(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thư viện Quốc gia Việt Nam - tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương, ra đời tháng 11/1917. Năm 2017, Thư viện Quốc gia Việt Nam tròn 100 năm (1917 - 2017).

Tin liên quan

Đọc nhiều

100 năm Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ký ức không quên

(VH&ĐS) Thư viện Quốc gia Việt Nam - tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương, ra đời tháng 11/1917. Năm 2017, Thư viện Quốc gia Việt Nam tròn 100 năm (1917 - 2017).

Biết bao thế hệ học sinh, sinh viên và những nhà nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực đến Thư viện Quốc gia Việt Nam đọc sách, tìm tài liệu nghiên cứu học tập. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã góp phần đắc lực nâng cao kiến thức cho nhiều bạn đọc trở thành người có đạo lý và tri thức phục vụ Tổ quốc. Đất nước đổi mới Thư viện Quốc gia đã và đang vận hành cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ chuyên sâu đa ngành, hầu hết cán bộ là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể nói Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay như là một “Tháp trí tuệ” ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thành tích Thư viện Quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh bằng những phần thưởng cao quý, tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ. Trong thời kỳ hội nhập thư viện có quan hệ trao đổi sách với nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia vào hiệp hội thư viện khu vực và thế giới.

Năm 1956 Thư viện Thanh Hóa được thành lập cùng như các thư viện tỉnh thành trên toàn miền Bắc lần lượt ra đời phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở vững chắc để đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Thời kỳ ấy hầu hết cán bộ thư viện cấp tỉnh do Ty văn hóa phân công rất mới mẻ chưa am hiểu nghiệp vụ thư viện. Chính vì vậy, họ phải đến Thư viện Quốc gia bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc để cán bộ biết vào sổ cá biệt, tổng quát, biết miêu tả phich, phân biệt sách... Sau đó, Thư viện Quốc gia cùng lần lượt mở các lớp nghiệp vụ ngắn hạn để tạo điều kiện cho các thư viện tỉnh biết nghiệp vụ thư viện để hoạt động có hiệu quả. Giảng viên các lớp lúc bấy giờ hầu hết là cán bộ của Thư viện Quốc gia rất tâm huyết với sự nghiệp như ông Nguyễn Đình Khang, Nguyễn Văn Quang... Các ông đã lý luận về công tác thư viện rất hấp dẫn và vô cùng quan trọng với con người “Sách báo là nguồn tri thức”... Các học viên lúc đó thấy nghề thư viện có nhiều cái thú vị nhưng phải là người say mê đọc sách thì mới say mê với nghiệp vụ thư viện. Đến năm 1960 Thư viện Quốc gia mở ra chương mới hướng về Liên Xô, đất nước của Lê-nin vĩ đại mời chuyên gia thư viện Xê-Rốp sang nước ta để đào tạo lớp Trung cấp thư viện chính quy đầu tiên, lúc đó các học viên sung sướng nói rằng “Lớp thư viện trung cấp Xê-Rốp đầu tiên học tại cơ quan thư viện Quốc gia Việt Nam thật là sung sướng biết bao”. Bấy giờ ai được lãnh đạo duyệt cho đi học là gặp số đỏ, có thể nói như được hưởng một luồng gió mới. Hoạt động thư viện đã tạo tiếng vang trong ngành văn hóa. Điều đó nói lên tình hữu nghị Việt - Xô vô cùng thắm thiết. Sau đó, Bộ Văn hóa có tầm nhìn chiến lược đã cử một số học sinh sang Liên Xô học lớp Đại học Thư viện, ở Thanh Hóa có ông Lê Văn Bài là giáo viên cấp II, say mê đi học đại học thư viện. Người xứ Thanh, cũng được vinh dự có một số nghiên cứu sinh sang Liên Xô học, trong đó có 4 vị phó tiến sĩ làm việc rất tận tình, yêu nghề mà tôi đã gặp trò chuyện rất thân mật có các ông, bà Vũ Đình Giám, Cao Thị Bạch Mai, Đỗ Hữu Thích, Lê Văn Viết.

Đối với tôi, còn một hình ảnh mãi không quên đó là thời kỳ tôi làm thư viện ở Thanh Hóa được đi dự các hội nghị tổng kết và hội nghị chuyên đề. Những năm tháng đó đến Thư viện Quốc gia được gặp các bạn đồng nghiệp, các bạn giàu tâm huyết với sự nghiệp thư viện để trao đổi nghiệp học thư viện, đặc biệt là được nghe ông Nguyễn Văn Xước, giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam hồi đó nói chuyện về công tác thư viện, thư mục phải yêu nghề trước hết phải đọc sách trở thành thói quen để còn giới thiệu sách cho bạn đọc biết cuốn sách hay, ngoài ra ông cũng nhấn mạnh các đồng chí phải tổ chức các buổi nói chuyện thơ, văn do các nhà văn, nhà thơ trình bày để gây tiếng vang và được xã hội công nhận các buổi nói chuyện là rất bổ ích. Tôi đã làm theo ý kiến của ông Giám đốc Thư viện Quốc gia hướng đẫn đều thấy thiết thực và được bạn đọc hoan nghênh.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân rất ác liệt, Thư viện Quốc gia cử ông Nguyễn Đình Khang vào Thanh Hóa công tác để phục vụ sản xuất và chiến đấu bằng chức năng của thư viện phát động một cao trào đến với cán bộ, bộ đội và toàn dân đọc các tác phẩm “Bất khuất”, “Từ tuyến đầu Tổ quốc”; “Người mẹ cầm súng”; “Sống như anh”; “Thanh Hóa kiên cường”... nhằm mục đích là giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam để chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ.

Tôi (tác giả) cùng với ông Nguyễn Đình Khang đạp xe đạp đi về cơ sở làm việc rất sôi nổi. Ông và tôi làm nhiệm vụ giới thiệu sách đến với bà con nông dân, bộ đội, dân quân với phương châm sách đi tìm người đọc, người đi tìm sách đọc. Cấp ủy và chính quyền nơi nào đó mà chưa nhận thức đúng vai trò của sách báo phục vụ con người, việc này là cán bộ thư viện phải lý giải, tuyên truyền cho các vị lãnh đạo nơi đó nhận thức đúng vị thế của thư viện.

Vai trò vị thế của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong thời chiến đi hai chân cùng nhịp bước, chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thư viện và chăm lo phong trào đọc sách báo, làm theo sách, báo, phục vụ sản xuất và chiến đấu có hiệu quả.

Thư viện Quốc gia Việt Nam có bề dày lịch sử 100 năm, một trăm năm ấy biết bao nhiêu tình. Chúc mừng Thư viện Quốc gia Việt Nam thân yêu của chúng ta mãi mãi xanh tươi như “Cây đời” Việt Nam.

Nguyễn Trọng Hữu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]