(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú... tất cả 19 tướng văn và tướng võ chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi muôn dân nước Việt đồng lòng đứng lên đánh giặc Minh xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn ở Lang Chánh

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú... tất cả 19 tướng văn và tướng võ chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi muôn dân nước Việt đồng lòng đứng lên đánh giặc Minh xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Thời kỳ hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Trong thời gian đầu, lực lượng của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại.

Bị quân Minh vây đánh, nghĩa quân Lam Sơn nhiều phen khốn đốn. Riêng trên địa bàn huyện Lang Chánh ngày nay, Chủ tướng Lam Sơn và nghĩa quân ba lần phải rút chạy lên núi Chí Linh vào những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở Sách Khôi năm 1422. Tuy nhiên do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng núi, phải ăn rau củ và măng tre lâu ngày; có lần ông phải giết cả voi và ngựa chiến của mình để cho tướng sĩ có cái ăn. Một lần bị địch vây gắt ở núi Chí Linh năm 1418 (có sách ghi năm 1419), quân sĩ hết lương, Lê Lai phải đóng giả làm Lê Lợi, dẫn quân ngênh địch, chiến đấu anh dũng và hy sinh lẫm liệt. Câu chuyện nổi tiếng về lòng trung thành trong sử Việt còn lưu truyền đến tận ngày hôm nay qua câu ca dao: Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi.... Quân Minh tưởng là bắt được chúa Lam Sơn nên lơi lỏng phòng bị, Lê Lợi và các tướng lĩnh thừa cơ mở đường chạy thoát. Sau này, trước sự khủng bố, tàn sát dã man của quân giặc, Lê Lợi còn không ít lần lui quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh để củng cố và bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến phía trước. Đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đã đùm bọc, đồng cam cộng khổ cùng nghĩa quân chiến đấu với quân thù. Đây được xem là địa bàn chiến lược để nghĩa quân nương náu và phát triển hùng mạnh, giành thắng lợi sau này.

Nhờ vào địa hình phức tạp của vùng núi Chí Linh, mà sau ba lần phải rút lên cố thủ, Bộ Chỉ huy Lam Sơn được bảo toàn, dẫn đến việc nghị hòa với giặc Minh năm 1422, tạo điều kiện cho nghĩa quân xem xét thời sự và quyết định Nam tiến, đánh chiếm Nghệ An theo kế hoạch Nguyễn Chích năm 1424. Từ Nghệ An, Lê Thái Tổ chỉ cần mất 3 năm để đánh thẳng ra Đông Quan, tiêu diệt toàn bộ quân địch đồn trú và viện binh kéo sang, đánh đuổi hoàn toàn quân Minh xâm lược và phải thất bại thảm hại, quay đầu tháo chạy về nước.

Dù 3 lần trải qua gian lao vất vả, nhưng cuối cùng đại nghiệp phục quốc thành công. Nhớ về những năm đầu khởi nghĩa ẩn mình dưới ngọn núi thiêng Pù Rinh, trong bài Chí Linh sơn phú, đã được thi hào Nguyễn Trãi cảm tác: Dựng nước thành công nhiều khó nhọc /Miền Tây sông núi hẳn anh linh... Vua ta ẩn náu núi này, đành bặt tăm hơi, bưng kín ánh sáng/Vợ con lưu lạc, quân sĩ tha phương/ Trong cảnh khốn vẫn bền lòng, vững tin ở ngày hưng vượng.

600 năm trôi qua, những câu chuyện cảm động về Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu ác liệt với quân giặc trên vùng đất Pù Rinh núi cao hiểm trở, rậm rạp vẫn lưu lại trong trí nhớ của các thế hệ đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh. Và được kể lại với nhiều truyền thuyết, sự tích về các sự kiện lịch sử, địa danh gắn với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn quyết chiến với giặc Minh, thoát khỏi sự vây ráp của quân thù và sau khi lên ngôi vua Lê đặt tên cho vùng đất nơi đây hãy còn lưu giữ đến tận hôm nay với sự thành kính, cảm phục, biết ơn vị Chủ tướng Lam Sơn và đoàn quân nghĩa.

Đặc biệt, nhiều địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược, đó là: sự tích núi Pù Rinh- nơi đỉnh cao Bình Định Vương quan sát địch và nghị bàn việc quân cơ với các tướng lĩnh cùng nghĩa quân, Chùa Mèo, thác Ma Hao, bản Năng Cát (xã Trí Nang); Làng Húng - nơi Bình Định Vương phát hiện ra loại rau có hương thơm lạ và đặt tên cho làng là làng Húng; Làng Hiên gắn với sự tích Chủ tướng Lam Sơn một lần đi qua làng được dân bản nấu cho ăn món rau hiên với lươn, nhưng ông chỉ ăn rau mà không đụng đến thịt lươn để nhường quân sĩ ốm yếu, cảm động trước lòng yêu thương nghĩa binh của Lê Lợi, sau này làng được mang tên là làng Hiên; Suối Vớ (xã Giao An) nơi Nguyễn Trãi lấy mật viết lên lá cây, để kiến đục thủng, thay cho lời của Trời và thần linh: "Lê Lợi vi Vương, Lê Lai vi Tướng, Nguyễn Trãi vi Thần"; Suối Láu, nơi Lê Lợi đổ bát rượu xuống suối "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", thề cùng các tướng sĩ đồng cam, cộng khổ chống giặc nhà Minh khôi phục giang sơn...

Trong những buổi đầu dấy binh muôn vàn gian khó và hiểm nguy, truyền thuyết được bà con các dân tộc trên đất Lang Chánh mãi còn ghi nhớ truyền thuyết Lê Lai liều mình cứu chúa: Hay tin Lê Lợi dấy nghĩa, quân Minh tập trung lực lượng đàn áp nghĩa quân ngay từ những ngày đầu thành lập. Trước tình thế cấp bách, Lê Lợi phải rời quân về Mường Một (một mường lớn của châu Lang Chánh, nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân). Quân địch vẫn vây ráp và lùng sục ráo riết, Lê Lợi rút sâu vào vùng núi Chí Linh. Bằng kế cho Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” tiến đánh quân Minh giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Với sự tích Chùa Mèo, người dân nơi đây truyền kể: Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần Chủ tướng Lam Sơn cùng nghĩa quân lánh nạn trong chùa trước sự truy lùng gắt gao của giặc Minh, thấy trong chùa chỉ còn lại con mèo, ông đã sai nghĩa quân đem theo con mèo cùng đi lánh nạn. Lòng thương cảm và trách nhiệm của Chủ tướng ngay cả đối với con vật nuôi bé nhỏ đã thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc, quyết giành lại non sông, cởi ách xâm lăng của giặc Minh làm nức lòng quân sĩ xông lên diệt giặc. Sau khi giành thắng lợi, ngôi chùa đã được Lê Lợi cho tu sửa và đổi tên thành chùa Mèo để ghi nhớ sự kiện đó. Ngôi chùa hiện tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến.

Trên đất Lang Chánh, mỗi ngọn núi dòng sông, bản làng đều gắn với những truyền thuyết, sự tích về cuộc chiến đấu, anh dũng hy sinh của Bình Định Vương và quân sỹ Lam Sơn. Thác Ma Hao gắn với truyền thuyết về nghĩa quân và Lê Lợi. Trong những ngày nghĩa quân Lam Sơn lui về núi Chí Linh (Pù Rinh), để củng cố lực lượng, Lê Lợi và quân lính của ông bị giặc bủa vây, truy sát ráo riết. Quanh núi Chí Linh có tầng tầng, lớp lớp núi đồi, cây cối um tùm, suối sâu vách đá cheo leo vô cùng hiểm trở. Nghĩa quân đã cắt cử người canh gác liên tục, nếu có giặc đến thì kịp thời cấp báo cho chủ tướng đối phó. Từ đỉnh núi này có thể quan sát xung quanh, đã bao lần nhờ có đỉnh núi này mà nghĩa quân được an toàn. Nhiều lần nghĩa quân đã phải mở đường máu với quân giặc để bảo vệ Chủ tướng Lê Lợi.

Một lần, Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức thì gặp một thác cao chảy xiết. Quân giặc lại đuổi sát phía sau, nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia. Còn con chó do sức đã kiệt, suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp. Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước xoáy. Quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý và truyền lệnh chôn cất nó tử tế. Từ đó, thác có tên theo tiếng người Thái là Ma Háo (chó ngáp) lâu dần người dân đọc chệch đi là Ma Hao.

Danh thắng thác Ma Hao (Lang Chánh) gắn với truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. (Ảnh: TL)

Cách không xa thác Ma Hao, bản Năng Cát cũng lưu giữ truyền thuyết về Lê Lợi và các nghĩa binh Lam Sơn. Trong lần Vua Lê và quân lính bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại, nấu cơm. Đường chật, người đông, nấu được nồi cơm thật vất vả. Ngay đội quân bảo vệ cho Lê Lợi cũng tất bật, vội vàng. Họ mang nồi niêu ra suối để vo gạo, múc nước. Vì kéo nhau xuống suối quá đông, nước cạn, làm vẩn đục dòng nước, đến nỗi khi đem nồi cơm dâng lên Chủ tướng có nhiều cát lẫn với cơm. Thấu hiểu và cùng chia sẻ với nỗi gian truân, khó khăn của quân sĩ, Lê Lợi vừa nhai cơm vừa cả cười, liền đặt cho vùng đất này là Năng Cát để ghi dấu những lúc gian lao của những ngày đầu khởi nghĩa. Địa danh này nay là bản Năng Cát, thuộc xã Trí Nang.

Sự tích Nguồn gốc họ Lê thờ Kỳ đà, kể rằng: Một lần bị giặc vây, Lê Lợi ém mình trong một gốc cây to, đúng lúc quân Minh ập tới, bất ngờ có con kỳ đà chạy ra. Giặc Minh và lũ chó săn liền xông tới xé xác kỳ đà. Chúng còn dùng giáo đâm vào bụi cây, xuyên vào đùi Lê Lợi, ông nén đau, bình tĩnh lau vết máu trên mũi giáo khiến giặc Minh không phát hiện được. Khi giặc rút đi Lê Lợi được người dân nơi đây hái cây thuốc cỏ băng bó vết thương, chỉ đường cho Chủ tướng thoát khỏi vòng vây của giặc. Cảm ơn dân bản, Lê Lợi đặt tên cho nơi này là bản Tiên - Tiên thánh giúp đỡ. Bản Tiên đến nay vẫn mang tên cũ, thuộc xã Lâm Phú. Ghi nhớ sự việc trên, dòng tộc họ Lê nơi đây đã suy tôn kỳ đà cứu mạng vua Lê là thần và có tục thờ tri ân linh vật đã giúp vua thoát nạn.

Truyền thuyết, cổ tích giai thoại, truyện kể dân gian về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn buổi đầu khởi nghiệp trên đất Lang Chánh rất phong phú, đa dạng, mang đậm hơi thở của cuộc sống thời đại. Truyền thuyết, cổ tích giai thoại về sự nghiệp bình Ngô trên đất Lang Chánh đều bắt nguồn từ cốt lõi hiện thực lịch sử của cuộc khởi nghĩa gặp muôn vàn gian khó. Những năm đầu dựng cờ, nghĩa quân chỉ thắng được vài trận nhỏ, còn lại hoàn toàn thất bại khi bị quân Minh truy quét, nhưng được sự cưu mang, giúp đỡ của đồng bào, đồng chí nơi đây, nghĩa quân đã bền gan, quyết chí quét sạch giặc Minh xâm lược, giành độc lập dân tộc. Các câu chuyện đề cập những sự kiện có thật với những con người cụ thể và tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông, con suối, cánh rừng... gắn liền với mỗi bản mường, vùng đất thuộc huyện Lang Chánh. Điều đó không chỉ tôn vinh sự nghiệp bình Ngô, cứu nước, cứu dân vĩ đại của người anh hùng Lê Lợi và nghĩa sỹ Lam Sơn, mà còn khẳng định vị thế và sự đóng góp to lớn của con người và miền đất nơi đây với sự nghiệp chống quân Minh xâm lược, giải phóng dân tộc hồi thế kỷ XV.

Phù Rinh núi thiêng, vai trò và sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh những năm đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành mốc son chói lọi, in đậm và ghi tạc trong lòng người, tạo sức sống bền lâu suốt nhiều thế hệ, mãi sáng ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc như thi hào Nguyễn Trãi đã từng ngợi ca: ...vua ta dựng nghiệp tự núi này /Công cao đức cả của vua ta sẽ cùng núi này hùng vĩ muôn đời.

TS. Hoàng Minh Tường


TS. Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]