(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ những cuộc “đại phục hồi” diện tích rừng ngập mặn, từng lớp cây cắm rễ sâu vào lòng bãi bồi và xanh tốt thành một cánh rừng vững chãi, che chắn gió bão, giảm nhẹ thiên tai, góp phần bảo vệ môi trường và sự sống cho vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tới đây, những dự án trồng rừng có thể tiếp tục được triển khai để diện tích rừng ngập mặn ở vùng bãi nổi này được mở rộng và phát triển bền vững hơn.

Mênh mông sóng nước Cồn Trường

Từ những cuộc “đại phục hồi” diện tích rừng ngập mặn, từng lớp cây cắm rễ sâu vào lòng bãi bồi và xanh tốt thành một cánh rừng vững chãi, che chắn gió bão, giảm nhẹ thiên tai, góp phần bảo vệ môi trường và sự sống cho vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tới đây, những dự án trồng rừng có thể tiếp tục được triển khai để diện tích rừng ngập mặn ở vùng bãi nổi này được mở rộng và phát triển bền vững hơn.

Mênh mông sóng nước Cồn Trường

Rừng ngập mặn xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Ảnh: Minh Hiền

Theo dòng chảy miên man giao hòa giữa sông Mã và cửa biển Lạch Trào, bãi nổi Cồn Trường được hình thành tự bao đời như một món quà mà thiên nhiên gửi tặng cho dải đất vùng triều. Bao năm qua, vùng đất mênh mông sóng nước ấy vẫn luôn âm thầm gắn bó và đóng góp cho cuộc sống của cư dân nơi đây.

Món quà của thiên nhiên

Bờ biển huyện Hoằng Hóa trải dài 12 km, giáp hai cửa lạch ở hai đầu, phía Bắc là Lạch Trường, phía Nam là Lạch Trào. Sông Mã chảy vòng ở phía Tây và Nam huyện Hoằng Hóa, đoạn qua xã Hoằng Châu khoảng 5 km, đổ ra cửa Lạch Trào. Đây là vùng hạ lưu giáp sông, giáp cửa lạch, là ranh giới giữa huyện Hoằng Hóa với huyện Quảng Xương trước đây, nay thuộc địa phận TP Sầm Sơn. Điều đặc biệt ở nơi cuối hạ nguồn sông Mã có một dải đất hình thoi nổi lên giữa mênh mông sóng nước.

Theo ghi chép trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Hoằng Châu (1930-2010) (NXB Thanh Hóa năm 2010): “Ở xã Hoằng Châu có một dải đất hình thoi với diện tích khoảng 4 km2 nổi lên ở hạ lưu sông Mã, “án ngữ” cửa Lạch Trào, chia sông Mã thành 2 dòng, một dòng chính ở hữu ngạn, một dòng nhánh ở tả ngạn. Bãi bồi có tên là Hồ Trường, có nguồn tài nguyên thủy sản phong phú cho Nhân dân trong xã và các xã lân cận đến khai thác, kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, vì vậy có lúc nơi đây còn được gọi là “Đảo Ngọc”.

Hồ Trường, Đảo Ngọc nhưng tên gọi phổ biến nhất của bãi bồi này là Cồn Trường. Nơi đây, có hơn 300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) với những ô, thửa lớn và cánh rừng ngập mặn hơn 106 ha xanh tốt quanh năm. Đây là nơi được ví như “bức tường xanh” chắn sóng nơi cửa biển Lạch Trào, bảo vệ hệ thống đê điều trước những mùa mưa bão. Dưới tán rừng, bãi lầy còn là “lồng” ấp nở, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Những đàn cò, chim muông cũng chọn đây là nơi kiếm ăn và trú ngụ.

Hình thành được một vùng NTTS với bờ bao, cống, de ổn định, những tán rừng ngập mặn xanh tốt như ngày nay, đó là công sức của bao thế hệ. Nhiều bậc cao niên trong làng nhớ lại, những năm 70 của thế kỷ trước, khi dân làng bắt đầu đi đến Cồn Trường đào đất, đắp bờ bao thành những ô, thửa NTTS. Thời kỳ đó, một phần diện tích rừng ngập mặn già cỗi, một phần do tác động của con người mà biến mất. Đến khoảng năm 1995, nhờ sự tài trợ của Liên hiệp các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, chính quyền xã Hoằng Châu đã tổ chức cho dân trong vùng trồng rừng với những loài cây như sú, bần, vẹt, đước. Khoảng năm 2005, Dự án trồng rừng 661 của Chính phủ được triển khai tại đây nên diện tích rừng cứ thế mà lớn dần thêm. Từ những cuộc “đại phục hồi” diện tích rừng ngập mặn, từng lớp cây cắm rễ sâu vào lòng bãi bồi và xanh tốt thành một cánh rừng vững chãi, che chắn gió bão, giảm nhẹ thiên tai, góp phần bảo vệ môi trường và sự sống cho vùng NTTS. Tới đây, những dự án trồng rừng có thể tiếp tục được triển khai để diện tích rừng ngập mặn ở vùng bãi nổi này được mở rộng và phát triển bền vững hơn.

Kỳ vọng về du lịch sinh thái

Cồn Trường có diện tích lớn phát triển nghề NTTS nước lợ, chiếm 1/10 diện tích NTTS nước lợ toàn tỉnh. Đây được xem là vùng NTTS chủ lực của xã Hoằng Châu bởi trong tổng số hơn 435 ha NTTS vùng ngoại đê của xã, thì Cồn Trường chiếm diện tích hơn 300 ha với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia.

Điều đặc biệt ở vùng NTTS này đó là do nằm trên một “cù lao” gần cửa biển, cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Bao nhiêu năm nay, một phần do kinh phí, một phần do bảo vệ hệ sinh thái trong NTTS nên cây cầu bắc sang Cồn Trường vẫn chỉ là trong tưởng tượng. Để đến được nơi này, từ bờ đê sông Mã phải mất khoảng 15 phút đi thuyền lênh đênh trên sông Mã.

Ông Lê Ngọc Quyền, hơn 50 tuổi, có nhiều năm gắn bó với bãi nổi. Công việc hằng ngày của ông là đi thuyền qua sông để đến trông nom, chăm sóc đầm NTTS rộng hơn 3 ha của gia đình. Ngày ngày gắn bó, ông thân thuộc từng bờ đất, gốc cây và hiểu về những biến đổi của vùng bãi nổi này. Ông bảo, diện tích NTTS này được chia thành các ô, thửa lớn, nhỏ khác nhau, được xã giao khoán thầu cho các hộ làm nghề NTTS. Ở đây, người dân không nuôi công nghiệp mà nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, đa con, đa canh, đa thời vụ với con nuôi chủ yếu là tôm sú, cua. Những năm gần đây, nhiều hộ còn thả xen thêm loài tôm thẻ chân trắng. Nghề NTTS này phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết nên mỗi năm, các chủ đầm chỉ thả giống vào vụ xuân hè. Thời gian thả giống của từng hộ cũng khác nhau, đan xen từng đợt, thường vào độ tháng 3, 4 hàng năm và thu hoạch rải rác các tháng sau đó. Không chỉ có tôm, cua mà nhiều loài thủy sản đặc trưng khác như: rau câu, cá đối, cá bống, tôm rảo... cũng mang lại nguồn thu thường xuyên cho các hộ. Nghề NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, mỗi năm trừ các khoản chi phí thì các hộ NTTS cũng thu được một khoản kha khá cho gia đình. “Cái nghề này được cũng nhiều mà vất vả cũng không ít. Đó là cảnh lặn lội sông nước, sống trong vùng không có điện, thức đêm canh de, cống, nạo vét, đắp bờ... Có năm, vì thời tiết bất lợi, nguồn nước ô nhiễm, hàng chục hộ NTTS điêu đứng vì tôm bị dịch bệnh... Nhưng làm gì mà chẳng có lúc này, lúc khác, điều quan trọng nhất vẫn phải cảm ơn thiên nhiên đã tạo nên vùng bãi nổi này để người dân vùng triều phát triển kinh tế từ nghề NTTS” - ông Quyền cho biết.

Cồn Trường nằm cách 2 khu du lịch lớn là Sầm Sơn và Hải Tiến chưa đầy 30 phút đi thuyền. Đối lập với sự phồn hoa, sầm uất, hiện đại của các khu du lịch biển, Cồn Trường vẫn giữ cho mình nét hoang sơ riêng có của một vùng bãi bồi ít người đặt chân đến. Chính vẻ hoang sơ ấy có thể thu hút nhiều người tìm về với thiên nhiên. Không phải ở đâu xa, đây là địa điểm mà nhiều người Hoằng Châu, nhất là một số nhóm bạn trẻ thường lựa chọn để đưa bạn bè đến vui chơi những ngày cuối tuần. Họ lội vào rừng ngập mặn tham quan, ngồi câu cá, chèo thuyền đánh lồng... rồi nổi lửa nướng cá, tôm và thưởng thức ngay trên những lán, trại của các chủ đầm NTTS... Câu chuyện vui chơi và trải nghiệm giữa mênh mông sóng nước của những bạn trẻ ấy đã mang đến những kỳ vọng về du lịch sinh thái ở vùng bãi nổi nơi cửa biển Lạch Trào.

Minh Hiền


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]