(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người Thanh Hóa từ khởi thủy đến ngày nay nhưng bạn lại không có nhiều thời gian cho những cuốn sách dầy dặn khô cứng. Và bạn cũng muốn để mình trải nghiệm việc “học” với nhiều cảm xúc, hay một chuyến đi chơi cuối tuần hữu ích cho cả gia đình thì có lẽ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là điểm đến thích hợp. Ở đó, ta nhìn thấy một không gian văn hóa xứ Thanh vô cùng đặc biệt từ những hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có một không gian văn hóa xứ Thanh

Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người Thanh Hóa từ khởi thủy đến ngày nay nhưng bạn lại không có nhiều thời gian cho những cuốn sách dầy dặn khô cứng. Và bạn cũng muốn để mình trải nghiệm việc “học” với nhiều cảm xúc, hay một chuyến đi chơi cuối tuần hữu ích cho cả gia đình thì có lẽ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là điểm đến thích hợp. Ở đó, ta nhìn thấy một không gian văn hóa xứ Thanh vô cùng đặc biệt từ những hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày.

Đặc sắc văn hóa Đông Sơn

Nhắc đến các nền văn hóa lớn trong lịch sử, có thể nào không biết về văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa thuộc thời đại kim khí, cách ngày nay hơn 2.000 năm. Và Thanh Hóa tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra những di vật của một nền văn hóa phát triển rực rỡ. Đó là thời điểm năm 1924, tại ngôi làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) ven bờ sông Mã. Để rồi sau đấy, năm 1934, nhà khảo cổ người Áo R.Heine Geldern đã đề nghị lấy tên ngôi làng cổ Đông Sơn để đặt tên cho một nền văn hóa. Dù sau này, di vật của văn hóa Đông Sơn tiếp tục được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía Bắc của nước ta song Thanh Hóa vẫn được xem như cái nôi của văn hóa Đông Sơn.

Trong quá trình khai quật, đa dạng các hiện vật được tìm thấy đã chứng minh sự phát triển rực rỡ của một thời kì. Từ các chất liệu đồng, sắt, gốm, đá với nhiều loại hình chế tác khác nhau: đồ sinh hoạt (thạp, thố, bình, lọ); công cụ lao động (lưỡi cày, cuốc); đồ trang sức (vòng tay, trâm...)... nhưng tiêu biểu và đặc sắc nhất của văn hóa Đông Sơn có lẽ chính là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng không chỉ được xem là sản phẩm đỉnh cao của công nghệ đúc đồng: “Với khuôn phá tạo ra những khối hình vừa phải nhưng hoành tráng, hoa văn trang trí có bố cục chặt chẽ, tinh xảo, dày đặc... khiến giờ đây, những nghệ nhân tài ba ở các làng nghề dù đã có sự trợ giúp từ các kĩ sư và thiết bị hiện đại cũng phải nghiêng mình trước sự khéo léo của nghệ nhân luyện đúc thời Đông Sơn... Đúc đồng vẫn là một bí ẩn của thợ thủ công Đông Sơn không dễ gì có thể giải mật”.

Thông qua các hoa văn trang trí khắc trên trống, người nghệ nhân đã tái hiện thế giới tự nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của con người khi ấy. Và đến ngày nay, trống đồng Đông Sơn còn được xem như “tài liệu quý” để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về một giai đoạn vẫn được ví là “chìm trong mây mù của huyền thoại”. Và các yếu tố trang trí mĩ thuật đặc sắc trên trống đồng cũng phản ánh phần nào tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước với ước vọng, cầu mong sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi.

Cùng với việc phát hiện trống đồng Đông Sơn, các nhà khoa học cũng nhanh chóng xác định được vai trò của hiện vật trong lịch sử: Trống đồng là biểu tượng quyền uy tù trưởng, là chính các vị thần linh mà cho tới tận thời kì phong kiến độc lập tự chủ vẫn được thờ trong những ngôi đền mang tên Đồng Cổ; là nhạc khí, thậm chí tham gia vào cả dàn nhạc cung đình; dùng làm trống trận thúc giục chiến sĩ xông pha.

Được biết, với gần 1.700 hiện vật về văn hóa Đông Sơn hiện đang lưu giữ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có lẽ “chỉ sau Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”. Đây thực sự là điều rất đáng tự hào. Các hiện vật không chỉ đa dạng về chất liệu, loại hình mà kiểu dáng vô cùng phong phú phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, văn hóa tinh thần của con người thời kì văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt trong số đó có 2 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam: Kiếm ngắn núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I. Đánh giá về vị thế của văn hóa Đông Sơn trong tiến trình lịch sử của khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) nhận định: “Văn hóa Đông Sơn (miền Bắc và Bắc Trung bộ) - văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) - văn hóa Óc Eo (đồng bằng châu thổ Nam Bộ) được coi như ba trạm thu phát sóng có tần số cực lớn để tiếp nhận và lan tỏa những thành tố văn hóa trên một khu vực rộng lớn, góp phần tạo dựng một Đông Nam Á với nhiều nét tương đồng và dị biệt - một trong những nhân tố cốt lõi trong quá trình hội nhập và phát triển”.

Tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, người dân, đặc biệt là các bạn trẻ tìm thấy những kiến thức, trải nghiệm về lịch sử văn hóa vùng đất và con người xứ Thanh.

Xứ Thanh qua thời gian

Không chỉ sở hữu số lượng lớn hiện vật thời kì văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng được đánh giá là một trong những bảo tàng cấp tỉnh có số lượng hiện vật lớn nhất cả nước với gần 30 nghìn hiện vật. Các hiện vật lưu giữ tại đây gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử, mốc thời gian với nhiều nhóm nội dung, được chia thành 7 phòng trưng bày khác nhau: Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử (phác họa bức tranh sinh hoạt kinh tế của con người trong buổi bình minh lịch sử); Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX; Truyền thống yêu nước và Cách mạng Thanh Hóa giai đoạn 1858 - 1945 (phản ánh giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược); Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn 1945 - 1975; Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa (là phòng trưng bày duy nhất hiện nay ở Việt Nam giới thiệu về một loại cổ vật đặc sắc quý hiếm phát hiện trên đất Thanh Hóa - trống đồng cổ); Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa; Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Bên cạnh các phòng trưng bày thì trong khuôn viên khu vực bảo tàng còn có các tác phẩm mĩ thuật điêu khắc tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, hiện vật thể khối lớn (súng thần công thời Nguyễn, máy bay...). Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị song các hiện vật vẫn được nỗ lực trưng bày, trang trí khá hài hòa, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân.

Trong số gần 30 nghìn hiện vật ở Bảo tàng Thanh Hóa, có lẽ nhóm hiện vật chất liệu gốm chiếm số lượng lớn hơn cả với khoảng 10 nghìn hiện vật: vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ gia dụng. Thông qua những hiện vật ở đây, người xem có thể biết được những ngôi đền, ngôi chùa có từ thời Lý, Trần trên đất Thanh Hóa được xây dựng với chất liệu, hoa văn trang trí ra sao, gửi gắm triết lí nhân sinh gì... Hay đơn giản, những chiếc ấm gốm những tưởng vô hồn nhưng lại hé lộ sự phát triển nghề gốm của cha ông. Từ ấm men rạn ngà đến ấm men trắng ngà, ấm men ngọc xám... đó là cả một quá trình phát triển liên tục, không ngừng nghỉ nỗ lực sáng tạo.

Với địa hình rộng lớn, Thanh Hóa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ; Mông; Dao... trong đó, đồng bào Mường, Thái chiếm số lượng dân số đông, chỉ đứng sau người Kinh. Hầu hết các dân tộc đều sinh sống ở khu vực các huyện miền núi phía Tây xứ Thanh. Mỗi dân tộc và cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống đều mang trong mình những đặc trưng văn hóa riêng biệt, độc đáo. Đó có thể là lễ tục, tín ngưỡng và niềm tin được trao truyền qua thời gian và mỗi thế hệ. Ghé thăm bảo tàng, chúng ta cũng có điều kiện để hiểu hơn về ý nghĩa của tục đắp bếp và nét văn hóa truyền thống qua gác bếp của người Mường. Hay đặc sắc của lễ hội và cây hoa Kin Chiêng Boọc Mạy trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái. Văn hóa vốn dĩ không có sự phân biệt cao - thấp, có chăng là sự khác biệt. Và hầu hết sự khác biệt về văn hóa, của bất cứ dân tộc nào cũng cần được hiểu, được tôn trọng.

Gần đây, bạn trẻ khi đến với bảo tàng đã vô cùng thích thú với không gian trưng bày “Nông cụ truyền thống của người Việt xứ Thanh”. Những công cụ những tưởng thô sơ và mộc mạc đã góp phần tái hiện phương thức canh tác của nghề nông xưa kia. Qua đó, không chỉ mang đến cho khách tham quan cảm giác trải nghiệm mới mẻ mà, để từ đó hiểu và trân trọng công sức lao động của người xưa.

Bảo tàng không chỉ là điểm đến tham quan, đó còn được xác định là địa chỉ học tập cho học sinh, sinh viên hay bất cứ ai có niềm đam mê với lịch sử, văn hóa dân tộc. Đặc biệt, với học sinh các cấp, những hiện vật lưu giữ tại bảo tàng hoàn toàn có thể triển khai thành bài học lịch sử ngoại khóa theo chủ đề vô cùng hấp dẫn: khởi nghĩa Bà Triệu; Khởi nghĩa Lam Sơn... Và để bảo tàng thực sự trở thành điểm đến học tập hấp dẫn của người dân nói riêng, thế hệ trẻ nói riêng, thời gian qua Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với ngành giáo dục của tỉnh tích cực triển khai đề án Học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa. Các đơn vị trường học đã bước đầu chủ động đưa học sinh đến với bảo tàng trong những giờ học ngoại khóa. Về phía bảo tàng, bên cạnh việc giới thiệu về hiện vật theo cách truyền thống, còn tổ chức những trò chơi, hình thức trải nghiệm thú vị để tránh cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt. Bởi vậy, theo đánh giá, lượng khách tham quan đến với bảo tàng trong năm 2019 tăng khoảng 15% so với trước đây.

Thực hiện đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch của Bộ VH,TT&DL, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng đang nỗ lực “tự làm mới” chính mình. Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc bảo tàng chia sẻ: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sở hữu số lượng hiện vật, bộ sưu tập lớn bậc nhất trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh. Hệ thống hiện vật gắn liền với các giai đoạn lịch sử, xã hội của vùng đất Thanh Hóa. Đây chính là nguồn “tài nguyên” vô cùng giá trị để phục vụ du khách tham quan, học tập. Trong thời gian tới, cùng với việc đa dạng hoạt động, công tác phục vụ, tăng cường tuyên truyền và tích cực phối hợp giữa các đơn vị. Hi vọng, bảo tàng thực sự là điểm đến hữu ích, hấp dẫn và thú vị.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]