(vhds.baothanhhoa.vn) - Người Mường xuất hiện và cư trú lâu đời ở Việt Nam cùng với dân tộc Việt. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số có số lượng dân số đông thứ ba và phạm vi cư trú có phổ rộng chỉ đứng sau dân tộc Kinh. Trong quá trình tồn tại và phát triển cộng đồng, người Mường đã xây dựng cho mình một nền văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc. Bài viết sẽ tập trung khảo sát một phong tục văn hóa của người Mường vừa rất khoa học vừa giàu tính nhân văn, là phong tục làm “mo”.

Bảo tồn, gìn giữ phong tục “mo” của người Mường

Người Mường xuất hiện và cư trú lâu đời ở Việt Nam cùng với dân tộc Việt. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số có số lượng dân số đông thứ ba và phạm vi cư trú có phổ rộng chỉ đứng sau dân tộc Kinh. Trong quá trình tồn tại và phát triển cộng đồng, người Mường đã xây dựng cho mình một nền văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc. Bài viết sẽ tập trung khảo sát một phong tục văn hóa của người Mường vừa rất khoa học vừa giàu tính nhân văn, là phong tục làm “mo”.

Bảo tồn, gìn giữ phong tục “mo” của người Mường

(Ảnh minh họa).

Người mường gọi “đám Mo”, “thầy Mo”, vậy, “mo” nghĩa là gì? “Mo” vừa là lời khấn, bài khấn trước thần linh do thầy cúng (Ậu mo) đảm trách. Người Mường cho rằng, vạn vật đều có “vía”, có “hồn” và được cai quản bởi các đấng thần linh siêu nhiên. Vì vậy, trước mỗi việc hệ trọng liên quan đến cuộc sống gia đình hoặc sinh mạng mỗi người (ốm đau, sinh - tử, …), người Mường thường mời thầy ông Ậu đến “mo” trong các dịp này. Những bài mo (lời khấn) ấy thường chứa đựng những nội dung thông tin mong muốn của người cầu xin với thần linh. Như vậy, thầy mo, chính là người sáng tác (trong mọi tình huống) và lưu giữ các bài mo ấy. Ở nghĩa này thì những “đám mo” có mục đích và nội dung rất phong phú: đám mo cúng thần rừng, thần núi, cúng cơm mới, cũng xuống đồng, mừng nhà mới, cúng vía, giữ vía…Cứ có tổ chức cầu xin thần linh, có mời ông Ậu đến cúng là có “mo”. Nghĩa thứ hai, hẹp hơn, là “bài ca tang lễ”, chỉ dành riêng trong lễ tang, gắn với lễ tang là toàn bộ nghi thức cầu cúng. Đám tang của người Mường nhất định phải có “mo”. Người Mường còn gọi đám tang là “Mo ma” là như vậy.

Trong đời sống của người Mường có nhiều lễ cúng như: cúng bản, cúng mường cầu cho bản mường bình yên no ấm; cúng rừng để cầu cho thần rừng che chở, cuộc sống ấm no, bình yên; Cúng đưa hồn ma lên thế giới “mường ma” để được yên vị, đủ đầy. Ngoài ra còn cúng khi đau ốm (cúng vía), cúng lên nhà mới, cúng khi đám cưới, cúng xuống đồng, cúng mừng cơm mới… Nghi lễ tâm linh này giống như liều thuốc tinh thần vô cùng cần thiết và ý nghĩa trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường từ bao đời nay. Lời Mo (bài khấn) không chỉ là lời ước vọng mà còn lời giao kết với thần linh và với chính người trong cuộc. Cùng với niềm tin trong nghi lễ, lời mo giúp cho cộng đồng người củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước những thử thách của cuộc sống, giúp con người biết hướng thiện, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà dạy và luật tục của bản mường.

Như vậy, các “đám mo” này nằm trong sinh hoạt thường niên của người Mường. Ý nghĩa của các cuộc mo đã giúp hình thành ý thức gìn giữ môi trường sống gắn bó, nương tựa vào tự nhiên. Ý thức ấy bắt nguồn từ sâu thẳm của lòng biết ơn môi trường sống. Trí tuệ của người Mường cổ đã hình thành cho con cháu mình niềm tin tín ngưỡng trước thiên nhiên, đấy là cách thức tốt nhất để bảo vệ nòi giống, cộng đồng. Đó cũng là nguyên nhân khiến người Mường hình thành nên những tập tục văn hóa tinh thần rất đáng trân trọng.

Mo lễ tang trong nghi lễ tín ngưỡng vòng đời người Mường: Mo lễ tang là nghi lễ cuối cùng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời người Mường, đó là “thủ tục cuối cùng của đời người” được thực hiện hoàn tất. Trong vòng đời người Mường có một loạt nghi lễ: đứa bé chào đời có nghi lễ Làm vía, chẳng may ốm đau có nghi lễ Giữ vía, về già có nghi lễ Buộc vía và nghi lễ cuối cùng chính là nghi lễ Tang Ma. Người Mường quan niệm “Người chết thì sinh ra hồn. Hồn là tất yếu của sự sống sau khi con người chết đi. Hồn tồn tại có hình hài, có nhu cầu, có một đời sống mới và một nơi sống mới. Hồn xuất hiện đồng thời khi con người tắt thở. Hồn không phải là vía và phẩm chất cũng khác vía. Vía yếu ớt dễ bị tổn thương. Hồn dữ hơn, và dễ làm hại đến người sống. Người Mường gọi hồn là Ma và dùng từ Khang làm đại từ danh xưng”. “Người sống sao Ma sống vậy”, nên người Mường ứng xử với Hồn – Ma cẩn thận, chu đáo. Nghi lễ này được làm một cách bài bản, trình tự, tỉ mỉ, thiêng liêng.

Trong làm đám, bên cạnh nghi thức hành lễ là những đêm “mo” – Ậu mo sẽ “Mo” (kể chuyện/ hát” cho người chết (và cả người sống) nghe một bài ca dài gồm các phần: Mo Vải (Mo Vía), Mo Trêu (Mo T’lêu), Mo lên trời, Mo nhắn. Những nghi thức bắt đầu cùng với Mo Vải. Mo Vải tiếng Mường nghĩa là “vía/vài”. Ậu Mo, người có khả năng giao tiếp với thần linh sẽ đảm nhận trọng trách làm chủ lễ. Ậu Mo sẽ mượn danh thần thánh siêu linh – Nổ Mo (Ma Nổ) nói chuyện với hồn. Mo Vải là mo gọi hồn người chết vào trong quan tài (ở đây cần phân biệt víahồn, vía là linh hồn người ta khi còn sống, khi chết, vía gọi là hồn, không ai gọi“vía ma” mà phải gọi “hồn ma”. Nổ Mo sẽ gọi hồn vía người chết nhập quan, giải thích cho hồn về quy luật sinh - tử, giải thích cho hồn hiểu vì sao con người không thể sống mãi mà phải chết, có người sống, có người chết, có các đồ đạc bên hồn là thế nào, đó là đồ dùng trong nhà mà Hồn đã vất vả làm ra để hồn biết, hồn làm quen với sự thật. Hồn vẫn được mời cơm, uống rượu nhưng Nổ Mo bắt hồn phải nằm yên trong quan tài, không được đi lại trong nhà nữa. Mo Vải “nhắc nhở” hồn giờ đã “vóc chết, mình già” phải nằm yên trong quan tài không được đi lại trong nhà nữa. Đây là phần mo mà bất cứ đám tang nào dù nghèo mấy cũng phải mo. Điều này cho thấy người Mường đã xác định ranh giới rất rõ ràng giữa sống và chết. Đây là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, không lẫn lộn, người sống đã lo chu đáo cho người chết thì hồn vía ma cũng cần tuân theo lệ tục về nơi xứ sở của mình để con cháu yên bề làm ăn, không quấy quả lẫn nhau. Có thể nói, đây là nhận thức biện chứng sắc sảo của tư duy duy vật. Nó giúp người sống cởi bỏ xúc cảm lấn cấn, day dứt để hướng đến tương lai. Thế giới tình cảm luôn không có hạn định và ranh giới, tuy nhiên, nếu người ta không chế ngự được cảm xúc, cứ đắm chìm trong sự dẫn dắt của cảm xúc thì cuộc sống sẽ lẩn quẩn, bế tắc. Không chỉ lo cho người chết mà còn nghĩ đến người sống, Mo Vải - một phần trong bài trường thiên kể trong đám ma của người Mường có ý nghĩa thật nhân văn sâu sắc.

Tiếp đó, Nổ Mo sẽ kể tiếp mo Lên trời để hồn cảm nhận được thế giới Mường Trời. Ở đấy, hồn sẽ được chuộc tên, chuộc số, chuộc tội để về Mường Ma. Đây là nghi thức bắt buộc của bất cứ đám tang ma nào. Nổ Mo sẽ dẫn hồn lên trời để chuộc số, chuộc tên, chuộc tội (xin đuông). “Người Mường quan niệm rằng chết thì không còn là người, nhưng chết vẫn không thành ma nếu chưa chuộc được số và xin được đuông”. Khi chuộc số, những Ma nào không có tội mới chuộc được số, nghĩa là phải là người lương thiện khi còn sống. Chuộc được số, hồn mới được yên lành, mới ra kiếp Ma, mới có thể đi mây về gió, mới về để phù hộ cho con cháu khi cần. Nếu chưa chuộc được số (nghĩa là lúc sống có tội) thì phải theo Nổ Mo đến cửa Bụt để xin đuông (chuộc tội). Người Mường truyền cho con cháu: Sống cho ra con người/ Chết cho ra kiếp ma (Khồng rênh tới/ Chết rênh tuông (đuông)); Sống phải nên gỗ nên lạt/ Chết phải nên củi nên đóm/ (Khồng cho rênh khăng rênh laich/ Chết cho rênh củi rênh tiêm). Sau khi xin đuông, hồn sẽ được Nổ Mo dẫn đi gặp Lang Chẹo Ré để ngài mở cửa trời cho nhìn xuống trần gian lần cuối và gặp Tà Keo Renh để được nhìn đất nhìn mường, nhìn nội ngoại gia đình lần cuối rồi hồn phải đến ngay Mường Ma gặp “ma ông, ma cố, đến với cụm chúa khai, cai chúa đống” để xin đất làm nhà, xin đất làm ăn. Tiếp sau mo Lên trời là mo Nhắn. Sau khi hồn đã nhận “ma ông, ma tổ”, “nhận họ”, nhận “đất làm nhà”, “chia của”, hồn sẽ nhắn nhủ con cháu, dâu rể, vật nuôi những lời cuối trước khi vĩnh viễn về với tổ tiên. Cuông “Đưa ma về rừng”, vì vậy, không thể tùy tiện cắt bớt trong bất kỳ đám tang nào, đây cũng thuộc nội dung cốt lõi mà cuộc mo tang lễ nào cũng không thể thiếu.

Nếu một cuộc Mo tang lễ chỉ có Mo Vải, Mo Lên trờiMo Nhắn thì chỉ diễn ra từ ba đến bốn đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, đám tang của các nhà Lang Đạo xưa thường mo từ 10 đến 12 đêm. Đặc biệt, xa xưa ở mường Bi có dòng lang còn để quan tài trong nhà hai chục năm và mo liên tục các đêm trong 20 năm ấy”. Vậy, trong những cuộc mo diễn ra đến mười, mười hai đêm thì ông Ậu sẽ thêm nội dung gì? Đó chính là lý do có sự xuất hiện của Mo Tlêu (Mo Trêu). Mo Trêu là mo Cuông Nổ dẫn hồn đi chơi để nghe lại chuyện đẻ đất, đẻ nước, lịch sử hình thành quê hương xứ sở, phong tục tập quán, ghi nhớ công ơn nguồn cội. Theo nhà nghiên cứu Vương Anh, “Trong đám ma nhà lang đạo mới có thời gian để Mo Trêu”. Tác giả còn cung cấp một thông tin rất thú vị: “Người Mường Thanh Hóa, khi ông già, bà cả mệt mỏi, ốm đau lâu ngày mà đã thượng thọ thì con cháu (với nhà có khả năng kinh tế) thường tổ chức làm vía gọi là “kéo si, kéo sanh” và Mo Trêu. Những cụ được Mo trêu coi như đã được làm ma sống rồi, lúc chết chẳng ân hận gì nữa”. Như vậy, trong một cuộc Mo lễ tang của Người Mường sẽ có một hệ thống các bài ca tang lễ, độ dài ngắn của các đêm mo khác nhau. Với những gia đình nghèo thường chỉ tổ chức trong hai hoặc ba đêm, trong những đêm ấy, Ậu Mo chỉ mo những phần bắt buộc: Mo VảiMo Nhắn. Những nhà khá giả hơn có thêm Mo Lên trời. Mỗi đêm Mo các gia đình đều phải mổ lợn hoặc trâu bò để dâng cúng, chia phần cho ông Ậu và mời khách, vì vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện này. Chỉ các nhà giàu như Thổ ty lang đạo mới muốn kéo dài các đêm mo vừa để “khoe” giàu sang, quyền lực, vừa để hồn ma nhà được “hưởng thụ” thêm sự giàu có của gia đình. Vì vậy, Ậu Mo phải chuẩn bị thêm nội dung Mo cho các đêm kéo dài ấy. Mo Lên trời được dùng thường xuyên hơn với hi vọng hồn có đất, có nhà ở mường Ma, không phải lang thang không nhà không cửa. Mo Trêu có vị trí khá “uyển chuyển”, trong đám tang chỉ nhà rất giàu mới dùng vì các đêm Mo càng kéo dài càng tốn kém, gia chủ nghèo không thể kham nổi, tuy nhiên, Mo Trêu có thể dùng cho các đám mo Giữ vía, thậm chí có thể dùng trong đám cưới.

Như vậy, qua nghi lễ tang ma và nội dung các bài mo thì thấy, người Mường rất coi trọng phần vỗ về linh hồn người chết và an ủi,động viên người sống. Thế giới Mường Ma cũng là một thế giới. Người ta chết đi lại hội nhập với những người thân quen trong họ hàng, với “ma cố”, “ma ông”, tổ tiên mà thôi. Cách cảm nhận về thế giới ba tầng trời khiến cuộc chia ly đau đớn với người thân được làm mờ đi, được an ủi phần nào. Cái chết không còn đáng sợ, không phải là sự kết thúc mà là bắt đầu một hành trình mới. Thêm nữa, hành trình này không cô đơn lạnh lẽo mà đã có người thân đón đợi, không phải là ra đi mà là trở về, trở về với nguồn cội.

Mo Lễ tang không chỉ là cách ứng xử với cái chết của người thân mà còn bộc lộ nhận thức giàu tính triết lý về vũ trụ và nhân sinh. Mo Tang lễ bộc lộ quan niệm về sống – chết và cách ứng xử nhân văn giàu triết lý sinh thái của người Mường. Đưa tiễn người thân đã mất với tất cả sự thành kính, chu đáo với mong muốn hồn có cuộc sống ổn định, vui vẻ ở thế giới Mường Ma bên cạnh ma ông, ma cố. Cũng thật lạ, hành trình đến với Mường Ma đồng thời là hành trình nhận thức: nhận thức về sống – chết, nhận thức về vũ trụ ba tầng trời, nhận thức về thế giới vĩnh hằng. Điều đáng kể là, nhận thức này không chỉ để cho người chết mà chính là cho người sống (những người ngồi nghe mo). Từ những nhận thức này, người ta không còn thấy sợ “chết” và chấp nhận như quy luật tạo hóa, thêm nữa, còn phải tự sửa mình, sống không vi phạm những quy tắc, tập tục của dân bản mới ra “kiếp Ma” linh thiêng, có nhà, có cửa, có đất làm ăn, đi mây về gió, mới phù hộ được cho con cháu. Quả thực, người Mường đã biến không gian đau buồn thành không gian thiêng, thành môi trường giáo dục hiệu quả và chí lý. Đằng sau lớp vỏ tín ngưỡng ấy là yếu tố văn minh của tập tục văn hóa rất cần được bảo tồn, khai thác.

Đã có một thời gian dài, với quan điểm “phản phong” và “duy vật” cứng nhắc, ấu trĩ, những nhà quản lý văn hóa đã khép “mo” và thầy mo vào bộ phận “mê tín, dị đoan” cần bài trừ. Việc cấm các Ậu Mo làm nghề đã dẫn đến hậu quả các đám mo dần thất truyền. Càng ngày người ta càng nhận thấy vai trò, ý nghĩa của các giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của các tộc người. Trong xu thế hội nhập thế giới, việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa sẽ giúp các dân tộc trở nên độc đáo, sáng tạo và mạnh mẽ hơn.

Hỏa Diệu Thúy


Hỏa Diệu Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]