(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cách đây 1770 năm vào năm 248 đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và tác dụng lớn lao. Đó là cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của nhà Đông Ngô do người con gái họ Triệu - Triệu Thị Trinh ở vùng đất Cửu Chân (thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày nay) trực tiếp lãnh đạo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

1770 năm cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và những giá trị lịch sử trường tồn

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cách đây 1770 năm vào năm 248 đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và tác dụng lớn lao. Đó là cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của nhà Đông Ngô do người con gái họ Triệu - Triệu Thị Trinh ở vùng đất Cửu Chân (thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày nay) trực tiếp lãnh đạo.

Kết quả của cuộc khởi nghĩa này đã có ảnh hưởng lan rộng trong cả Giao Châu, thúc đẩy tinh thần phản kháng, chống đồng hóa của cả dân tộc và thực sự đã làm thức tỉnh nhân dân cả nước, tạo ra những bước chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng và hình thái đấu tranh giải phóng dân tộc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Lần giở lại những trang sử cũ, trước hết ở trong thư tịch cổ Trung Quốc, phần Ngô thư trong Tam Quốc chí của tác giả Trần Thọ khi chép về truyện Lục Khải, có phụ chép chuyện em của Khải là Lục Dận cho biết: Năm Xích Ô thứ 11 (triều Ngô Tôn Quyền - năm 248), bọn giặc ở Cửu Chân, Giao Chỉ tấn công thu được thành ấp, vùng Giao Châu rối loạn. (Vua Ngô) sai (Lục) Dận làm Thứ sử Giao Châu, Hiệu úy An Nam. Khi Dận vào trong nước Nam (chỉ Giao Châu), chiêu dụ bằng ơn huệ và tin phục, chủ yếu tôn sùng việc chiêu mộ, thu nạp(1).

Thư tịch Trung Quốc chép trực tiếp về Bà Triệu chỉ có sách Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ biên soạn vào thế kỷ V, sau đó thất truyền, một số đoạn được các tác giả đời sau ghi lại vào trong tác phẩm của mình như Nhạc Sử, người đời Tống biên soạn Thái Bình hoàn vũ ký. Phần viết về Bà Triệu không được ghi thành một mục riêng, mà chỉ ghi lại nội dung vắn tắt lẫn vào trong bối cảnh xã hội chung của Giao Châu.

Sách Nam Việt chí, do Thẩm Hoài Viễn người đời Nam Tống soạn cũng chép nội dung tương tự về Bà Triệu: Khoảng năm thứ 11 niên hiệu Xích Ô (của Ngô Tôn Quyền), ở quận Cửu Chân, “Người con gái là Triệu Ẩu huyện Quân Yên (An), thường câu kết bè đảng trong núi, đánh cướp quận huyện, thường mặc áo sắc vàng, đi guốc ngà, hay ngồi đầu voi mà đánh nhau với quân địch”(2).

Thư tịch cổ Việt Nam chép về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248 được đề cập đến đầu tiên là sách Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần cuối thế kỷ XIV, không có tư liệu nào liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, nhưng trong danh sách Các quan cai trị các đời có viết: Lục Doãn, người nhà Ngô. Theo chú thích của dịch giả Trần Quốc Vượng: có sách chép là Lục Dận, thay Lã Đại làm Thứ sử, đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cửu Chân và cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu cũng ở Cửu Chân tiếp sau đó (Tam Quốc chí, Ngô thư, Lục Khải truyện, phụ truyện: em là Dận)(3).

Sách An Nam chí lược của Lê Tắc trong quyển 7 cũng có chép về Lục Dận, nhưng lại chép nhầm thành Lục Duệ(4).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, do nhóm sử thần triều Lê biên soạn có 2 đoạn viết về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248. Đặc biệt, trong phần Việt giám thông khảo Tổng luận đã ca ngợi chiến công của Bà Triệu như sau: “Triệu Ẩu là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới”(5).

Đại Việt sử ký tiền biên, bộ Quốc sử được xuất bản dưới triều Tây Sơn cũng đã có những dòng chép với nội dung tương tự như Đại Việt sử ký toàn thư: có chi tiết hơi khác, đó là: “Người con gái tên là Triệu Ẩu ở huyện Ninh Hóa, quận Cửu Chân, tụ tập nhiều người đánh phá quận huyện”(6).

Quốc Sử quán cơ quan biên soạn Quốc sử triều Nguyễn đã biên soạn và cho xuất bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục - bộ Quốc sử lớn nhất và phản ánh được nội dung nhiều mặt của lịch sử Việt Nam từ thời kỳ Hùng Vương đến năm 1789 (đời vua Lê Chiêu Thống). Phần viết về Bà Triệu và khởi nghĩa năm 248, cũng được các sử thần triều Nguyễn ghi chép khá đầy đủ(7).

Quốc sử quán triều Nguyễn còn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, viết về các mặt diên cách, khí hậu, phong tục, sản vật, danh nhân... của các tỉnh thuộc Việt Nam đương thời. Trong hai phần Đền thờ và Liệt nữ của tỉnh Thanh Hóa, đều có chép về Bà Triệu: “Đền Triệu Ẩu ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa. Đời Lê phong tặng, đến bản triều lại gia phong, lại có đền thờ ở huyện Yên Hóa, tỉnh Ninh Bình”(8)và: “...Quảng Đông tân ngữ nói: “Triệu Ẩu là anh hùng trong phụ nữ”. Lại có thuyết nói, Triệu Ẩu người huyện Quân Yên, quận Cửu Chân, tập hợp đồ đảng trong núi Bồ Điền. Nay xét: Huyện Quân Yên xưa tức huyện Yên Định bây giờ và Bồ Điền xưa tức xã Phú Điền bây giờ (nguyên thuộc huyện Hậu Lộc, nay thuộc huyện Mỹ Hóa), đền thờ Bà ở chân núi ấy”(9).

Vào cuối thế kỷ XIX, hai tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái khi biên soạn cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca viết bằng chữ Nôm năm 1870 đã giành một ít dòng để viết về Khởi nghĩa Bà Triệu với tiêu đề Bà Triệu Ẩu đánh Ngô như sau:

“Cửu Chân có ả Triệu kiều,

Vú dài ba thước tài cao hơn người.

Gặp cơn thảo muội cơ trời,

Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.

Đầu voi phất ngọn cờ vàng,

Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.

Chông gai một cuộc quan hà,

Dù khi chiến tử còn là hiển linh”(10).

Bà Triệu cưỡi voi - Tranh Đông Hồ.

Tập trung tư liệu đầy đủ nhất về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248 được chép trong cuốn Thanh Hóa kỷ thắng do Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh biên soạn bằng chữ Hán vào đầu thế kỷ XX.

Nguyên bản cuốn Thanh Hóa kỷ thắng khoảng 27.000 từ Hán, mô tả khá đầy đủ các di tích lịch sử, cảnh đẹp, danh lam của Thanh Hóa thời bấy giờ, gắn với tên tuổi một số vị anh hùng, danh nhân đất nước, cũng như bút tích, thơ ca họ còn để lại. Cuốn sách này hoàn thành vào ngày 25 tháng 5 năm Thành Thái 15 (1903)(11).

Vương Duy Trinh đã giành khoảng 1090 chữ Hán để chuyển tải nội dung phong phú về Bà Triệu, đây là những tư liệu được chắt lọc qua thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc, cùng nhiều tư liệu dân gian, truyền miệng, được thu thập sưu tầm tại các địa phương trong Thanh Hóa.

Ngoài hệ thống thư tịch cổ cùng các sách sử được ghi chép bằng Hán Nôm, hiện tại còn có hệ thống tư liệu Hán Nôm như Sắc phong các triều đại, câu đối, thần tích, sự tích..., cùng nhiều truyện kể dân gian được lưu giữ tại trong dân gian tại các địa phương tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở ngay đền thờ Bà Triệu ở xã Phú Điền, cũng cung cấp cho chúng ta một khối lượng sử liệu phong phú để tìm hiểu về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248.

Hiện còn 10 đạo sắc phong của các triều đại vua từ triều Lê đến triều Nguyễn, trong đó có 1 Đạo sắc vào năm thứ 9 triều vua Khải Định (1924) ban cho xã Phú Điền, tổng Đại Lý, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi vốn phụng thờ Dực bảo Trung hưng linh phù Triệu Ẩu tôn thần, được tăng thêm trật lên Thượng đẳng thần.

Có 9 đạo Sắc phong ban cho vị tôn thần có mỹ tự là Hối sơn uy linh hiển ứng..., niên đại sớm nhất của Sắc phong vào năm Đức Long thứ 6 triều vua Lê Thần Tông (1634), tính đến nay (2018) đã được tròn 384 năm. Theo Sự tích về ba ông họ Lý hiện lưu giữ tại đình làng Phú Điền cho biết: Triệu Trinh Nương sau khi hóa tại núi Hối Sơn vào ngày 24 tháng 2, lập tức các côn trùng đùn thành mộ lớn, từ đó đặt tên là Hối Sơn thần. Vào triều vua Lý Thái Tông niên hiệu Càn Phù (1039 - 1041), thần Hối Sơn âm phù chiến thắng giặc Chiêm. Sau khi dẹp xong giặc, Vua trở về làm lễ tạ ơn tại Miếu thiêng, cấp cho 7 khu ruộng, 700 quan tiền, miễn binh dịch tạp dịch cho dân làng, ban phong là Thượng đẳng thần, Đương cảnh Thành hoàng Hối Sơn phương anh, trợ thuận tôn linh Công chúa.

Còn có nhiều câu đối ca ngợi Bà Triệu và chiến công đánh thắng giặc Ngô của Bà đang hiện diện tại đền thờ Bà Triệu, trong đó tiêu biểu như:

Phiên âm:

Tượng đầu kim hạt sanh Ngô tướng,

Cổn vũ long chương hộ hộ quốc thần.

Dịch nghĩa:

(Lúc bình sinh), áo vàng cưỡi trên đầu voi, là Tướng đánh đuổi giặc Ngô,

(Khi hóa đi), trên mình khoác áo Long Cổn, là Thần bảo vệ đất nước.

1770 năm đã trôi qua, biết bao đổi thay của lịch sử trên đất nước chúng ta nhưng những giá trị về sử liệu viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và hình ảnh người con gái diễm lệ, kiên trung bất khuất, ngồi trên đầu voi với trang phục đẹp đẽ đánh đuổi kẻ thù xâm lược vẫn còn in đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Sức sống trường tồn của cuộc khởi nghĩa này đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta đương thời; tiếp tục chứng minh vai trò khả năng to lớn của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước thần kỳ của Việt Nam. Ý thức độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên con đường hình thành, phát triển, đã được tôi luyện và trưởng thành trong những thử thách khốc liệt nhất, mà tiêu biểu là khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 và tiếp theo là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248. Tinh thần quật cường bất khuất mãi được tiếp nối và âm ỉ nung nấu trong lòng mỗi người dân đất Việt, để rồi có dịp bùng lên, biến thành bão táp quét sạch ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc, khai sáng kỷ nguyên độc lập, tự chủ của Việt Nam ở thế kỷ X.

-------------

(1) TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học dịch.

(2) Nam Việt chí, dẫn theo Trung Quốc thông sử, Quách Chấn Đạc, Trương Tiếu Mai chủ biên. TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học dịch.

(3) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb.Văn Sử Địa, H, 1960, tr.24.

(4) Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, tr.148.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998, tr.167-168.

(6) Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb.KHXH, H, 1997, tr.88.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb.Giáo Dục, H, 1998, tr.142.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (tái bản lần thứ hai), Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.339.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.378-379.

(10) Lê Đình Toái và Phạm Ngô Cát, Đại Nam quốc sử diễn ca, Tựa và Dẫn của Hoàng Xuân Hãn, Nxb.Sông Nhị, Hà Nội, 1952, tr.70-71.

(11) Hương Nao, Vương Duy Trinh và các tác phẩm của ông, xuthanhnet.wordpress.com, 1-03-2012.

TS. Phạm Văn Tuấn


TS. Phạm Văn Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]