(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, mỗi ngôi đình làng còn là kho tàng chứa đựng nét văn hóa dân tộc, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội, nơi vui chơi sau những ngày lao động vất vả của người dân. Vì thế việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa của đình làng không chỉ hướng tới phát huy giá trị di tích mà còn góp phần giáo dục truyền thống quý báu cho thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn giá trị văn hóa từ các đình làng

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, mỗi ngôi đình làng còn là kho tàng chứa đựng nét văn hóa dân tộc, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội, nơi vui chơi sau những ngày lao động vất vả của người dân. Vì thế việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa của đình làng không chỉ hướng tới phát huy giá trị di tích mà còn góp phần giáo dục truyền thống quý báu cho thế hệ trẻ.

Theo các tài liệu thư tịch cổ, đình Việt Nam xuất hiện vào cuối thời nhà Lý - Trần (khoảng những năm 1156). Ban đầu đình chỉ là nơi nghỉ chân của các bậc vua chúa, quan lại (đình - có nghĩa dừng lại, dừng chân, đình giống như trạm nghỉ). Đến thời nhà Trần, khi Phật giáo trở thành quốc giáo thì ngôi đình có thêm chức năng tín ngưỡng đó là thờ Phật.

Trải qua thời gian, đình có sự biến đổi về tên gọi, công năng sử dụng cũng như về mặt kiến trúc. Sự chuyển hóa từ đình sang đình làng mất một thời gian khá dài, cho đến thế kỷ thứ 15, 16 thì sử sách mới nhắc đến tên gọi “đình làng”. Và khi đình trở thành đình làng thì đình là nơi thờ Thành Hoàng của làng xã. Chính vì lẽ đó mà ngôi đình trở thành nơi linh thiêng, trang nghiêm của làng và từ đây mọi sinh hoạt văn hóa của làng đều được tổ chức tại đình làng. Đình làng mặc nhiên đã trở thành nơi cố kết cộng đồng, là nơi mọi người dân trong làng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong việc thờ tế Thành hoàng cũng như mọi sinh hoạt văn hóa khác.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa cho biết: Với quan niệm đất có thổ công, sông có hà bá và sự phát triển của nho giáo, đó là sự biết ơn những người có công với đất nước, làng xã, khiến việc thờ tự trở nên thiết yếu. Đình làng đã trở thành nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, làm việc của làng, là biểu tượng của tính cộng đồng. Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng, thể hiện cô đọng các lễ hội, sinh hoạt, hội họp của cư dân. Bởi thế hầu như mỗi làng đều có một ngôi đình.

Đình làng Xa Lý, xã Thăng Bình (Nông Cống), nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và gắn kết cộng đồng làng, xã.

Đình làng Xa Lý, xã Thăng Bình (Nông Cống), chắc hẳn là cái tên không còn xa lạ với người dân, đặc biệt là với con em họ Lý, Trần trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ Hồ Sỹ Tập, Trưởng làng Xa lý, cho biết: Đình làng Xa Lý được xây dựng từ rất sớm, tên gọi ban đầu là đình Phúc, có kiến trúc 5 gian, gỗ được chạm khắc bằng những hoa văn tinh xảo. Năm 1854 đời vua Tự Đức, dân làng tiến hành tôn tạo lần thứ nhất, mở rộng thêm hai chái Đông và Tây thay mái kè bằng mái ngói. Đình được xây dựng theo mô tuýp thời nhà Lý có mái đao cong vuốt mềm mại và uyển chuyển. Cùng với sự phát triển của dân tộc, dân số trong làng ngày càng đông, nhu cầu sinh hoạt và tâm linh đòi hỏi phải có không gian rộng và hợp lý hơn. Năm 1934 dân làng đã đóng góp tiền của tôn tạo lần thứ 2, xây dựng thêm một nhà ngang làm bếp đun nấu, một nhà bộc (nhà kho), làm nơi cất giữ đồ thờ. Lúc này đình được đầu tư trang trí ngoại thất một cách hoàn hảo hơn, hai cột cổng đình có kích thước 600x600m tây, trên hai đỉnh đầu cột có ông Nghè chầu. Mặt trước cột được đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán. Đình có 2 cổng phụ, 2 voi và 2 ngựa chầu phục hai bên. Gian chính giữa phía trên có bức hoành phi “thánh cung vạn tuế”. Bốn góc đình là bốn đao cong vuốt hoa văn uyển chuyển. Trên nóc mái đình hình lưỡng long chầu nguyệt. Đồng thời lúc này đình được xây thêm 3 gian hậu cung để thờ các vị thành Hoàng, năm gian ngoài làm nơi tổ chức hội họp của làng. Với nhiều giá trị, đình làng Xa Lý được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1997.

Để tưởng nhớ công ơn của Cao Sơn Đại Vương và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, hàng năm cứ vào ngày mùng 7 (tháng Giêng), dân làng Xa Lý lại nô nức mở hội khai hạ, với các trò chơi, trò diễn vô cùng đặc sắc.

Đình làng xứ Thanh không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, chạm khắc. Đình làng là nơi thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt gắn bó mang tính cộng đồng bền chặt của người dân Việt. Điều đó thể hiện từ trong quá trình xây dựng ngôi đình. Để xây dựng một ngôi đình, người dân địa phương phải hợp sức góp công, góp của để thi công trong thời gian kéo dài nhiều năm liền. Họ chia nhau thành từng tốp thợ, mỗi tốp được phân công một phần việc nhất định. Họ cùng nhau làm việc, cùng ra sức trổ tài rồi chuyện trò, đối đáp, sẻ chia... Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó mà bền chặt, thắm đượm hơn.

Nổi tiếng bởi nghệ thuật chạm khắc hoa văn ở đỉnh cao, Đình làng Thanh Dương, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), mặc dù bị xuống cấp khá nhiều thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, nét cổ kính bên trong cũng như lối kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc vẫn được giữ nguyên đã đưa ngôi đình lên tầm giá trị nghệ thuật cao, có dấu ấn thời đại rõ rệt. Ngoài tạo hình, bản thân kiến trúc, hình khối không gian kiến trúc người thợ chạm khắc còn sử dụng các bức chạm khắc trên các vỉ ruồi, kẻ bẩy, cốn mê và các con rường bằng lối chạm nổi cao đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của ngôi đình.

Hiện tại trên toàn bộ bề mặt công trình không có một dòng văn tự nào ghi chép về việc dựng đình. Theo lời kể của các bậc cao niên ở địa phương thì: ngôi đình Thanh Dương hiện nay có xuất xứ từ một ngôi đình cổ hơn được lợp tranh và xây dựng từ lâu không ai nhớ rõ. Đến đầu thời Nguyễn (vua Minh Mạng), do đời sống kinh tế của xóm làng khá giả, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày càng cao, dân làng Thanh Dương mới xây dựng ngôi đình gỗ như ngày nay. Đến cuối thời Nguyễn ngôi đình được tu sửa.

Đình hiện nay có kết cấu mặt bằng chữ nhất với tiền đường rộng 3 gian và 2 chái có chiều dài 13m, chiều rộng 7,35m. Đình có tất cả 12 cột lớn và 12 cột quân đã tạo nên một tỷ lệ hợp lý làm cho ngôi đình bên trong ấm áp và bên ngoài uyển chuyển.

Cho đến nay, cũng chưa ai xác định rõ vị thần thờ ở đình mà chỉ căn cứ vào 2 nguồn tư liệu là từ các cụ già ở xã và tập văn tế thần ở ngôi Thanh Miếu thuộc làng Thanh Dương. Theo đó vị thần được thờ ở đình là Quan thái phó, Thượng trụ quốc, khai quốc công thần. Dù trải qua thời gian, đình đã bị xuống cấp nhiều nhưng chính sự rêu phong, cổ kính của ngôi đình là minh chứng sống động của lịch sử, của cội nguồn mỗi làng, xã.

Theo các nhà quản lý văn hóa địa phương, để phát huy giá trị di tích phục vụ tham quan, nghiên cứu, du lịch, ngoài quan tâm trùng tu, tôn tạo kiến trúc đình làng thì cần phục hồi không gian văn hóa đình làng, các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Từ đó tạo sự liên kết thành chuỗi hệ thống đình làng, khu di tích văn hóa trong vùng để giới thiệu với du khách, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Thêm nữa ngành giáo dục cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, về nguồn, giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương để các em hiểu hơn về trách nhiệm của mình trong công tác giữ gìn, quảng bá điểm đến. Có như vậy, đình làng mới thực sự “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]