biểu diễn phục vụ du khách. Cũng nhờ hoạt động tích cực từ các CLB, đội văn nghệ mà đến nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống của huyện vẫn còn được gìn giữ, phát huy, có nhiều di sản văn hóa đã vượt ra khỏi không gian địa lý của làng, xã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: trò diễn pồn pôông, nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên, nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa... Các di sản văn hóa sau khi được vinh danh đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Đồng thời, đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch của huyện phát triển, tạo sức hấp dẫn du khách đến tham quan.
Có thể nói, hoạt động VHVN đã và đang khẳng định được chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân ở các huyện miền núi. Đến nay, đa số tại các thôn, bản ở các huyện miền núi đều thành lập và duy trì hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng, thành viên là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Mỗi năm có hàng trăm buổi biểu diễn và các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được các địa phương miền núi tổ chức, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Trong những năm qua, để các hoạt động VHVN ở các địa phương miền núi ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của Nhân dân, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã tích cực mở các lớp tập huấn về biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho các đội văn nghệ du lịch cộng đồng; các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... Thông qua các lớp tập huấn, đơn vị đã hướng dẫn chỉ đạo cơ sở thành lập các CLB, đội văn nghệ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ngày một tốt hơn, đồng thời đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút được đông đảo du khách đến thưởng thức, tham quan.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại thì hoạt động VHVN ở các huyện miền núi cũng còn một số khó khăn, đó là nguồn kinh phí dành cho hoạt động VHVN chủ yếu là xã hội hóa do bà con tự đóng góp nên quy mô tổ chức các hoạt động chưa phong phú, đa dạng, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Các nghệ nhân am hiểu VHVN, bản sắc dân tộc ở khu vực miền núi hầu hết tuổi đã cao, số lượng còn ít, bởi vậy việc truyền dạy cho lớp trẻ cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của VHVN để phục vụ phát triển du lịch... Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở miền núi cần có sự quan tâm hơn nữa, để các phong trào VHVN quần chúng ngày càng được lan tỏa và tạo được chỗ đứng vững chắc trong đời sống cộng đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-09-02 08:32:00
Để các giá trị văn hóa - lịch sử đến gần hơn với giới trẻ
Cuộc thi vẽ tranh “TP Thanh Hóa trong trái tim em”: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi
[E-Magazine] – Vùng đất lở hồi sinh
Xây dựng nền đối ngoại mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam
Tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ
Nhà sàn làm du lịch
Trên đất Kỳ Tân
Trưng bày nhiều chuyên đề tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2/9
Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu mạo”
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ hồi ức về mẹ qua “Những ô cửa gió lộng”