(vhds.baothanhhoa.vn) - Phần không gian đô thị trước 2012 hầu hết đường phố đã được đặt tên, phần đa trong số đó được lấy tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Trong mấy năm qua nhiều khu đô thị mới ra đời với không ít đường phố chưa được đặt tên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đặt tên đường phố, một việc làm cần thiết

Phần không gian đô thị trước 2012 hầu hết đường phố đã được đặt tên, phần đa trong số đó được lấy tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Trong mấy năm qua nhiều khu đô thị mới ra đời với không ít đường phố chưa được đặt tên.

Trong suốt chiều dài 200 năm tồn tại và phát triển, TP Thanh Hóa đã có 3 lần mở rộng, diện tích thành phố có 57km2. Từ năm 2012, địa giới hành chính mở rộng ra thành 154km2, gấp 3 lần diện tích trước đó. Phần không gian đô thị trước 2012 hầu hết đường phố đã được đặt tên, phần đa trong số đó được lấy tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Trong mấy năm qua nhiều khu đô thị mới ra đời với không ít đường phố chưa được đặt tên. Thực tế này đặt ra cho chính quyền nhiệm vụ rất quan trọng và khẩn trương: đặt tên cho đường phố và công trình công cộng.

Tên đường phố và công trình công cộng rất cần để phân biệt không gian đô thị, phân biệt đường phố này với đường phố khác, phân biệt công trình công cộng này với công trình công cộng khác. Tên đường phố là địa chỉ để xác định các giao dịch hành chính, kinh tế trong xã hội như cấp sổ hộ khẩu, xin cấp phép xây dựng, quản lý trật tự trị an, xác định giá đất đô thị, thu thuế nhà đất và hàng loạt các giao dịch dân sự khác. Đối với các doanh nghiệp, tên đường phố còn có thêm nhiệm vụ đóng góp xây dựng thương hiệu. Tên đường phố và công trình công cộng còn có giá trị về văn hóa và tình cảm rất sâu đậm đối với mọi người sống trong không gian ấy.

Con đường khang trang sạch đẹp mang tên vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Trước đây, khi đặt tên đường phố trong phần đô thị 57km2 cũ, nhiều tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử, đặc biệt là người quê Thanh Hóa hoặc có đóng góp quan trọng cho Thanh Hóa, đã được chọn dùng. Khi ấy, chúng ta cũng không lường được sự “bùng nổ” các khu đô thị mới. Vì thế, một số tên danh nhân lớn trong lịch sử lại đã được đặt cho đường phố không lớn. Ví như danh nhân Lê Thánh Tông, một vị vua sáng quê Thanh Hóa được đặt cho con đường nhỏ chạy từ cầu Bố Vệ dọc bờ sông nhà Lê đến cầu Lai Thành và còn rất nhiều đường phố mang tên các danh nhân lớn khác.

Trong bài viết này tôi xin đóng góp vài đề xuất trong việc đặt tên đường phố ở các khu đô thị mới để rộng đường trao đổi, phần ý kiến về đặt tên công trình công cộng xin để ở dịp khác.

Trước hết phải thấy rằng các khu đô thị mới sẽ có nhiều đường có chiều dài nối nhiều khu đô thị với mặt cắt ngang vừa to lớn vừa hiện đại hơn hẳn những công trình trong không gian đô thị cũ đồng thời cũng sẽ có những đường phố chỉ nối một vài cụm dân cư hoặc chỉ có ở một cụm dân cư nhỏ. Do đặc điểm như vậy, Nhà nước chỉ nên quan tâm đặt tên chủ yếu cho các trục đường nối các khu đô thị hoặc đường nối giữa các cụm dân cư với nhau. Các trục đường phố ngắn và nhỏ nên đặt tên theo dự án từng khu đô thị. Theo cách làm này, nhà đầu tư sẽ có thể đề xuất những tên độc đáo riêng. Hiện nay, nhiều khu đô thị mới đã có hệ thống trục đường đầy đủ như Nam Ngạn có mặt bằng 08 và 6275, Quảng Phú có vài mặt bằng phía bắc Quốc lộ 47 và rất nhiều mặt bằng ở các phường, xã khác, nếu thực hiện cách đặt tên chủ yếu cho các trục đường như đề xuất trên, chúng ta sẽ không bao giờ bị động.

Thứ hai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của chùm đô thị Sầm Sơn, Thanh Hóa, Rừng Thông và sắp tới là Lưu Vệ đã và sẽ nhanh chóng nối liền nhau. Nếu khi đặt tên đường phố ở TP Thanh Hóa không nhìn rộng ra các đô thị lân cận sẽ ít nhiều có sự phiền phức trong cuộc sống. Nếu chúng ta đi từ cầu Cốc đến Sầm Sơn, đoạn cầu Cốc đến cầu vượt đường tránh thành phố có tên là Lê Lai, đoạn tiếp đó đến đầu Sầm Sơn có tên là Quốc lộ 47, đoạn còn lại thuộc Sầm Sơn có tên là Lê Lợi. Nên chăng cần có định hướng chung Sầm Sơn chủ yếu đặt tên gắn với du lịch và biển; TP Thanh Hóa dùng tên chủ yếu của các danh nhân, nhất là danh nhân người Thanh Hóa; Rừng Thông chủ yếu đặt tên gắn với địa danh liên quan đến núi và rừng thông; ngoài ra, các đô thị này được dùng những danh nhân của riêng địa phương mình, dùng tên ngành hàng và dùng càng nhiều địa danh lịch sử ở tại địa phương càng tốt.

Thứ ba, cần hạn chế tối đa việc đổi tên đường phố đã có. Như trên đã nói, tên đường phố để xác định vị trí, xác định các giao dịch hành chính và kinh tế xã hội, mỗi một thay đổi tên đường phố sẽ tạo ra sự xáo trộn nhất định trong xã hội, tốn kém về kinh phí và thời gian cho mọi cư dân sống trong đó. Đặc biệt, tên đường phố thay đổi sẽ có những doanh nghiệp rất khó giao dịch, nhất là khi họ làm ăn với nước ngoài. Lịch sử đặt tên đường phố của tỉnh Thanh Hóa có những tồn tại như đã phân tích ở phần đầu bài viết này, việc phải thay đổi tên đường phố để phù hợp với tình hình phát triển đô thị cũng là cần thiết. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đổi tên đường phố cần thận trọng và thận trọng sẽ không bao giờ thừa. Đối với đường phố có ít dân cư hoặc không có doanh nghiệp thì đổi tên có thể đơn giản, ngược lại đối với đường phố nhiều dân cư hoặc có doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài, nếu đổi tên sẽ tạo ra một làn sóng thay đổi địa chỉ và luôn luôn cần giải thích địa chỉ cũ bên cạnh địa chỉ mới, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Đặt tên đường phố là một công việc rất quan trọng trong quá trình phát triển và kiểm soát phát triển đô thị. TP Thanh Hóa có lịch sử khá dài nhưng phần xây dựng phát triển đô thị lại chưa cổ. Vì vậy, ngay từ bây giờ việc tính toán, bàn định giải pháp đặt tên đường phố chính là việc làm cần thiết cho hôm nay và mai sau.

KTS Lê Hồng Cẩm


KTS Lê Hồng Cẩm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]