(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi chim én hoan ca, hoa đào khoe sắc và hạt mưa nhỏ thấm đẫm vào tay chẳng còn cảm giác buốt giá, ấy là khi ta đang ở trong những ngày đẹp nhất của đất trời: mùa Xuân! Đây cũng là dịp mà hàng trăm lễ hội dân gian lớn nhỏ ở khắp vùng miền xứ Thanh được tổ chức. Để tưởng nhớ về bậc tiền nhân đã hóa thân thành truyền thuyết, huyền thoại. Và trong lễ hội truyền thống, cùng những nghi lễ thành kính trang nghiêm, đâu thể thiếu phần hội sôi động với các trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân bản địa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ nét đẹp lễ hội đầu xuân: Bảo tồn các trò chơi văn hóa dân gian

Khi chim én hoan ca, hoa đào khoe sắc và hạt mưa nhỏ thấm đẫm vào tay chẳng còn cảm giác buốt giá, ấy là khi ta đang ở trong những ngày đẹp nhất của đất trời: mùa Xuân! Đây cũng là dịp mà hàng trăm lễ hội dân gian lớn nhỏ ở khắp vùng miền xứ Thanh được tổ chức. Để tưởng nhớ về bậc tiền nhân đã hóa thân thành truyền thuyết, huyền thoại. Và trong lễ hội truyền thống, cùng những nghi lễ thành kính trang nghiêm, đâu thể thiếu phần hội sôi động với các trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân bản địa.

Năm 2019, lễ hội Nàng Han ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân) diễn ra trong không khí tươi vui, ấn tượng, hấp dẫn du khách xa gần và đặc biệt có ý nghĩa với đồng bào dân tộc Thái ở bản Lùm Nưa xã Vạn Xuân. Lễ hội là dịp để đồng bào tưởng nhớ về vị nữ tướng của bản làng: Nàng Han. Tương truyền, bản làng vốn yên bình bỗng nhiên gặp cảnh loạn lạc vì nạn cướp bóc từ đâu tràn đến. Nàng Han vốn phận nữ nhi nhưng mang trong mình tấm lòng hào hiệp. Nàng đã giả trai để gia nhập nghĩa binh, quyết tâm diệt giặc và lập nhiều công trạng, được triều đình ban thưởng hậu hĩnh. Tuy vậy, khi bản làng những tưởng đã bình yên, nàng ra sông tắm để lộ thân phận nữ nhi, chẳng may gặp đám tàn binh sót lại, Nàng Han đã kết liễu kẻ thù và hóa thân về trời. Thương cảm người con gái của bản làng, hàng năm, vào dịp đầu xuân, người dân bản Lùm Nưa xã Vạn Xuân lại cùng nhau tổ chức lễ hội Nàng Han.

Sau một thời gian dài bị gián đoạn, những năm gần đây, lễ hội Nàng Han đã được ngành chuyên môn và chính quyền, nhân dân địa phương chung tay nỗ lực phục dựng với tất cả giá trị, ý nghĩa tốt đẹp nhất. Theo đó, lễ hội diễn ra với phần tế lễ Nàng Han trong hang Mường trang nghiêm, thành kính và phần hội ở nơi đất rộng với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của người dân địa phương: múa quanh cây hoa; đẩy gậy; kéo co; tò lẹ; tung còn... Trong đó, trò tung còn còn được xem là trò chơi “giao duyên” tìm bạn của chàng trai, cô gái trong ngày xuân. Để từ lễ hội và trò chơi đã có những chuyện tình đôi lứa được tác hợp, hạnh phúc viên mãn. Và còn cả những “tình làng nghĩa xóm” được thêm bền chặt.

Trò tung còn và múa hát quanh cây hoa tại lễ hội Nàng Han.

Lễ hội chùa Thông (Vĩnh Lộc) diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm cũng thu hút lượng lớn nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, vui hội. Cùng với việc vãn cảnh, lễ phật, thực hành tín ngưỡng tâm linh thì người dự hội còn được trực tiếp theo dõi và tham gia các trò chơi dân gian, trong đó có trò “cờ người” vô cùng thú vị, thử thách trí tuệ của người chơi. Theo đó, thay vì đấu cờ truyền thống với những quân cờ vô tri thì “bàn cờ” sẽ được tạo nên trên khoảng đất rộng và mỗi người chơi sẽ hóa thân thành những quân cờ và cùng nhau thi tài. Cờ người vốn không phải là một trò chơi mới, đó vốn là sản phẩm văn hóa của thế hệ cha ông đi trước sáng tạo nên. Tuy vậy, qua thời gian trò chơi đã bị gián đoạn và mai một. Bởi vậy, việc phục dựng lại trò chơi, đưa vào lễ hội truyền thống không chỉ là yêu cầu của việc bảo tồn những giá trị văn hóa của người đi trước, nó còn góp phần mang đến sự sôi động, thú vị, hấp dẫn cho lễ hội.

Được xem là một trong những “sản phẩm văn hóa” góp phần vào sự đa dạng, phong phú cho du lịch Sầm Sơn. Lễ hội đền Độc Cước diễn ra vào ngày 16/2 (ÂL) hàng năm nhiều năm qua đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Tham gia lễ hội đền Độc Cước, du khách không chỉ được chiêm bái vị thần Độc Cước linh thiêng đã đi vào truyền thuyết với việc bảo trợ cho cư dân Sầm Sơn thoát khỏi quái thú, cùng nhau thưởng lãm cảnh sắc của non cao (núi Trường Lệ), biển xanh...và cùng nhau đắm mình vào không gian của những trò chơi, thi đấu văn hóa dân gian. Thi làm bánh chưng bánh giầy là một trong những trò chơi dân gian tạo nên hình ảnh định vị lễ hội. Đó sẽ là thứ gạo nếp ngon nhất, trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân, bằng sự kết hợp bởi đôi bàn tay mạnh mẽ của người đàn ông và khéo léo của phụ nữ vùng biển, qua thời gian hạn định, đội nào làm ra thứ bánh giầy đẹp nhất, ngon nhất sẽ giành chiến thắng. Và bánh giầy khi hoàn thành sẽ được dùng để dâng lễ lên thần linh chứng giám, sau đó được chia cho người dân và quan khách tham gia thụ lộc. Lễ và hội hòa quyện, mang đến xúc cảm trọn vẹn cho du khách tham gia.

Còn không ít các lễ hội truyền thống đầu xuân trên địa bàn tỉnh diễn ra với đầy đủ ý nghĩa của “lễ” và “hội”. Vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, lại mang đến không khí tươi vui, phấn khởi thông qua những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của địa phương và dân tộc. Đó có thể là trò đua thuyền trong lễ hội Quang Trung (Tĩnh Gia); nấu cơm thi trong lễ hội ở xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa)... Ở đó, mỗi trò chơi được tổ chức đều là sự tiếp nối truyền thống, gửi gắm về những giá trị nhân văn và ý nghĩa, mong ước của người xưa. Mỗi vùng đất, con người, địa phương đều mang đặc trưng văn hóa khác nhau, để qua mỗi dịp lễ hội, những nét đẹp văn hóa ấy được dịp phô bày.

Nhìn lại chặng đường đã qua của văn hóa dân tộc nói chung và xứ Thanh nói riêng. Từng có một giai đoạn khiến cho những giá trị văn hóa (lễ hội, trò chơi, trò diễn) bị gián đoạn, mai một. Để rồi những năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã và đang ban hành những nghị quyết, chính sách nhằm phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa của người xưa. Nhưng thực sự để làm “sống lại” những giá trị văn hóa truyền thống thì nếu chỉ dừng lại ở quyết tâm của lãnh đạo bộ, ngành sẽ là chưa đủ. Nó cần đến cả tâm huyết của chính quyền địa phương, người làm văn hóa cơ sở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị đã khẳng định: làm văn hóa nếu chỉ chung chung, không chọn việc cụ thể, không làm đến ngưỡng, cho thành nếp, thành thói quen thì không thấy tác dụng. Việc khôi phục một lễ hội, trò chơi, trò diễn văn hóa dân gian bị mai một vốn đã khó. Bảo tồn, duy trì những giá trị ấy lại càng khó hơn.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]