(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự cần mẫn, chuyên tâm thực sự sẽ mang đến cho người đọc sách những “trái ngọt” tinh thần quý giá. Câu chuyện những gia đình xứ Thanh luôn quý trọng - đam mê, gắn bó cuộc đời mình với sách, xem sách như báu vật gia truyền sẽ mang đến cho bạn đọc góc suy ngẫm thú vị về sách cũng như văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin.

Đọc sách thời @: “Thầy” dẫn đường, khởi nguồn thành công

Sự cần mẫn, chuyên tâm thực sự sẽ mang đến cho người đọc sách những “trái ngọt” tinh thần quý giá. Câu chuyện những gia đình xứ Thanh luôn quý trọng - đam mê, gắn bó cuộc đời mình với sách, xem sách như báu vật gia truyền sẽ mang đến cho bạn đọc góc suy ngẫm thú vị về sách cũng như văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin.

Đọc sách thời @: “Thầy” dẫn đường, khởi nguồn thành công

Với nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, sách chính là “thầy” dẫn đường.

Báu vật gia truyền

Cách TP Thanh Hóa chỉ khoảng 15 km, tìm về thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa hỏi thăm “Thư gia Vạn Ninh Đường” - nơi lưu giữ khoảng 600 cuốn sách cổ, hẳn nhiều người biết. Lần thứ hai trở lại nơi đây, cụ giáo già Lê Mai Bửu- chủ nhân của Thư gia đã không còn. Giờ đây, tủ sách được gia đình trao lại cho con trai cụ là anh Lê Mai Hùng trông nom, bảo quản.

“Thư gia Vạn Ninh Đường” được hiểu là thư viện sách của một gia đình bình thường, sống lặng lẽ. Tại đây có khoảng 600 cuốn sách Hán - Nôm cổ, đều được khắc in và chép tay thủ công. Có nhiều cuốn tuổi đời hàng trăm năm, trong đó lâu đời nhất theo chủ nhà là cuốn “Lã Đường di cảo” của tác giả Sái Thuận, có từ thế kỷ XVII; giá trị không kém phần trong số đó là cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du bản khắc in năm 1904. Đặc biệt trong số đó có cuốn lịch sử từ thời nhà Nguyễn. Nội dung cuốn sách là những bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi về chủ quyền biển, đảo của nước ta từ xa xưa.

Sách Hán - Nôm cổ có tại “Thư gia Vạn Ninh Đường” chủ yếu là sách ở các thể loại: y học; văn học; triết học; tử vi; nho học; thiên văn; địa lý; thuốc nam; gia lễ; giáo khoa; dược khoa; ghi chép; lịch sử Việt Nam... Trong đó quá một nửa là sách Y học phương Đông (hơn 300 cuốn) và văn học quý giá như: “Ca trù thể cách”; “Đường phú”; “Đường thi cổ súy”... Đó thực sự là kho tư liệu vô cùng giá trị cho công tác tra cứu, tìm hiểu.

Theo gia đình, “Thư gia Vạn Ninh Đường” ra đời cách đây trên 150 năm, toàn bộ hơn 600 bản sách được tích lũy bởi nhiều thế hệ nho học nối tiếp, đến anh Lê Mai Hùng đã là thế hệ thứ 6. Bản thân anh Hùng và gia đình chưa thể khẳng định hết nội dung ý nghĩa của hàng trăm cuốn sách cổ, nhưng khi có người ngỏ ý mua lại tủ sách thì gia đình đều từ chối. Bởi, “Đó không đơn giản chỉ là sách, mà là “tài sản” được các thế hệ cha ông tích lũy trao truyền, cháu con kế thừa và có trách nhiệm gìn giữ”, anh Lê Mai Hùng chia sẻ.

Số lượng sách cổ lớn, đồ sộ và giá trị là vậy, tuy nhiên vì chúng đều được làm từ giấy dó, có tuổi đời lâu năm, đi qua chiến tranh, nắng, mưa tàn phá nên hiện tại đã trong tình trạng khá bở, dễ rách nát. Vì thế, gia đình bọc sách trong giấy báo để cất giữ. Đợi khi có các nhà nghiên cứu, khoa học đến tìm hiểu sẽ cùng phối hợp để khai thác thông tin tri thức có trong các cuốn sách cổ.

“Người thầy” dẫn đường...

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ là cái tên quen thuộc với không chỉ người quan tâm đến văn hóa, văn học, lịch sử... xứ Thanh mà còn trong cả nước. Ở tuổi 86, sống tại tư gia ở xã Quảng Hòa (Quảng Xương) dù mắt đã mờ, tay run nhưng hàng ngày, ông vẫn cần mẫn với cây bút, trang giấy, chữ nghĩa, cho ra đời những bài nghiên cứu đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện kiến thức uyên thâm, quan điểm của cá nhân rõ ràng.

Nhiều người ví nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ như “kho tri thức sống” khi hầu hết các lĩnh vực từ lý luận phê bình văn học; văn nghệ dân gian; lịch sử, khảo cổ học; dân tộc học... ông đều ít, nhiều am hiểu. Điều đó được khẳng định bằng thực tế khi tính đến nay, ông là tác giả của hơn 40 đầu sách xuất bản, phát hành rộng rãi ở Thanh Hóa và cả nước. Trong đó, có thể kể đến các cuốn sách: “Vua Lê Đại Hành” - Anh hùng dân tộc Lê Hoàn; “Ngàn Nưa” viết về Bà Triệu; “Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng” viết về danh thắng Hàm Rồng, “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh”...

Đọc sách thời @: “Thầy” dẫn đường, khởi nguồn thành công

Nhà văn Lê Xuân Giang khẳng định, con người có thể thoát ly nhiều thứ, ngoại trừ văn hóa đọc.

Điều gì đã khiến cho nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ am hiểu tường tận về các lĩnh vực đến vậy? Thật ngạc nhiên khi tôi biết rằng, toàn bộ kiến thức đều được ông tích lũy qua quá trình đọc sách mà có. Bởi, ông chưa từng kinh qua bất cứ trường lớp đào tạo chuyên nghiệp. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, vốn sở hữu rất nhiều sách. Tuy nhiên, do biến động lịch sử, chiến tranh nên sách của gia đình hầu như không còn. Khoảng thời gian 1948 - 1950, khi người dân miền Bắc tản cư vào Thanh Hóa, họ đã mở những quán sách ở Cầu Quan (Nông Cống) để bán, cho thuê. Lúc đó, do đang theo học trường trung học Na Sơn (Nông Cống) nên Hoàng Tuấn Phổ có điều kiện được tiếp xúc, đọc rất nhiều loại sách. “Bất cứ cuốn sách nào có thể mua hay mượn tôi đều cố gắng đọc hết, vì sách khi ấy quý giá vô cùng. Đó cũng là thời gian tôi đọc nhiều nhất trong đời. Ban đầu đọc như một thứ bản năng, đọc từ những cuốn nổi tiếng đến ít tiếng tăm. Vì thực sự, chẳng có cuốn sách nào lại không ít nhiều mang lại ý nghĩa.” - nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ nhớ lại. Đến bây giờ, dù không thể nhớ số lượng đầu sách đã đọc song có một điều chắc chắn, những bộ sử lớn như: “Đại Việt Sử ký toàn thư”; “Việt sử Thông giám cương mục”; “Đại Nam thực lục tiền biên”; “Đại Nam thực lục chính biên”... không chỉ đọc mà còn được ông xem như “sách gối đầu giường”.

Nói về kinh nghiệm được tích lũy thông qua việc đọc sách, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, cho rằng: “Đọc sách cũng như thưởng thức một món ăn, do đó sự đọc phải được “tiêu hóa”. Muốn vậy, đọc phải thong thả, nghiền ngẫm, vừa đọc, vừa nghĩ. Khi có đủ kiến thức nền, đọc đã thành kỹ năng thì tự khắc có khả năng đánh giá, phân loại sách. Lúc đó, việc đọc sẽ được chọn lọc”.

Mỗi người, trong cuộc đời sẽ đều có những người thầy dẫn đường, chỉ lối để đi đến thành công. Với nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, thì sách chính là thầy, là bạn đồng hành cùng ông trong hành trình chinh phục tri thức, nghiên cứu học thuật. Khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm” thì sách còn là tài sản ông để dành lại cho cháu con.

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”

Trong căn nhà ở ngay đầu ve mặt phố buôn bán sầm uất (đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa), nhà văn Lê Xuân Giang vẫn bố trí sắp xếp không gian cho hơn 1.000 cuốn sách. Từ năm 2011, đó vốn là tài liệu phòng đọc sách cộng đồng được ông mở ngay tại tư gia nhằm phục vụ bạn bè, người quen và Nhân dân trong khu phố. Tuy nhiên, việc nhường đất để mở rộng đường khiến cho phòng đọc sách phải dời lên tầng 2. Giờ đây, đó là kho tư liệu quý, khi có ai đó cần vẫn được chủ nhân tạo mọi điều kiện để tìm đọc, tra cứu. Phần lớn các đầu sách tại đây tập trung ở lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, lịch sử... của vùng đất và con người xứ Thanh qua các thời kỳ. Trong đó, có sách viết về Hàm Rồng (khoảng 20 tựa sách); về người lính; làng cổ Đông Sơn; các tập ký, tiểu thuyết; sách về các dòng họ (họ Lê, họ Trần, họ Nguyễn); lịch sử Việt Nam...

Chia sẻ về nguồn gốc số lượng sách của gia đình, nhà văn Lê Xuân Giang cho biết: “Có những cuốn sách được mua từ những năm chiến tranh, khi tôi còn trong quân ngũ, kinh tế khó khăn. Về sau khi có điều kiện hơn thì mua các bộ sách của các tác giả nổi tiếng trên thế giới. Và khi làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (1993 - 2007), được các tác giả, bạn bè có sách xuất bản tặng. Từng chút tích lũy, trân quý mà thành thư phòng như ngày hôm nay”.

Nói về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, nhà văn Lê Xuân Giang, cho rằng: “Bản thân bố mẹ phải đọc trước, từ đó mới có thể tạo lập thói quen, hướng dẫn con cái đọc sách theo”. Chính vì thế, không chỉ đọc sách một mình, vợ nhà văn Lê Xuân Giang, cô Hoàng Thị Thu cũng tự hào khi “đọc nhiều hơn cả chồng”. Việc đọc cũng được vợ chồng nhà văn “truyền lửa” cho con, cháu trong gia đình. Với quan điểm của mình, nhà văn Lê Xuân Giang khẳng định: “Con người có thể thoát ly nhiều thứ, ngoại trừ văn hóa đọc”.

Lại nhớ, thời Lê Trung hưng, nhà bác học Lê Quý Đôn khi nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, đã để lại cho đời câu nói nổi tiếng: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”.

An Yên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]