(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân, hạ, thu, đông - mỗi mùa cho lòng người cảm thức riêng. Và, như một mạch nguồn sáng tạo không bao giờ vơi cạn, mùa xuân thường gắn với cái đẹp, sức trẻ, sự sinh sôi nảy nở với nhiều lạc quan và hy vọng.

Dáng xuân trong thơ Việt

Xuân, hạ, thu, đông - mỗi mùa cho lòng người cảm thức riêng. Và, như một mạch nguồn sáng tạo không bao giờ vơi cạn, mùa xuân thường gắn với cái đẹp, sức trẻ, sự sinh sôi nảy nở với nhiều lạc quan và hy vọng.

Dáng xuân trong thơ Việt

Chẳng biết tự bao giờ, khi nói đến vẻ đẹp mùa xuân thường gợi lên hình dung về sức trẻ, sự tươi mới, thanh tân, sức sống căng tràn. Ảnh: Phạm Nam

Cũng chính vì những đặc tính đó, mà hình dáng mùa xuân đã in dấu, đi vào vô vàn các tác phẩm thơ từ truyền thống đến hiện đại, trở thành một dòng chảy với nhiều cung bậc cảm xúc.

Mùa xuân trong ca dao, dân ca gắn với lao động sản xuất, với vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời:

"Mưa xuân lác đác vườn đào

Anh về đắp đất ngăn rào trồng hoa".

Hay:

"Dầu bông bưởi dầu bông lài

Xức vô tới tết còn hoài mùi thơm".

Không những thế, người xưa cũng ý thức rất rõ về việc thụ hưởng mùa xuân, thụ hưởng tuổi trẻ - quãng đời đẹp nhất của một đời người, trước vẻ đẹp của mùa xuân, của muôn hoa khoe sắc thắm, của cây lá mướt xanh, của sông núi đất trời bừng tỉnh, của sự sinh sôi, của sự giao hòa lứa đôi và cũng chính nó làm cho mùa xuân trở nên đắm say, rạo rực, nồng nàn. Cái thời khắc của sự hồi sinh, trở dạ:

"Ăn chơi cho hết tháng hai

Cho làng đóng đám cho trai dọn đình

Trong thì chiêng trống rập rình

Ngoài thì trai gái tự tình cùng nhau".

Chính vì sự thuận hòa, rực rỡ cảnh sắc cùng sự mơn mởn của tiết xuân mà nhiều lễ hội được mở ra trong thời khắc này, riêng ở miền Bắc đã có thể kể đến hàng trăm lễ hội gắn bó với lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua ca dao và trở thành những câu ca vô cùng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Việt: Hội Lim, hội Gióng, hội Khám, hội Dâu, hội Hương Tích, hội Phủ Giầy, hội chùa Thày, hội làng La, hội chùa Láng, hội chùa Hương, Giỗ tổ đền Hùng...

Nhắc nhau về lịch sử:

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba"

Hay:

"Ai ơi mùng chín tháng Tư

Không đi hội Gióng cũng hư một đời.

Về tín ngưỡng:

Ngày xuân con én xôn xao

Nam thanh nữ tú ra vào chùa Hương".

...

Văn học trung đại ghi dấu vẻ đẹp của mùa xuân còn in đậm dấu trong thơ của Mãn Giác thiền sư thế kỷ thứ XI qua bài kệ nổi tiếng:

"Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở...

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai".

Bài thơ đề cao giá trị tinh thần trong tư duy, trong suy nghĩ nội tại, nhấn mạnh vào niềm tin tưởng ở sự sống, ở tương lai. Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV cũng có khá nhiều bài thơ về mùa xuân:

"Cỏ xanh như khói bến xuân tươi

Lại có mưa xuân nước vỗ trời".

(Bến đò xuân đầu trại)

"Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan".

(Cuối xuân tức sự)

Hòa vào cảnh sắc thiên nhiên tươi tắn của mùa xuân là niềm lạc quan yêu đời, ung dung tự tại cho dù có một mùa xuân “tuổi tác” kia “đã muộn”. Ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về mùa xuân trong sự tận hưởng cuộc sống theo lẽ tự nhiên bốn mùa:

"Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao".

(Nhàn)

Ở thế kỷ XVIII, Đại thi hào Nguyễn Du tả vẻ đẹp trong ngần, tinh khôi, đầy ắp sức sống của mùa xuân trong Truyện Kiều:

"Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".

Nguyễn Du từng nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Chính vì lẽ đó mùa xuân không chỉ có niềm vui mà mùa xuân còn gắn cả với những nỗi buồn, nỗi cô đơn lẻ loi của một khát khao hạnh phúc còn dang dở như trong thơ Hồ Xuân Hương:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con".

(Tự tình 2)

Bước sang thế kỷ XX, thơ ca Việt Nam có rất nhiều thi phẩm độc đáo, xuất sắc viết về mùa xuân. Nhìn chung, ngoài tâm trạng gắn với niềm vui về sự hồi sinh, là nỗi buồn đọng lại, những mất mát, hụt hẫng sau một vòng quay của tạo hóa. Các thi sĩ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, trong phong trào thơ mới, nỗi buồn giống như một thứ mỹ cảm bao phủ bàng bạc ngầm chứa tâm trạng của tầng lớp tri thức trong hoàn cảnh nước nhà còn nô lệ, chưa thể tìm thấy hay xác định rõ ràng một con đường tương lai cho mình:

"Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết là đời tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng đời cứ chật...

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!".

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Mùa xuân trong thơ Chế Lan Viên đượm một nỗi u hoài:

"Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Đem chi xuân đến gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau".

(Xuân – Chế Lan Viên)

Không nằm ngoài cảm thức chung ấy, mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính cũng gợi lên trong lòng người chút gì xót xa:

"Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió

Xuân này em chị vẫn tha hương

Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ

Son sắt say hoài rượu viễn phương

Em đi non nước xa khơi quá

Mỗi độ xuân về bao nhớ thương".

(Xuân vẫn tha hương - Nguyễn Bính)

Nói như thế cũng không có nghĩa là trong giai đoạn này thiếu vắng những bài thơ xuân tươi vui, trong trẻo. Ngược lại cũng chính những thi sĩ trên, ở một “hệ quy chiếu” khác có những vần thơ thật rộn ràng, hồ hởi trước mùa xuân:

Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười.

(Thơ xuân – Nguyễn Bính )

Hay khi Xuân Diệu viết “Xuân không mùa”:

“Tình không tuổi và xuân không ngày tháng”.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đất nước chuyển mình bước sang trang sử mới. Mùa xuân trở thành biểu tượng tươi đẹp, phơi phới hòa quyện giữa lòng người với thế giới tự nhiên trong hàng loạt các sáng tác, điển hình là bài Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch:

"Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".

Nhà thơ Tố Hữu viết về mùa xuân của đất trời như một nét ẩn dụ để chỉ mùa xuân của dân tộc:

"Xuân ơi xuân em đến mới dăm năm

Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội".

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi như đưa cả niềm hân hoan, rạo rực mùa xuân vào từng con chữ:

"Lá non đã xanh rờn mặt đất

Mùa xuân đang nói về hạnh phúc

Cánh chim bay lên sông núi lạ lùng

Giữa ngàn cây

Gội sương giá tình yêu đến".

Mùa xuân trong thi ca từ nay dứt hẳn vẻ buồn bã, u uẩn, chỉ còn lại niềm tin vào cuộc đời, vào ngày mai tươi sáng.

Trong bài viết nhỏ này khó mà có thể kể ra hết những bài thơ, những tác phẩm viết về mùa xuân trong dòng chảy vĩ đại của nguồn thi ca dân tộc. Mỗi cuộc đời con người chúng ta có thể được đón nhiều mùa xuân, nhưng có lẽ mùa xuân đẹp nhất chính là mùa xuân tồn tại trong tâm hồn mỗi một con người. Nói một cách khác, khi niềm tin và tình yêu còn tồn tại cũng có nghĩa là mùa xuân không bao giờ chấm dứt.

Thy Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]