(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thăng Long - Đông Đô Hà Nội không chỉ là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm mà còn là nơi hội tụ khí thiêng đất Việt. Trong hệ thống thần điện của kinh thành Thăng Long xưa có sự góp mặt của thần linh bốn phương. Trong số những vị thần linh ấy, thần Đồng Cổ là một trong những vị thần linh có vị trí quan trọng ở kinh thành Thăng Long.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền Đồng Cổ - từ phủ Thanh Hóa đến kinh đô Thăng Long

(VH&ĐS) Thăng Long - Đông Đô Hà Nội không chỉ là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm mà còn là nơi hội tụ khí thiêng đất Việt. Trong hệ thống thần điện của kinh thành Thăng Long xưa có sự góp mặt của thần linh bốn phương. Trong số những vị thần linh ấy, thần Đồng Cổ là một trong những vị thần linh có vị trí quan trọng ở kinh thành Thăng Long.

Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ - Hà Nội.

Từ đền Đồng Cổ phủ Thanh Hóa

Trong tâm thức người Việt: Trống đồng - di vật tiêu biểu cho tài năng trí sáng tạo của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước đầu tiên là vật thiêng. Việc tôn thờ thần Đồng Cổ xuất hiện khá sớm ở nhiều nơi.

Chỉ tính ở khu vực đồng bằng hạ lưu sông Mã - một trung tâm của văn hóa Đông Sơn đã có tới hai nơi có đền Đồng Cổ: Một đền thờ thần Đồng Cổ ở hạ lưu sông Mã thuộc xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa và một đền thờ thần Đồng Cổ ở Đa Nê (Yên Định). Ngoài hai nơi có đền thờ ra, trống đồng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Trong lễ hội của dân tộc Mường ở Thanh Hóa, “mo trống đồng” là hình thức sinh hoạt văn hóa quan trọng trong lễ hội truyền thống của người Mường.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở Hoằng Hóa có quy mô nhỏ, theo lời truyền văn được rước từ Đa Nê (Yên Định) về.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Đa Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định được tạo dựng ở một vị trí linh địa. Sông núi và huyền thoại đã làm cho thầnđiện thêm phần kỹ vĩ. Nét đặc biệt là đền thờ tọa lạc ngay trên một di tích văn hóa Đông Sơn. Tại đây đã phát hiện được nhiều trống đồng lớn. Có thể sự tồn tại của làng cổ Đông Sơn, trống Đông Sơn tại chốn thắng địa này là cơ sở cho việc ra đời huyền thoại về đền Đồng Cổ sơn thần. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết: Tỉnh Thanh Hóa có đền Đồng Cổ sơn thần ở núi “Đồng Cổ”.

Đền Đồng Cổ được trùng tu nhiều lần, dấu tích vật liệu kiến trúc (gạch ngói) còn lại cho thấy đền được trùng tu vào thời kỳ Lê, Nguyễn. Tấm ảnh tư liệu đền Đồng Cổ thời Nguyễn cho thấy ngôi đền có quy mô tương đối lớn, bề thế.

Trong tâm thức người dân ở đây, thần Đồng Cổ là vị thần “Hộ dân bảo quốc”. Việc tế lễ được tiến hành kính cẩn, trang nghiêm. Lễ hội đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn trong khu vực.

Đền Đồng Cổ hiện nay dựng trên dấu tích xưa. Đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đến miếu Đồng Cổ và lễ minh thệ ở kinh thành Thăng Long thời Lý

Do thần Đồng Cổ có công giúp vua Lý Thái Tổ đánh giặc Phương Nam và báo mộng giúp vua Lý dẹp loạn Tam Vương nên vua nhà Lý đã cho rước thần Đồng Cổ từ Phủ Thanh Hóa về kinh thành Thăng Long.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Vua Thái Tông năm 1028 phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tứ thời cúng tế và làm lễ thề, xuống chiếu “giao cho Hữu ty dựng miếu ở hữu thành Đại La, sau chùa Thanh Thọ” (nay là làng Bười, phường Yên Thái cũ, trên bờ phía trái sông Tô Lịch, giáp với thành đất Đại La), triều đình lấy ngày 25 tháng 3 làm ngày tổ chức lễ minh thệ. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ nên chuyển sang ngày 4 tháng 4.

Theo truyền thống, nhà Trần cũng tổ chức lễ minh thệ như việc cũ của nhà Lý. Nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch Triều hiến chương loại chí cho biết: Hàng năm lấy ngày 4 tháng 4, quan tể tướng và các quan từ gà gáy đến ngoài cửa thành, tờ mờ sáng vào chầu; vua ngự ra cửa Hữu lang của điện Đại Minh, các quan mặc quân phục lạy 2 lạy, lui ra rồi sắp đội ngũ nghi trượng và quân hầu đi ra cửa tây đến đền Đồng Cổ cùng nhau uống máu ăn thề. Quan quân đội ngũ chỉnh tề đọc lời thề rằng: “Làm tôi hết lòng trung thành, làm quan thanh bạch, không giữ lời thề, thần minh chu diệt”. Đọc xong lời thề, quan tể tướng đóng cửa, kiểm điểm các quan, ai vắng mặt phạt 5 quan tiền” Việc tổ chức minh thệ ở kinh thành Thăng Long thời Trần là việc trọng đại, dân chúng đi xem chật đường.

Đời hậu Lê, lễ minh thệ cũng được tiến hành với nghi thức khác hơn vào sau Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng).

Thần Đồng Cổ là vị thần ở đất “Trại” phương Nam, “Phủ” Thanh Hóa là vị thần đầu tiên được đích thân vua Lý Thái Tông rước về kinh thành Thăng Long, việc này đã đặt ra nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống thần điện đất kinh kỳ Thăng Long. Đằng sau bức màn hư ảo của huyền thoại Thần Đồng Cổ giúp vua Lý đánh giặc, dẹp loạn cung đình, thống nhất vương triều cho thấy việc định đô ở chốn trung tâm của đất nước, mưu việc lớn là việc thuận lòng dân và thuận “lòng thần”. Rồng thiêng bay lên, thần linh phương xa về “phù trợ” là điềm lành cho đất Thăng Long.

Việc thần Đồng Cổ tham gia hệ thống thần điện Thăng Long và trở thành “quốc thần” có vai trò quan trọng đối với các vương triều cho thấy phần nào sức cuốn hút, quá trình hội nhập và sự thống nhất văn hóa của vùng đất Thăng Long từ buổi đầu định đô nghìn năm trước.

Mạnh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]