(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xem là trung tâm nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp của tỉnh, song hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, đồng bào các dân tộc... Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa vẫn luôn khát vọng nỗ lực hướng đến mục tiêu khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật xứ Thanh giữa những bộn bề khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng đi tìm chỗ đứng

Được xem là trung tâm nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp của tỉnh, song hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, đồng bào các dân tộc... Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa vẫn luôn khát vọng nỗ lực hướng đến mục tiêu khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật xứ Thanh giữa những bộn bề khó khăn.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Ngày 27/2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị nghệ thuật: Đoàn Nghệ thuật Tuồng; Đoàn Nghệ thuật Chèo; Đoàn Nghệ thuật Cải lương; đồng thời bổ sung thêm đoàn Dân ca dân vũ. Đến ngày 20/10/2017, Sở VH,TT&DL đã công bố Quyết định thành lập và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của Nhà hát. Sau hơn 1 năm chính thức đi vào hoạt động, đó có thể xem là khoảng thời gian nhiều thử thách với lãnh đạo các đoàn, nghệ sĩ, diễn viên, người làm nghệ thuật ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống.

Tuy vậy, vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ những ngày đầu hợp nhất, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa đã từng bước “vào guồng”, thực hiện công tác chuyên môn, đảm nhận các chương trình nghệ thuật quy mô, hoành tráng tại những sự kiện lớn của tỉnh: Chương trình nghệ thuật đón giao thừa; kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; Lễ hội Lam Kinh...

Bên cạnh đó, Nhà hát vẫn duy trì đều đặn các chương trình biểu diễn, mang lời ca tiếng hát, chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đảm bảo vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao về số lượng buổi biểu diễn, lượt xem; xây dựng các vở diễn, tiết mục công phu, chất lượng, đạt yêu cầu nghệ thuật.

Từ những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát đã mang đến nhiều xúc cảm cho người dân, để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Và với tiếng vang tại sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc đã giúp các nghệ sĩ tỏa sáng, mang về những thành tích xứng đáng: Tham gia cuộc thi Độc tấu hòa tấu nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Ba Thiềng đoạt HCV, nghệ sĩ Hoàng Tuấn đoạt HCB. Các nghệ sĩ Hữu Cao, Thành Đồng, Đình Kỷ và dàn nhạc đoạt HCV tiết mục “Lê Lai đổi áo”; nghệ sĩ Phạm Minh Điệp đoạt HCB tiết mục cá nhân. Tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo năm 2017 diễn ra tại Thanh Hóa là sự thăng hoa và tỏa sáng của hàng loạt những gương mặt trẻ đầy triển vọng như nghệ sĩ Lê Thị Thu Hà, Nhật Hóa, Tống Như Đạt, Hoàng Tuấn Anh, Minh Đức. Vừa qua, tham gia Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc diễn ra tại Long An, vở diễn “Trống trận Ba Đình” đã đạt được những thành tích ngoài dự kiến với 1 HCV, 3 HCB. Đặc biệt, cháu Nhật Anh trong vai Đinh Công Tráng lúc nhỏ đã đoạt giải của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam dành cho diễn viên nhỏ tuổi nhất.

Các đồng chí lãnh đạo SởSở VH,TT&DL tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa. (Ảnh: Thu Thủy)

Nếu so với bề dầy truyền thống, thành tích của Tuồng, Chèo, Cải lương thì đoàn “Dân ca dân vũ” được xem là “em út” trong hoạt động của Nhà hát khi đoàn chỉ vừa mới được thành lập trên cơ sở nguồn nhân lực của ba đoàn nghệ thuật đàn anh. Được biết, trong thời gian tới với việc mời nghệ sĩ nhân dân Hoàng Hải làm tổng đạo diễn thì Nhà hát đang tập trung dàn dựng chương trình nghệ thuật với quy mô, chất lượng đầy hứa hẹn, là tác phẩm đầu tay của đoàn Dân ca dân vũ sau khi thành lập. Chương trình dự kiến diễn ra trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa vào năm 2019.

Khát vọng khẳng định chỗ đứng

Dù đạt được không ít thành tích đáng ghi nhận trong công tác chuyên môn, song với tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa vẫn còn đó không ít trăn trở.

Hiệu quả từ việc thành lập Nhà hát truyền thống trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị nghệ thuật được xem là quyết định đúng đắn, hợp thời của lãnh đạo tỉnh nhà. Khi về chung một “mái nhà”, các nghệ sĩ, diễn viên không chỉ gắn bó, đoàn kết mà ở đó còn là sự “đua ganh” nỗ lực để khẳng định mình. Chính điều đó đã góp phần làm nên sự thay đổi trong chất lượng các chương trình, tiết mục nghệ thuật của Nhà hát. Song cùng với đó, tập thể Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống với 120 nghệ sĩ, diễn viên trong đó có gần 50 hợp đồng đang thực sự là nỗi lo lắng cho những người đứng đầu.

NSƯT Trương Hải Thọ - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, chia sẻ: “Có một thực tế hiện nay, đội ngũ gần 50 nghệ sĩ, diễn viên hợp đồng của Nhà hát là lực lượng xung kích, nòng cốt trong các chương trình nghệ thuật của tỉnh. Ở các em là sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến, cháy hết mình cho nghệ thuật. Tuy vậy, chế độ đãi ngộ để giữ chân các nghệ sĩ trẻ hiện nay quả thực vô cùng nan giải. Nếu trước đây ở các đoàn đều có quỹ phát triển tài năng để lưu giữ các nghệ sĩ trẻ có tài năng nhưng chưa được biên chế, hợp đồng dài hạn nhằm hỗ trợ các em một phần nào đó kinh phí để ổn định cuộc sống thì giờ đây không còn. Trong số đó, không ít nghệ sĩ đã gắn bó với các đoàn mà nay là Nhà hát suốt nhiều năm thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời người làm nghệ thuật. Hiện lãnh đạo Nhà hát đang tích cực đề nghị với các sở, ban, ngành liên quan đồng thuận chủ trương ký một số hợp đồng có quỹ lương. Nếu không sẽ buộc phải đi tới việc thanh lý hợp đồng, đó sẽ là sự đáng tiếc không chỉ đối với các nghệ sĩ trẻ mà còn ảnh hưởng đến hoạt động, chất lượng chuyên môn của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống.

Và có một thực tế, chất lượng nghệ thuật các chương trình, tiết mục, vở diễn của Nhà hát đã được khẳng định thông qua các hội diễn, liên hoan, sân chơi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, mang về không ít thành tích, danh hiệu cho cả tập thể và cá nhân nghệ sĩ. Nhưng dường như ánh đèn sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn đang “xa cách” với đông đảo công chúng tỉnh nhà? Người đứng đầu Nhà hát đã có những trải lòng đầy tâm huyết. NSƯT Trương Hải Thọ cho rằng đó cũng chính là bài toán khó đầy trăn trở đặt ra từ nhiều năm qua đối với người làm nghề. Thực tế, việc phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, sân khấu hiện đại đã khiến sân khấu của nghệ thuật truyền thống ngày càng thưa vắng khán giả. Có lẽ, thay vì để công chúng tìm đến với nghệ thuật thì đã đến lúc nghệ thuật truyền thống cần phải đi tìm lại công chúng cho mình. Đó có thể là việc công diễn liên tục các vở diễn chất lượng, tổ chức các hoạt động đến với đông đảo công chúng ở các vùng miền... Dĩ nhiên, để tổ chức được các chương trình như vậy rất cần đến sự quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhất định của lãnh đạo tỉnh nhà cũng như các sở, ban, ngành, địa phương đối với Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống. Và cũng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện “xã hội hóa” trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát bên cạnh các nhiệm vụ chính trị...

Hình ảnh tiết mục sân khấu hóa tại chương trình nghệ thuật Lễ hội Lam Kinh năm 2018 do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa biểu diễn.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng nghệ thuật nói chung của sân khấu nghệ thuật truyền thống trong tỉnh thì cũng cần thiết phải có sự đầu tư bài bản đối với lực lượng sáng tác, viết kịch bản, đạo diễn chuyên nghiệp. Vì thực tế thì các vở diễn được dàn dựng trong nhiều năm gần đây nếu không phải “sưu tầm” trong dân gian thì là “đi mượn” của các đơn vị ngoài tỉnh... đó hoàn toàn không phải cách làm dài hơi, chuyên nghiệp.

Một nghệ sĩ đi theo con đường của sân khấu nghệ thuật truyền thống có thể phải mất đến ba năm học hỏi mới hi vọng được diễn thành vai. Và để một vở diễn thành công thì cần đến sự chuyên tâm tập luyện của cả tập thể. Vậy nhưng thực tế khắc nghiệt của đời sống nghệ thuật truyền thống trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung lại chính là thách thức đối với ai dám sống vì nghề. Khát vọng tìm lại chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật Truyền thống xứ Thanh, đó sẽ là con đường rải đầy gai hoa hồng đối với người làm nghệ thuật chân chính. Và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, nơi ươm mầm, thắp lửa cho nghệ sĩ và nghệ thuật với sự nỗ lực của tập thể cùng sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, sở, ban, ngành... hi vọng sẽ sớm trở thành trung tâm tỏa sáng cho nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]